Được đánh giá là một trong những tiền vệ hào hoa bậc nhất trong lịch sử bóng đá nước nhà, nhưng chỉ một sai lầm và sự nghiệt ngã của bóng đá đã khiến cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng mất đi quá nhiều thứ.
Cuối năm 2008, những tưởng khi trở lại và được phép ra sân thi đấu, Quốc Vượng có thể tiếp tục nghiệp quần đùi áo số thì bóng đá lại một lần nữa ngoảnh mặt với tài năng thiên bẩm này. Được Thể Công cưu mang trước khi bị chuyển giao cho Thanh Hóa, Quốc Vượng đồng ý trở thành người của bầu Thụy với bản hợp đồng có giá lên tới 5 tỷ đồng.
Niềm vui ngắn chẳng tày gang, chẳng được lâu anh bị kẹt trong thế không được ra sân và cũng không thể ra đi khi bầu Thụy bỏ đội bóng ở Hà Tĩnh, chuyển vào TP Hồ Chí Minh làm bóng đá. Kì kèo, năn nỉ lên xuống, kiện cáo trăm đường thì cuối năm 2011, Quốc Vượng mới có thể thoát được bầu Thụy để về thi đấu cho Thanh Hóa.
Bi kịch cuộc đời của Vượng vẫn chưa dừng lại, khi mới chỉ cùng Thanh Hóa đi được nửa mùa 2012, Lê Quốc Vượng đã bị bầu Đệ vô cớ gạt ra khỏi cuộc chơi.
Rời Thanh Hóa, SLNA và HLV Hữu Thắng dang tay cưu mang Quốc Vượng thì vào phút chót, anh lại không thể ký hợp đồng với đội bóng quê hương. Nguyên nhân chỉ đơn giản là bởi bầu Đệ đòi nợ 400 triệu tiền lót tay đã ứng trước, kiên quyết không cấp giấy thanh lý hợp đồng để Vượng đầu quân cho đội bóng khác.
Kinh tế khó khăn trăm bề, Quốc Vượng bất lực trong việc xoay xở 400 triệu để thanh toán cho Thanh Hóa nên đành phải bỏ lỡ cơ hội đầu quân cho SLNA. Trong thế đường cùng, lại gặp phải chấn thương, tiền vệ lừng danh một thời đành nhắm mắt từ giã sân cỏ chuyên nghiệp, làm nhân viên phòng vận chuyển hàng, vừa đá bóng phong trào cho một doanh nghiệp vận tải tại TP Vinh.
Sau một năm gắn bó với nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa thu nhập chỉ 5-6 triệu đồng/tháng không đủ nuôi con, cựu tiền vệ Lê Quốc Vượng bất ngờ bén duyên với nghề marketing, làm việc cho 1 hãng đồ uống có tiếng của Nga.
Tại đây, không ai có thể tin một cầu thủ quanh năm chỉ biết đến mặt cỏ lại có thể đảm nhận tốt vai trò chuyên viên marketing và có nhiệm vụ vừa phát triển thương hiệu cũng như quản lý hàng trăm nhân viên khác.
Thực tế, ngoài tài năng chơi bóng bẩm sinh được nhiều người yêu mến, thì năng khiếu ngoại giao và tư chất thủ lĩnh đã giúp Vượng hoàn toàn làm chủ công việc mới. Và giờ Vượng đã là một quản lý cấp cao, điều phối khu vực từ Đà Nẵng đổ ra phía Bắc.
Đã rời xa sân cỏ chuyên nghiệp bao nhiêu năm, thành công trên một cương vị mới nhưng Quốc Vượng vẫn lưu luyến, trăn trở với nền bóng đá nước nhà. Thực tế, khi còn thi đấu đỉnh cao, Vượng đã hội đủ tố chất của một mẫu tiền vệ tổ chức, làm chủ khu trung tuyến. Bên cạnh đó là nhãn quan chiến thuật sắc bén cùng cái nhìn tường tận, thực tế về sân cỏ Việt.
Chẳng thế mà cựu cầu thủ SLNA dù không theo học một chứng chỉ HLV nào nhưng những kênh truyền hình có tên tuổi như K+, Bóng đá TV và đồng loạt các tờ báo thể thao có uy tín vẫn tìm đến Vượng như một chuyên gia bóng đá thực thụ để thu thập ý kiến phân tích, bình luận.
Từ V.League đến SEA Games, từ AFF Cup đến EURO, ngoại hạng Anh hay World Cup, Quốc Vượng đã thực sự phát huy được khả năng biện luận, sự am hiểu của mình bằng những nhận định sâu sắc, đậm chuyên môn.
Một lần nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu khi nói về những nhận định của Quốc Vượng đã chia sẻ: “Tôi đọc kỹ những lời góp ý khiêm tốn của Quốc Vượng khi nói về ĐTVN, lời lẽ hợp với ý người đọc. Chính xác về chuyên môn hẹp và không sáo rỗng về ngôn từ, lại rất chân thành và đó là sự khác biệt. Rất hài lòng khi thấy Vượng có tâm và có cả tầm nhìn".
Nếu như trên sóng truyền hình, giọng Nghệ đặc sệt của Vượng khiến người nghe vừa cảm thấy gần gũi, thực tế thì những nhận định của cựu tiền vệ này trên các tờ báo lại mang đến sự khác biệt bằng việc dám nói thẳng, nói thật và chọn đúng trọng tâm vấn đề. Từ đây, thêm một lần nhiều người lắc đầu tiếc nuối, Vượng có đủ tố chất để làm một huấn luyện viên giỏi.
Cuối cùng, sau một thời gian ấp ủ, Quốc Vượng đã quyết định chia tay mảnh đất Hà Nội để quay về TP Vinh kiếm kế mưu sinh. Mới đây, anh đã đăng ký thành công khóa học huấn luyện viên do AFC tổ chức.
Được biết, khóa học HLV bóng đá chứng chỉ C mà Quốc Vượng theo học bắt đầu từ ngày 4/9 và kết thúc vào ngày 16/9 tới. Chứng chỉ C sẽ là tấm bằng khởi đầu cho các HLV tương lai như Quốc Vượng hay trước đó là Văn Quyến.
Sau khi tốt nghiệp, mục tiêu của Quốc Vượng còn muốn học cao hơn là tấm bằng B và bằng A để có thể phát triển sự nghiệp. Nếu có bằng A trong tay, Quốc Vượng hoàn toàn có thể thử sức ở sân chơi V.League.
“Từ lâu, tôi đã rất muốn truyền những gì mình có, kể cả những sai lầm của mình cho lứa trẻ rút kinh nghiệm. Giờ nhận được thông báo đi học, tôi hạnh phúc như một đứa trẻ và sung sướng vô cùng. Tôi biết tính cách của tôi thẳng quá, tôi thường bảo vệ cái đúng đến cùng, nên cũng là rào cản. Nhưng tôi sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện giấc mơ này”.