(Baonghean) - Sáng mồng 1 Tết, người dân làng Tây Hồ, xã Nam Thành (Yên Thành) bất ngờ khi thấy một “ông Tây” cao lớn dắt trâu ra đồng với ánh mắt thân thiện, nụ cười thường trực trên môi. Ông tên là Paul Gheorghe Harding, một cựu binh người Mỹ, trở lại Việt Nam sau gần 40 năm, ông đã tình nguyện mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí (tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy - TP. Hà Nội). Tết này ông về quê của một học viên để cảm nhận Tết xứ Nghệ nồng ấm.
 
Ông Paul chia sẻ: “Với tôi, Việt Nam như quê hương thứ hai. Người Việt Nam tình cảm, bao dung và độ lượng. Tôi rất muốn được làm gì đó tốt đẹp cho đất nước các bạn nên đã sang đây tìm hiểu. Được biết nhu cầu tiếng Anh của người Việt hiện nay rất lớn, trong khi chi phí học tiếng Anh còn khá đắt, do đó tôi quyết định mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho người dân sống tại đây”.
 
Lớp học tiếng Anh miễn phí của ông Paul dành cho tất cả mọi người không phân biệt tuổi tác, trình độ văn hóa. Những học viên đến với lớp học này không những được hướng dẫn kỹ năng nói và phát âm, mà còn được cung cấp các kiến thức văn hóa - xã hội của Việt Nam và thế giới. Trên bàn làm việc của ông luôn có cuốn sách “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, cuốn nhật ký này chính là động lực thôi thúc ông về Việt Nam và là nguồn cảm hứng để ông có những bài giảng khắc họa lòng yêu nước của người Việt Nam. Ông cho biết: Đọc xong cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm, có cảm giác phải làm điều gì đó để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, tôi muốn đưa tấm gương ấy vào bài giảng của mình để thế hệ trẻ Việt Nam ghi nhớ sự quả, cảm lòng yêu nước của người phụ nữ này.
images1133637_tieng_anh_4.jpgÔng Paul chăm sóc trâu.
 
Để hiểu biết thêm văn hóa làng quê Việt, Ông Paul đã xin một học viên về quê ở làng Tây Hồ, Nam Thành (Yên Thành) đón Tết cổ truyền. Ông vuốt ve chú trâu, tươi cười: Tôi về đây từ ngày 28 âm lịch, đây là lần đầu tiên được đón Tết tại làng quê Việt, làng quê rất đẹp, con người luôn sống gần gũi với thiên nhiên. Tôi thích sự đoàn viên gần gũi, ấm cúng trong Tết của người Việt. Vào những ngày này, mọi người đi tảo mộ, cùng làm mâm để cúng tổ tiên và dành nhiều thời gian để thăm họ hàng, làng xóm, gặp gỡ bạn bè, đi thắp hương nhà thờ họ. Trong khi đó, người Mỹ lại tận dụng thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Đó là một điều khác biệt lớn. Tôi rất thích ăn những món ăn truyền thống của Việt Nam, trong đó có bánh chưng, hương vị rất đặc biệt. Được tiếp xúc với những nông dân hiền lành, chịu thương, chịu khó, tôi luôn dành tình cảm đặc biệt cho họ. Ông Paul cũng không quên khen những chú trâu: Tôi không thể ngờ rằng những con trâu to lớn lại đáng yêu đến thế, nó gắn bó và giúp ích cho người nông dân Việt Nam nhiều rất nhiều. 
 
 
Về Yên Thành chỉ có 3 ngày, nhưng chính sự thân thiện, dân dã của mình nên ông Paul rất được bà con quý mến. Nhà nào cũng mời ông đến đón Giao thừa, đến “xông” đất đầu năm. Anh Nguyễn Thọ Hà tâm sự: Mấy ngày Tết ông Paul đi thăm hầu hết các gia đình trong làng Tây Hồ, dắt trâu ra đồng, có thời gian các học sinh, sinh viên, kể cả các cháu tiểu học đến hỏi thêm tiếng Anh ông nhiệt tình giảng giải. Đặc biệt, ông còn tìm gặp những cựu binh chống Mỹ thời xưa để trò chuyện, tâm sự. Ông Nguyễn Thọ Bắc, cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ năm 1972 cho hay: “Tôi đã nói với ông Paul rằng, trước đây chúng ta là kẻ thù, nay gặp lại thì là bạn bè, người Việt luôn khoan dung, độ lượng…”.
 
Trong nắng xuân ấm áp, người cựu binh già vẫn say sưa dạy tiếng Anh cho mấy đứa trẻ, rồi nắm chặt tay thăm hỏi những cựu binh Việt trước kia ở hai chiến tuyến. Từ trong đáy lòng ông thốt ra: “Chúng tôi đã đánh mất tuổi xuân ở Việt Nam, nay trở lại Việt Nam chúng tôi đã tìm được tuổi xuân vốn đã mất và chúng tôi đã học được rất nhiều điều từ các bạn”…
 
Văn Trường