Sáng 29/3 sau phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị mức 19-20 năm tù với cựu chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình; các bị cáo còn lại mức phạt từ 3 đến 18 năm.

Theo đại diện VKS, bị cáo Phạm Thanh Bình đóng vai trò chính trong sai phạm ở 3 dự án gồm: đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen, xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân. Do phạm tội nhiều lần và nghiêm trọng nên bị cáo này bị đề nghị mức phạt 19-20 năm tù.

Cựu chủ tịch Vinashin bị đề nghị 19-20 năm tù ảnh 1

Bị cáo Phạm Thanh Bình (comple đen) bị đề nghị mức án 19-20 năm tù. Ảnh: TTXVN.

Cũng có vai trò tích cực trong vụ án nhưng bị cáo Trần Văn Liêm, nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên giám đốc công ty Viễn Dương, đã thành khẩn khai báo, nên được xem xét giảm nhẹ hình phạt và bị đề nghị ở mức 17-18 năm tù.

Cùng bị truy tố ở tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, các bị cáo Nguyễn Văn Tuyên, Trịnh Thị Hậu, Đỗ Đình Côn, Tô Nghiêm, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ bị đề nghị ở mức 11-18 năm tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, đại diện VKS đề nghị thay đổi tội danh từ cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh sử dụng trái phép tài sản, mức phạt đề nghị 3-4 năm tù.

Trước đó, theo cơ quan công tố, tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra khoảng 900 tỷ đồng. Cụ thể, tại thương vụ mua tàu Hoa Sen, nhà chức trách cho rằng do việc khảo sát hạ tầng chưa đầy đủ, hệ thống cầu cảng không đáp ứng được việc đi lại của tàu khiến phải xây dựng thêm một số hạng mục. Tuy nhiên, con tàu trị giá hàng chục triệu euro này hoạt động không hiệu quả, được 39 chuyến thì tạm dừng, gây thiệt hại gần 470 tỷ đồng.

Cơ quan công tố đã cáo buộc nguyên nhân vụ việc là do việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... Trong đó, bị cáo Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội.

Nhà chức trách còn cho rằng, do đầu tư và quản lý dự án nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân không hiệu quả, nên từ năm 2007 đến 2009, việc vận hành đã gây lỗ hàng chục tỷ đồng, sau đó thì phải dừng hoạt động. Tương tự, tại dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định), nhà nước cũng bị thiệt hại hơn 300 tỷ đồng; dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30 tỷ và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hơn 27 tỷ đồng.

Theo Express