Lực ma sát khi một người giẫm phải vỏ chuối, ngăn chảy máu mũi bằng miếng thịt lợn hay phản ứng của tuần lộc khi thấy gấu Bắc Cực do người đóng giả là 3 trong số 10 công trình khoa học được vinh danh trong lễ trao giải "Nobel vui nhộn" - Ig Nobel lần thứ 24 vừa diễn ra ngày 18/9 tại Nhà hát Sanders của trường Đại học Havard (Mỹ).
Với mục tiêu tôn vinh những công trình nghiên cứu "làm con người cười, sau đó làm họ phải suy ngẫm", lễ trao giải Ig Nobel năm nay tiếp tục mang đến những tràng cười vui vẻ cho tất cả mọi người. Thực phẩm dường như là đề tài dễ được giải khi có tới 4 công trình được xướng tên tại lễ trao giải năm nay.
Trước tiên, giải Vật lý được trao cho các nhà nghiên cứu Nhật Bản với công trình đo lực ma sát giữa vỏ chuối và chiếc giày, cũng như giữa vỏ chuối và sàn nhà khi bị một người dẫm phải. Giải Thần kinh học thuộc về tay các nhà khoa học Trung Quốc và Canada nhờ những nỗ lực trong việc giải mã hoạt động của bộ não người khi nhìn thấy hình Chúa Jesus trên một miếng bánh mỳ. Trong khi đó, nghiên cứu về cách sử dụng chất thải của trẻ sơ sinh để làm xúc xích lên men "rinh" giải Dinh dưỡng. Nghiên cứu về cách chữa bệnh chảy máu mũi bằng thịt lợn được nhận giải Y học.
Viện thống kê quốc gia của Italy "ẵm" giải Kinh tế nhờ "sáng kiến" tăng quy mô nền kinh tế bằng cách tính tiền thuế thu được từ cả các hoạt động mại dâm, buôn bán ma túy, buôn lậu và các khoản giao dịch tài chính bất hợp pháp khác.
Nhóm các nhà khoa học từ CH Séc, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ thì chia nhau giải Sức khỏe cộng đồng nhờ công trình nghiên cứu về ảnh hưởng tới thần kinh của việc nuôi mèo. Trong khi đó, một nghiên cứu về cách "đi nặng" của loài chó lại thắng giải Sinh học. Theo nghiên cứu này, các nhà khoa học CH Séc, Đức và Zambia kết luận rằng các chú khuyển thích xoay người theo trục Bắc Nam của Trái đất mỗi khi thực hiện công việc "trọng đại" trên.
Lễ trao giải năm nay cũng vinh danh các nghiên cứu về xu hướng tự ngưỡng mộ bản thân và dễ bị mắc bệnh tâm thần của những người dậy muộn (giải Tâm thần), phản ứng của tuần lộc khi thấy gấu Bắc cực do con người cải trang (giải Khoa học Bắc Cực) và mức độ khó chịu của con người khi ngắm một bức tranh xấu xí (giải Nghệ thuật).
Giải Ig Nobel ra đời năm 1991 với lễ trao giải được tổ chức vào đầu mùa Thu hàng năm, gần thời gian công bố các giải Nobel chính thức. Giải Ig Nobel phần lớn được trao cho các công trình khoa học có tính hài hước, gây ngạc nhiên hay đôi khi mang cả màu sắc chỉ trích. Theo truyền thống, các giải Ig Nobel sẽ được các cá nhân từng đoạt giải Nobel chính thức trao tặng. Những người đoạt giải Ig Nobel phải tự túc kinh phí đến lễ nhận giải và có 60 giây để phát biểu cảm tưởng khi được trao giải. Đây là khoảng thời gian do một bé gái 8 tuổi ấn định.
Theo TTXVN/Tin tức