ZimbabweCựu phó tổng thống Zimbabwe có quan hệ thân thiết với quân đội và được nhận xét là biết chờ thời để hành động.
Cựu phó tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa từng giải thích biệt danh "Cá sấu"của mình rằng: "Chúng tung đòn đớp vào đúng thời điểm", theo NYTimes.
Mnangagwa, người giữ chức phó tổng thống Zimbabwe cho đến khi bị sa thải hồi tuần trước, nhiều khả năng trở thành nhà lãnh đạo mới của nước này, sau khi quân đội tiến hành binh biến và quản thúc Tổng thống Robert Mugabe từ ngày 15/11. Ông Mnangagwa hôm qua về nước sau gần một tuần xuất ngoại.
Mnangagwa sinh năm 1942 tại thị trấn mỏ Zvishavane. Cha của ông là một nông dân tham gia nhiều vào chính trị. Mnangagwa từng được huấn luyện quân sự ở Trung Quốc và Ai Cập.
Ở tuổi thiếu niên, Mnangagwa tham gia phong trào giải phóng Rhodesia - tên gọi của Zimbabwe trong thời thuộc địa Anh. Khi 16 tuổi, Mnangagwa bị tuyên án 10 năm tù vì tham gia vào một kế hoạch đánh bom đường ray. Trong thời gian bị giam giữ, Mnangagwa đã tìm hiểu, học tập về luật và chính trị. Ông sau đó có bằng luật của Đại học Zambia.
Sau khi ra tù, Mnangagwa tham gia phong trào giải phóng ở Mozambique (khi đó là thuộc địa của Bồ Đào Nha), nơi ông gặp ông Robert Mugabe và trở thành trợ lý kiêm vệ sĩ. Mnangagwa là chỉ huy trong cuộc chiến du kích vào những năm 1970, chống lại chính quyền người da trắng độc đoán. Ông đã sát cánh bên ông Mugabe khi họ tiến hành các cuộc đàm phán chính trị với chính phủ người da trắng, dẫn đến sự ra đời của Cộng hòa Zimbabwe được quốc tế công nhận năm 1980.
Khi quản lý Cơ quan Tình báo Trung ương vào những năm 1980, ông Mnangagwa bị cáo buộc tổ chức một chiến dịch được gọi là Gukurahundi, trong đó hàng nghìn đối thủ chính trị và thường dân từ nhóm dân tộc Ndebele bị giết. Tuy nhiên, ông Mnangagwa bác bỏ cáo buộc này.
Mnangagwa đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong chính phủ như bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng tư pháp. Ông được coi là ở vị trí trung tâm trong mạng lưới kết nối quân đội, cơ quan tình báo và đảng cầm quyền.
Cũng giống như đối thủ chính trị là Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe, ông Mnangagwa không phải lúc nào cũng được lòng người dân. Mnangagwa từng mất ghế trong quốc hội ít nhất hai lần, một lần sau khi ông bị buộc tội ném bom xăng vào nhà của đối thủ.
Trong những năm gần đây, ông Mnangagwa đã cố gắng sửa đổi những vấn đề trong quá khứ. Ông thể hiện mình là người ủng hộ cải cách nông nghiệp và là người đề xướng những nỗ lực nhằm khôi phục mối quan hệ của Zimbabwe với các nhà đầu tư bên ngoài và các tổ chức quốc tế, bao gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Năm 2014, khi ông Mugabe sa thải Phó tổng thống Joice Mujuru vì Đệ nhất phu nhân Grace cáo buộc bà Mujuru mưu phản – tương tự tình huống hiện giờ của Mnangagwa - ông Mnangagwa đã ủng hộ quyết định của Tổng thống. Bà Mujuru sau đó thành lập một đảng đối lập còn ông Mnangagwa giữ chức phó tổng thống thay bà.
"Chẳng phải tự nhiên mà người ta gọi ông ấy là Cá sấu", nhà báo Nam Phi Peter Fabricius nói. "Ông ấy không thành lập một đảng đối lập khác hay rời khỏi chính trường để kiếm nhiều tiền hơn như nhiều người nghĩ", ông Fabricius nói.
Mối quan hệ với của ông Mnangagwa với Tổng thống Mugabe bắt đầu xấu đi vào năm nay, sau khi bà Mugabe ngày càng thể hiện rõ tham vọng kế nhiệm chồng. Bà cáo buộc ông Mnangagwa muốn làm suy yếu quyền lực của chồng, chia rẽ đảng và âm mưu đảo chính. Ông Mnangagwa bị cách chức vào ngày 6/11.
Không ai rõ nguồn gốc biệt danh "Cá sấu" của Mnangagwa. Một số người nói đó là bí danh từ thời chiến tranh, những người khác nói rằng nó có nguồn gốc từ họ của ông.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Victor Matemadanda, từng là cấp dưới của ông Mnangagwa, bình luận về biệt danh này.
"Cá sấu thường kiên nhẫn chờ đợi mục tiêu, nó giả vờ làm một tảng đá", ông nói. "Đôi khi bạn nghĩ rằng ông ấy không phản ứng hoặc không có giải pháp cho những điều xảy ra. Ông ấy không tỏ ra khó chịu cho đến khi có được thời cơ tốt nhất để tung đòn. Và khi đã làm vậy, ông ấy sẽ không đánh trượt", Matemadanda nói.
Theo VNE