Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (80 tuổi) là tình báo trong cuộc chiến chống Mỹ, từng bị đối phương cưa chân đến 6 lần để ép lấy lời khai.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thương (80 tuổi, quê Tây Ninh) vốn là một sĩ quân tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Năm 1961, ông được chuyển về đơn vị trinh sát và làm bảo vệ cho ông Võ Văn Kiệt sau đó chuyển sang hoạt động trong ngành tình báo. Sau 42 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, ông có một cuộc sống bình yên trong căn nhà trên đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh, TP HCM). Kể về quãng thời gian làm tình báo, ông nói: "Tôi nhớ năm 1969, khi mang tài liệu từ Sài Gòn ra vùng căn cứ thì bị phát hiện nhưng tôi đã kịp cất giấu tài liệu kỹ trước khi bị bắt. Đối phương nhiều lần mua chuộc bằng đôla, biệt thự, xe hơi và gái đẹp mà tôi kiên quyết không khai". Sau hơn 3 tháng mua chuộc không thành, quân đội Mỹ đã mang ông ra tra tấn bằng việc bẻ các ngón, đập nát hai bàn chân ông và 6 lần cưa các đoạn chân đến quá đầu gối. Cả thời trai trẻ của ông là những tháng ngày hoạt động cách mạng, bị tra tấn, giam cầm trong nhà lao Phú Quốc. Mãi đến khi hiệp định Paris được ký năm 1973 thì ông mới được tha tù, trở về đoàn tụ với gia đình. Đất nước thống nhất, ông sống bình yên bên vợ và hai người con. Khi con cái lập gia đình, tuổi già của cựu tình báo là những tháng ngày bên vợ, bà Trần Thị Em (80 tuổi). Bà Em cũng là một nữ chiến sĩ cách mạng. Ở tuổi bát tuần, bà vẫn minh mẫn, ngày ngày chăm sóc gia đình, đảm đương việc nội trợ... "Cuộc chiến kết thúc, cơ thể không lành lặn khiến việc sinh hoạt của ông ấy gặp nhiều khó khăn nhất là đi lại. Tuy nhiên, nhờ có tôi luôn ở bên săn sóc cũng như ý chí của người lính mà ông đã vượt qua tất cả để sống mạnh khỏe", bà Em tâm sự. Cựu thiếu tá tình báo từng có thời gian đi chân giả. "Nhưng chân tôi bị cưa gần hết nên bất tiện, tôi bỏ cả gần 30 năm nay rồi. Lúc rảnh thì tôi xem phim, đọc báo hoặc ra cửa ngồi vậy thôi. Giờ chỉ quanh quẩn ở nhà nên khi nào có bạn đến chơi là tôi vui lắm", ông chia sẻ. Trước kia, ông hay đi sinh hoạt cựu chiến binh, nhận lời đi giao lưu cũng như viết hồi ký. Tuy nhiên, ở tuổi 80, những di chứng của chiến tranh khiến sức khỏe ông đi xuống, ít đi xa nhà. Cuộc sống thường ngày của ông diễn ra nhẹ nhàng, hầu hết các việc trong nhà ông vẫn tự mình lo liệu được. Sáng và chiều, ông hay cùng vợ với cháu nội đi dạo gần nhà. Theo VNE