Ngày 29/09, sản phụ L.T.T.H (xã Nghĩa Thắng, huyện Nghĩa Đàn) nhập Khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng nguy kịch. Sản phụ chảy máu ồ ạt nhiều do vị trí bánh rau bám mặt trước, mép dưới bánh rau lan qua lỗ trong cổ tử cung.... Bệnh nhân L.T.T.H có tiền sử mổ đẻ 2 lần, lần này thai 7 tháng.

bna_image_7751609_12102018.jpgSản phụ L.T.T.H đang được theo dõi tại Khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: Hoài Giang

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sỹ bệnh viện đã nhanh chóng tiến hành hội chẩn và quyết định xử trí phẫu thuật lấy thai. Ca phẫu thuật lấy thai được tiến hành vào lúc 9 giờ 08 phút cùng ngày. Ê kíp phẫu thuật quyết định cắt tử cung, truyền 12 đơn vị máu, 4 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh để ổn định tình trạng huyết động học cho sản phụ.

Với sự cố gắng và hướng xử trí tích cực, ca phẫu thuật thành công sau gần 3 giờ, cả mẹ và bé đều an toàn, sản phụ đang được theo dõi tại Khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Bé gái chào đời nặng 1800 gram được cho thở ô xy và chuyển lên khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh điều trị tiếp, đến thời điểm hiện tại trẻ không phải thở ô xy, tự bú và phản xạ tốt.

Trong 2 tuần vừa qua, tại Khoa Sản - Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tiếp tiếp nhận 4 trường hợp sản phụ bị rau cài răng lược. 

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Trần Quang Hanh - Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: "Trường hợp Bệnh nhân H rất may mắn do được cấp cứu và xử trí kịp thời, bởi với những trường hợp bị nhau cài răng lược, xâm lấn bàng quang, tuổi lại cao như chị H sẽ dẫn đến sinh con non tháng và xuất huyết nhiều trong lúc sinh, rất nguy hiểm.

Do vậy, việc chẩn đoán và xử trí cần phải thận trọng, phẫu thuật chỉ nên thực hiện ở các bệnh viện chuyên khoa có đủ điều kiện và bác sỹ giàu kinh nghiệm.

Bác sỹ Trần Quang Hanh cũng lưu ý, để giảm thiểu nguy cơ, phụ nữ cần chủ động trong kế hoạch hóa gia đình, tránh nạo hút thai và không lạm dụng mổ lấy thai để tránh nguy cơ gây nhau cài răng lược cho những thai kỳ sau./.

Nhau cài răng lược là tình trạng bánh nhau bám chặt bất thường vào lớp cơ tử cung của thai phụ. Tùy vào mức độ xâm lấn của bánh nhau mà chia làm 3 mức độ: mức độ nhẹ là nhau bám chặt và xâm lấn một phần cơ tử cung; mức độ trung bình là nhau xâm lấn sâu vào cơ tử cung nhưng chưa qua khỏi lớp thanh mạc tử cung; mức độ nặng là tình trạng bánh nhau xuyên qua khỏi lớp thanh mạc tử cung và xâm lấn đến những cơ quan lân cận như bàng quang và ruột.