(Baonghean) - Vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XX, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nước Pháp. Nhằm giải quyết những khó khăn và mâu thuẫn trong nước, thực dân Pháp đã tiến hành mọi thủ đoạn, biện pháp tăng cường vơ vét, bóc lột và đàn áp nhân dân các nước thuộc địa, trong đó có nước ta. Điều đó càng làm cho mâu thuẫn đối kháng giữa nhân dân ta với thực dân Pháp và bè lũ tay sai lên tới đỉnh điểm. Trong bối cảnh đó, Đảng ta chủ trương phát động và lãnh đạo nhân dân cả nước đứng lên đấu tranh, lấy địa bàn Nghệ An-Hà Tĩnh là một trọng điểm, do các tổ chức Đảng ở đó trực tiếp tổ chức lãnh đạo.  Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh được mở đầu bằng cuộc biểu tình lớn nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930 tại Bến Thủy và nông dân 5 xã ven thành phố dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ. Từ đó đến tháng 8/1930, đã có đến 97 cuộc bãi công và biểu tình của công nông, nổi bật là cuộc bãi công của công nhân Nhà máy Diêm kéo dài đã dẫn đến cuộc tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Bến Thuỷ. Ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân huyện Hưng Nguyên tập trung ở đình Xuân Hòa, kéo ra ga Yên Xuân rồi tiến về phủ Hưng Nguyên đưa yêu sách cho tri phủ, bỏ sưu, giảm thuế, đòi ruộng đất cho dân cày. Khi đoàn biểu tình vừa đến cầu Hôn thì đế quốc Pháp đã cho máy bay đến uy hiếp và ném bom vào đoàn biểu tình làm 217 người chết và hàng trăm người bị thương.

Cuộc tập duyệt lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám thắng lợi ảnh 1 Chương trình văn nghệ kỷ niệm Ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 12-9. Ảnh tư liệu

Sự hy sinh của hàng trăm người dân đã đưa cuộc đấu tranh lên đến cao trào. Khí thế của Xô viết Nghệ Tĩnh đã nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Các chính quền Xô viết do giai cấp công nhân lãnh đạo đã phát triển ở nhiều vùng rộng lớn trong 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mặc dù những chính quyền Xô viết non trẻ chỉ tồn tại sau bốn, năm tháng do bị thực dân Pháp trở lại khủng bố dã man, song nó để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử. Ngày 19-2-1931, trong báo cáo gửi lên Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản về cuộc đấu tranh ở Nghệ Tĩnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Bom đạn, súng máy, đốt nhà, dồn binh... đều bất lực không dập tắt nổi phong trào cách mạng của Nghệ Tĩnh". Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh có thể xem là cuộc tổng diễn tập đầu tiên cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám diễn ra thành công trong cả nước. Trong lần thứ 2 về thăm quê năm 1961, khi dâng hương tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Máu của các liệt sĩ và quần chúng cách mạng đã đổ xuống mảnh đất này, chúng ta phải xây dựng và bảo vệ khu vực này thành một khu di tích lịch sử cách mạng". Khắc ghi lời dạy của Bác, huyện Hưng Nguyên đang nỗ lực bảo tồn, xây dựng nơi đây thành một quần thể di tích đầy ý nghĩa. Công trình được khởi công xây dựng trên diện tích 12,2 ha với tổng kinh phí 328 tỷ đồng từ năm 2009 và dự kiến sẽ khánh thành vào năm 2015. Hiện nay, gói thầu số 1 gồm 5 hạng mục chính như tường bao, cổng phù điêu, mộ và đền thờ đã hoàn thành.  Đã 81 năm trôi qua, nhưng âm vang của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã, đang và sẽ vang vọng mãi. Phát huy truyền thống của vùng quê cách mạng, tiếp bước hào khí của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đang tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội, chuyển mình đi lên, chủ động hội nhập và phát triển, xứng đáng với quê hương giàu truyền thống cách mạng, anh hùng./.

Trâm Anh