Ký ức chiến tranh

Năm 1968, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hồng lên đường nhập ngũ tại C28-D7- Đoàn 22, Quân khu IV, sau đó vào C8-D2-E138 Bắc Quảng Trị. Từ tháng 12/1969 đến tháng 7/1972 là khoảng thời gian Nguyễn Văn Hồng cùng đồng đội bước vào cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước khốc liệt nhất; người lính trẻ ấy hành quân vào B2 (Bình Phước - Tây Ninh), rồi tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, sau đó, về giải phóng Lộc Ninh (Bình Phước); hành quân xuống giữ đất, giành quân tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Xuất ngũ về địa phương, cựu binh Nguyễn Văn Hồng tham gia các hoạt động xã hội, được UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Ảnh: Thu Hương

Tháng 7/1972, trong lúc chiến đấu ác liệt, Nguyễn Văn Hồng bị thương nặng, được điều trị tại Trạm Phẫu dã chiến của xã Mỹ Thành, huyện Cái Bè (Tiền Giang). Lúc này, địch áp sát, càn vào Trạm Phẫu bắt Nguyễn Văn Hồng và nhiều đồng đội bị thương rồi đày ra Nhà tù Phú Quốc. Sau gần 1 năm chịu nhiều hình thức tra tấn của lính Mỹ, với bản lĩnh trung kiên, bất khuất của người lính cộng sản, đế quốc Mỹ buộc phải trao trả ông tại bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Tháng 9/1975, sau thời gian công tác tại Ban CHQS huyện Quỳnh Lưu, ông được ra quân, về nghỉ chế độ sĩ quan mất sức lao động 71%, thương binh 61%.

Khi kể về những ký ức đặc biệt trong thời chiến ác liệt với giặc Mỹ, thương binh Nguyễn Văn Hồng vẫn nhớ rõ vào tháng 9/1969, ông và đồng đội ở Tiểu đoàn 2 được giao nhiệm vụ chống càn của địch tại Bắc Quảng Trị (đồi Tân Bích và Lệ Môn). Phía địch gồm các trung đoàn lính Mỹ, Nam Triều Tiên có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ đánh vào chốt của Tiểu đoàn, hướng chủ yếu vào Đại đội 5 (C5) trên đồi Lệ Môn. Từ 8h sáng đến 4h chiều cùng ngày, địch mở 4 đợt tấn công; trong đó, đợt tấn công thứ 3 chúng đánh vào Ban Chỉ huy C5, lúc này Đại đội trưởng Văn Phúc Hải chiến đấu hết đạn đã dùng súng ngắn và dao găm tiêu diệt được 2 tên lính Mỹ trước khi bị chúng sát hại.

Sự hy sinh anh dũng của Đại đội trưởng Văn Phúc Hải càng khiến đồng đội quyết tâm chiến đấu với kẻ thù. Trong trận đánh ác liệt đó, Tiểu đoàn 2 đã tiêu diệt được hơn 100 tên địch và bị thương rất nhiều; bắn cháy 13 xe tăng và thiết giáp M113; bắn rơi 1 máy bay trinh sát OV10; giữ vững được trận địa nhờ các mũi tấn công của các đại đội trong Tiểu đoàn. Riêng đơn vị của thương binh Nguyễn Văn Hồng lúc bấy giờ có 13 người hy sinh, 8 người bị thương.

Trong suốt 7 năm tham gia chiến đấu chống đế quốc Mỹ (từ năm 1968-1975), thương binh Nguyễn Văn Hồng đã lập nhiều chiến công; trong đó, đã bắn cháy 2 xe tăng của địch vào tháng 1/1971. Ông được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ diệt xe tăng”; được tặng Huân chương Chiến công giải phóng, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang và nhiều Bằng khen cho các chiến công khác...

Cựu binh Nguyễn Văn Hồng và vợ ôn lại lại ký ức chiến tranh. Ảnh: Thu Hương

Hành trình “thắp lửa”

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, thương binh Nguyễn Văn Hồng lập gia đình với nữ Trung sĩ Hồ Thị Phương, người con gái cùng quê. Ông bà có 5 người con, đến nay đều thành đạt, có việc làm ổn định.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (con gái thương binh Nguyễn Văn Hồng) hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Quỳnh Đôi cho biết: “Từ nhỏ đến khi trưởng thành, tôi luôn được bố quan tâm, giáo dục về truyền thống cách mạng. Hiểu được để đất nước độc lập, cuộc sống bình yên như ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương, bệnh binh trên mọi miền Tổ quốc. Ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, bản thân tôi tự lực trong cuộc sống, chăm chỉ học hành cũng như làm việc để góp phần nhỏ vào sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước”.

Chiến tranh đã lùi xa 48 năm, nhưng lúc nào cựu binh Nguyễn Văn Hồng cũng nhớ về đồng đội, thương xót những anh em đang yên nghỉ ở một cánh rừng xa xôi nào đó. Ông luôn mong ước trở thành nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại, được khỏa lấp, an ủi phần nào những niềm đau mà thân nhân liệt sĩ, những gia đình có công với cách mạng đang gánh chịu. Năm 2011, qua nắm bắt nguyện vọng của ông Đinh Văn Chủng ở thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) muốn tìm mộ bố là liệt sĩ Đinh Văn Lợi, hy sinh tại chiến trường Campuchia, thương binh Nguyễn Văn Hồng đã không ngần ngại đưa đoàn đi tìm. Được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng, bạn bè đồng hương và bà con địa phương, ông tìm được phần mộ của 5 liệt sĩ, trong đó, có liệt sĩ Đinh Văn Lợi. Tại đây, đoàn đã tiến hành các thủ tục, đưa 4 hài cốt liệt sĩ về an táng tại Nghĩa trang tỉnh Bình Phước; còn hài cốt liệt sĩ Đinh Văn Lợi được thân nhân đưa về quê nhà làm lễ truy điệu, chôn cất tại nghĩa trang huyện nhà.

Thương binh Nguyễn Văn Hồng còn dành thời gian giáo dục truyền thống yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện. Mỗi lần được các trường học mời tới nói chuyện về truyền thống, ông không nói về mình mà nói về quá khứ hào hùng của dân tộc, về những trận đánh hào hùng năm xưa, sự hy sinh anh dũng của những đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Những câu chuyện của ông đã tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ Quỳnh Lưu.

Dù tuổi đã cao nhưng thương binh Nguyễn Văn Hồng vẫn hăng say với công tác ở địa phương. Ảnh: Thu Hương

Không chỉ tham gia giáo dục, tuyên truyền và lan tỏa những thông điệp giàu nhân văn tới thế hệ trẻ, thương binh Nguyễn Văn Hồng luôn gương mẫu tham gia tích cực thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Quỳnh Lưu.

Ông Hồ Bảo Thông - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết: “Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hồng mang trong mình nhiều thương tật. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, nuôi dạy các con khôn lớn, trưởng thành. Bản thân ông và gia đình luôn gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Hàng năm, vào các ngày lễ của dân tộc, ông thường tham gia nói chuyện để giáo dục thế hệ trẻ biết ơn công lao của cha anh đã anh dũng cống hiến, hy sinh vì đất nước, từ đó, các cháu phấn đấu học tập, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội”.