"Sát thủ" hào hoa
Giống như người bố Văn Sỹ Chi và 4 người anh em ruột là Văn Sỹ Ngọc, Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Sơn, Văn Sỹ Linh, cựu tiền đạo sinh năm 1974 cũng dành cả thanh xuân để theo đuổi sự nghiệp cầu thủ. Hẳn những người hâm mộ xứ Nghệ vẫn chưa quên chàng cầu thủ có thân hình mảnh khảnh, tóc vuốt ngược kiểu quý tộc trong chiếc áo số 10 của SLNA ở giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước - đầu những năm 2000.
Văn Sỹ Thủy (ngoài cùng, bên trái) trên bục nhận danh hiệu vô địch V.League 2001. Ảnh: Quang Minh Không sở hữu nền tảng kỹ thuật cá nhân điêu luyện như Văn Sỹ Hùng, người đá cặp trên hàng tiền đạo SLNA, Văn Sỹ Thủy lại có phong cách chơi bóng khá đơn giản. Điểm mạnh của Văn Sỹ Thủy là khả năng chọn vị trí và dứt điểm bằng đầu. Chỉ cần hàng phòng ngự của đội bạn có một thoáng mất tập trung, cầu thủ mang áo số 10 của SLNA sẽ ngay lập tức khiến họ bị trả giá.
Thời điểm ấy, Văn Sỹ Thủy luôn được giới chuyên môn và người hâm mộ nước nhà đánh giá là một trong những trung phong nguy hiểm nhất của bóng đá Việt Nam. Danh hiệu Vua phá lưới tại Giải vô địch Quốc gia năm 2000 (14 bàn thắng), chính là minh chứng rõ ràng nhất về sự lợi hại của cậu con trai thứ 4 nhà họ Văn. Cặp song sát Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Thủy của SLNA từng là nỗi ác mộng với hàng thủ của mọi đội bóng trên dải đất hình chữ S.
Kém duyên với màu áo đội tuyển
Sau những mùa giải liên tiếp thi đấu ấn tượng ở cấp CLB, Văn Sỹ Thủy đã được HLV Alfred Riedl triệu tập vào thành phần Đội tuyển Việt Nam tham dự Tiger Cup 2000 (tên gọi cũ của AFF Cup). Tại giải đấu diễn ra trên đất Thái Lan, Văn Sỹ Thủy chỉ có 1 lần xuất hiện trong đội hình xuất phát và ghi được 1 bàn thắng. Pha lập công của Văn Sỹ Thủy được thực hiện trong trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Đội tuyển Lào (5 - 0) ở vòng đấu bảng.
Khách quan mà nói, Văn Sỹ Thủy không được HLV Alfred Riedl trọng dụng đúng mức tại giải đấu được tổ chức trên "đất nước Chùa Vàng", cách đây gần 18 năm. Và đó cũng là lần duy nhất, Văn Sỹ Thủy được "ăn cơm tuyển", trái ngược với người anh trai Văn Sỹ Hùng, cầu thủ thường xuyên có mặt trong thành phần Đội tuyển Việt Nam tham dự các giải đấu quan trọng như SEA Games, Tiger Cup...
Các thành viên trong gia đình họ Văn (ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu Việc Văn Sỹ Thủy không có duyên với màu áo Đội tuyển Việt Nam là điều hoàn toàn dễ hiểu. Giai đoạn này, bóng đá nước nhà đang sở hữu hàng loạt chân sút đình đám. Ngoài Văn Sỹ Hùng còn có Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến (Công An TP.HCM), Nguyễn Tuấn Thành (Công an Hà Nội), Huỳnh Quốc Cường (Đồng Tháp), Đặng Phương Nam (Thể Công)... Quá khó để Văn Sỹ Thủy "lọt vào mắt xanh" của HLV Karl - Heiz Weigang, HLV Colin Murphi, HLV Alfred Riedl hay HLV Henrique Calisto.
Bước ngoặt cuộc đời
Kết thúc mùa giải 2003, Văn Sỹ Thủy nói lời chia tay SLNA trong sự ngỡ ngàng của giới chuyên môn và người hâm mộ xứ Nghệ. Điểm đến tiếp theo của chân sút sinh năm 1974 là CLB Hà Nội ACB với bản hợp đồng có giá trị 100 triệu đồng. Tiếc rằng, tại sân Hàng Đẫy, Văn Sỹ Thủy không chứng tỏ được gì nhiều và chính thức đưa ra lời giã từ sự nghiệp cầu thủ ở tuổi 30.
Đây là quyết định hết sức bất ngờ, bởi những đồng đội cùng trang lứa hoặc lứa trước Văn Sỹ Thủy như Ngô Quang Trường, Văn Sỹ Sơn (1972), Lê Văn Lưu, Nguyễn Phi Hùng (1974)...vẫn còn đang chơi bóng ở đỉnh cao phong độ. Văn Sỹ Thủy giã từ sự nghiệp "quần đùi, áo số" với bộ sưu tập danh hiệu hết sức đồ sộ trong màu áo đội bóng quê hương (vô địch Giải vô địch Quốc gia năm 2000, vô địch V.League năm 2001, vô địch Cúp QG năm 2002...).
Chia tay trái bóng tròn chưa được bao lâu, Văn Sỹ Thủy đã tìm cho mình một công việc mới, cũng liên quan đến lĩnh vực bóng đá. Với sự hợp lực của cả gia đình họ Văn, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ có tên gọi VST đã ra đời tại Thị xã Cửa Lò vào đầu năm 2005. Đặc biệt, Văn Sỹ Thủy được đảm nhiệm vai trò giám đốc. Một bước ngoặt lớn trong cuộc đời của cựu tiền đạo từng khoác chiếc áo số 10 của SLNA.
Tiền đạo Văn Sỹ Thủy (số 10) trong màu áo SLNA. Ảnh: Quang Minh Chứng kiến những bước đi chập chững của Văn Sỹ Thủy trên cương vị mới, dư luận không khỏi hoài nghi về khả năng thành công của Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VST. Không chỉ khó cạnh tranh với lò đào tạo danh tiếng SLNA, tiềm lực tài chính khiêm tốn cũng là chướng ngại vật không nhỏ để Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VST hoạt động trơn tru như kỳ vọng. Trong khi, Văn Sỹ Thủy lại chưa có nhiều kinh nghiệm trong vai trò quản lý. Khó khăn là vậy, song cựu cầu thủ SLNA vẫn không hề nao núng, dao động.
"Chàng khờ thủy chung"
Văn Sỹ Thủy trong một lần trò chuyện với các cầu thủ nhí ở tỉnh Bắc Giang năm 2019. Ảnh: NVCC Hoạt động được 3 năm, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VST gặp không ít khó khăn, nhất là ở khía cạnh tài chính. Để tránh tình trạng giải thể, nhà họ Văn đã phải bán 80% cổ phần cho Tập đoàn Hải An (TP.HCM). Cùng với đó, Văn Sỹ Thủy phải lùi xuống để giữ vị trí Phó Giám đốc, nhường chiếc ghế quan trọng nhất (Giám đốc) cho một đại diện của Tập đoàn Hải An đảm nhiệm.
Đến năm 2012, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ VST đã trở thành cơ sở đào tạo của CLB Hà Nội và mang tên mới là Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH. Theo thời gian, lớp lớp học trò "tốt nghiệp", nhiều cộng sự lần lượt rời "đại bản doanh" Cửa Lò, nhưng riêng Văn Sỹ Thủy thì vẫn trọn tình với cái nôi đào tạo cầu thủ trẻ thứ 2 tại Nghệ An.
Dưới sự quản lý của Văn Sỹ Thủy, Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH đã đào tạo ra hàng loạt cầu thủ xuất sắc cung cấp cho CLB Hà Nội và cả các đội tuyển quốc gia, tiêu biểu như Sầm Ngọc Đức, Ngân Văn Đại, Trần Văn Kiên... Có thể thấy, trên cương vị cầu thủ hay nhà quản lý, Văn Sỹ Thủy luôn chứng tỏ được năng lực và lòng nhiệt huyết của mình. Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ T&T - VSH có được thành quả và danh tiếng như ngày hôm nay, công lao của cựu tiền đạo SLNA là không hề nhỏ.