Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Ảnh: Getty

Ông Kissinger đưa ra 2 lý do tại sao ông muốn Kiev gia nhập liên minh quân sự này. Theo ông Kissinger, Nga không còn là một mối đe dọa bình thường, mà đã trở thành thách thức nghiêm trọng của NATO. Cùng với đó, Ukraine được châu Âu tích cực trang bị vũ khí hiện đại. Nhờ vào sự viện trợ đó, Ukraine sẽ trở thành quốc gia có vũ khí tốt nhất khu vực, dù ban lãnh đạo là những người ít kinh nghiệm chiến lược nhất ở châu Âu.

"Vì lợi ích của an ninh châu Âu, tốt hơn hết là nên kết nạp Ukraine gia nhập NATO" - ông Kissinger chia sẻ và cho biết, nếu có cơ hội nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông ấy sẽ nói rằng, khi Ukraine ở trong NATO, điều đó cũng sẽ an toàn với nhà lãnh đạo Nga.

Ông Kissinger cho rằng trước khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra, ông phản đối ý tưởng Ukraine trở thành thành viên NATO bởi điều đó có thể dẫn đến xung đột. Nhưng hiện nay, ông nhận thấy không có lý do gì để Kiev không thể trở thành thành viên của liên minh.

Tuy nhiên, ông Kissinger cũng chỉ ra rằng, đa số người châu Âu không muốn xem Ukraine là một phần của liên minh và đưa ra quan điểm rằng: đồng tình với việc trang bị vũ khí cho Ukraine và nước này phải tự vệ.

Vào cuối tháng 9/2022, Ukraine đã gấp rút đệ đơn xin gia nhập NATO. Thời điểm đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh, để chấp thuận một thành viên mới, cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên của liên minh.

Tuần trước, trong chuyến thăm tới Kiev, ông Stoltenberg cho biết, Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO và "tất cả các đồng minh đều đồng ý". Chuyến đi của ông Stoltenberg được đánh giá gây ngạc nhiên và nhạy cảm. Đây là lúc Ukraine liên tục thúc giục các nước NATO chấp nhận Ukraine là thành viên mới.

Tuy nhiên, tuyên bố này đã khiến Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngạc nhiên, bởi cho đến nay, Hungary có lẽ là thành viên phản đối chuyện Ukraine gia nhập NATO theo cách công khai và quyết liệt nhất.