(Baonghean) - Trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An được thành lập ngày 16/12/1995 trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chức của tỉnh và Trường Cán bộ quản lý giáo dục Nghệ An.

Qua hơn 20 năm thành lập, Trung tâm GDTX Nghệ An là một trong những đơn vị có truyền thống trong đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên của tỉnh nhà. Đây cũng là cơ sở để từ cuối tháng 6 này, Trung tâm được giao nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT nhằm đảm bảo chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT theo quy định của Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT - Bộ Thông tin truyền thông...

Nâng “chuẩn” cho công chức, viên chức, giáo viên 

Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về trình độ, năng lực sử dụng CNTT theo Chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT có hiệu lực từ cuối tháng 4/2014. Theo đó, nếu như trước kia chuẩn trình độ đối với cán bộ, công chức, viên chức (về ngạch, bậc, hoặc quy hoạch, bổ nhiệm) được quy định bằng các loại chứng chỉ A, B, C, thì nay được thay thế bằng các chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT khác bao gồm chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản và chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT nâng cao. 

Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban lãnh đạo nhà trường kiểm tra cơ sở vật chất phòng CNTT. Ảnh: Mỹ Hà
Sở Giáo dục - Đào tạo và Ban lãnh đạo nhà trường kiểm tra cơ sở vật chất phòng CNTT. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Nghệ An, sau khi Thông tư 03 ra đời, rất nhiều giáo viên trên địa bàn tỉnh đã cấp tốc đi học để đạt chuẩn theo quy định. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện do thiếu những thông tin cần thiết, nên việc cấp bằng còn xảy ra khá lộn xộn, thiếu thống nhất và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng. Trong khi đó, nếu theo đúng chuẩn mới thì tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn chỉ mới đạt 3 - 4%. Bước vào đầu năm học 2016 - 2017, thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu toàn ngành giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ chủ yếu của năm học và những năm tiếp theo bao gồm 9 nhiệm vụ cơ bản và 5 giải pháp chủ yếu.

Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và triển khai Chính phủ điện tử ở các cơ quan quản lý giáo dục các cấp và các cơ sở giáo dục theo hướng đồng bộ, kết nối liên thông”... Theo ông Nguyễn Huy Anh - Phó phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo, thì việc nâng chuẩn cho giáo viên có ý nghĩa hết sức quan trọng và là đòi hỏi hết sức cần thiết, nhất là khi hiện nay việc đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin được sử dụng thường xuyên trong ngành giáo dục...

Từ những bất cập này, việc lựa chọn một đơn vị có uy tín, có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo đủ chuẩn để tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng CNTT theo quy định là điều cần thiết. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh ngoài 20 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện và một số trung tâm tin học ngoại ngữ tư nhân đang thực hiện việc thi cấp chứng chỉ theo hình thức cũ, thì chưa có đơn vị nào tổ chức thực hiện thi cấp chứng chỉ đúng quy định.

Đây cũng là lý do để Trung tâm GDTX  tỉnh xây dựng đề án về “Tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ Ứng dụng Công nghệ thông tin tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Nghệ An”. Sau gần 1 năm chuẩn bị, hiện đề án đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An chấp thuận theo Quyết định số 1296/QĐ – SGDĐT ban hành ngày 22/6/2017 về việc giao nhiệm vụ tổ chức thi và cấp chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu lực từ ngày 25/6/2017.

Lớp học kỹ năng dành cho học sinh trong kỳ nghỉ hè. Ảnh: Mỹ Hà

Trên thực tế, việc  đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giáo viên cũng chính là nhiệm vụ thường xuyên được Trung tâm GDTX tỉnh thực hiện trong hơn 20 năm qua. Riêng về lĩnh vực CNTT, điều thuận lợi là trung tâm có hệ thống cơ sở vật chất khang trang, các phòng máy vi tính có hệ thống camera IP giám sát an ninh hiện đại; hệ thống mạng internet với đường truyền cáp quang tốc độ cao, 1 máy chủ (server) cùng hệ thống mạng LAN đồng bộ; các phòng thi đảm bảo đủ ánh sáng; có đồng hồ dùng chung cho tất cả thí sinh theo dõi được thời gian làm bài; có máy in được kết nối với máy tính; có thiết bị kiểm tra an ninh như cổng từ hoặc thiết bị cầm tay nhằm kiểm soát được việc thí sinh mang vật dụng vào phòng thi... Trung tâm cũng đã xây dựng chương trình đào tạo cũng như các nội dung ôn tập để phục vụ cho công việc đánh giá năng lực của học viên.

Đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động

Việc Sở Giáo dục và Đào tạo thông qua Đề án “Tổ chức bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ Ứng dụng CNTT” cũng mở ra một cơ hội mới cho Trung tâm GDTX Nghệ An và cho thấy chủ trương đổi mới và mở rộng các ngành nghề đào tạo mà Ban lãnh đạo nhà trường đã xây dựng là hoàn toàn đúng đắn.

Nhìn lại quá trình phát triển, do nhiều lý do khách quan nên có những thời điểm quy mô đào tạo ở đơn vị giảm sút, một số ngành học, hình thức đào tạo, số học viên giảm rõ rệt, thậm chí không có người đăng ký học. Tuy nhiên, trong khó khăn chung, trung tâm đã có những chủ trương và các giải pháp nhằm đổi mới nâng cao hiệu quả công tác liên kết đào tạo từng bước đa dạng hoá nhiệm vụ.

Hiện, trung tâm đã liên kết với 20 trường đại học, cao đẳng và THCN trong cả nước, đào tạo trên 20 ngành học khác nhau với trung bình mỗi một năm hơn 1.000 sinh viên. Bên cạnh đó, trung tâm chủ động liên kết với các doanh nghiệp, các công ty có nhu cầu đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ công chức, xây dựng chương trình đào tạo theo yêu cầu của các doanh nghiệp để mở các lớp tiếng Anh phục vụ nhu cầu hoạt động của các cơ quan, doanh nghiệp.

Trong đó, có nhiều chương trình được đánh giá cao như: xây dựng và triển khai chương trình ôn tập, giúp giáo viên tham gia kỳ thi FCE chứng chỉ quốc tế của trường ĐH Cambridge; triển khai các lớp dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành của tỉnh. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ quản lý, các lớp bổ túc kiến thức; ôn thi đầu vào cho các lớp thạc sĩ vào các trường đại học; tổ chức ôn thi chứng chỉ tiếng Anh TOEFL và FCE cho giáo viên tiểu học, THCS và THPT.

Giờ học ngoại ngữ ở Trung tâm GDTX. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt, trong hơn 3 năm trở lại đây, riêng hè 2017 trung tâm đã tổ chức được 35 lớp với gần 1.000 lượt cháu tham gia, bước đầu tổ chức thành công các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống và năng khiếu cho học sinh ở tất cả các bậc học trên địa bàn thành phố và được xem là hoạt động đánh dấu sự nỗ lực trong việc đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng tại Trung tâm. Riêng hè 2017 trung tâm đã tổ chức được 35 lớp kỹ năng sống, năng khiếu với gần 1.000 lượt cháu tham gia.

Từ những thành công này, thời gian tới, theo Tiến sỹ Lê Võ Bình - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khảo sát nhu cầu người học thuộc các thành phần KT-XH, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để dự báo sát và kịp thời nhu cầu đào tạo, trên cơ sở đó chủ động liên hệ với các trường đại học có truyền thống và uy tín để đăng ký chỉ tiêu hàng năm và đa dạng hóa ngành, nghề đào tạo.

Quá trình triển khai, sẽ đổi mới công tác hành chính, bao gồm: công tác tham mưu, tư vấn cho người học; thu nhận hồ sơ... nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người học và xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh trong mọi lĩnh vực hoạt động. Về phía ban lãnh đạo, không ngừng xây dựng, củng cố và đổi mới tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Qua đó, phấn đấu xây dựng trung tâm thành một địa chỉ đào tạo tin cậy và ngày càng khẳng định chất lượng, uy tín trong hệ thống đào tạo chung của cả tỉnh.

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN