Một buổi sáng mưa gió ở bản Búng, xã Môn Sơn (Con Cuông) thật vui bởi ngày mưa là dịp để những phụ nữ ở đây được nghỉ ngơi. Thật hiếm dịp họ được nhàn rỗi như lúc này. Ảnh: Đình Tuyên
Trong một ngôi nhà cách đó không xa, chị La Thị Xài (SN 1991) đang ngồi cùng 2 con nhỏ trên chiếc cầu thang tạm bợ. Người phụ nữ chia sẻ, chị lập gia đình từ năm 15 tuổi. Hiện chị có 5 người con. Ngoài đứa đang ẵm trên tay và cháu bé ngồi cạnh chưa đến tuổi đi học, những đứa khác đều đang ở trường. Ở bản Búng, những cặp vợ chồng sinh 4 - 5 con trở lên khá phổ biến. Ảnh: Đình Tuyên
Phụ nữ Đan Lai ở bản Búng khá vất vả. Cảnh đông con khiến họ ít có thời gian ở nhà. Chị em thường phải lên rừng hái măng, kiếm lâm sản, làm ruộng. Lao động cực nhọc và ít được quan tâm chăm sóc sức khỏe khiến nhiều người trông già so với tuổi. Ảnh: Đình Tuyên
Chiếc gùi là phương tiện vận chuyển phổ biến của phụ nữ Đan Lai. Thứ vật dụng đan bằng nứa này trở thành “bạn” của chị em từ khi 9 - 10 tuổi cho đến lúc về già. Ảnh: Hữu Vi
Chẳng kém đàn ông, phụ nữ Đan Lai thường là lao động chính trong nhà. Họ làm việc cực nhọc để lo cái ăn, cái mặc và giúp giữ gìn gia đình được yên ấm. Ảnh: Đình Tuyên
Trước đây, người Đan Lai sinh sống chủ yếu ở xã Môn Sơn trong các bản Cò Phạt, bản Búng, xã Châu Khê (bản Khe Bu, Khe Nóng…). Ngày nay, một bộ phận đã chuyển đến lập bản mới ở xã Thạch Ngàn. Dù xa chốn cũ, nhưng bà con vẫn giữ nếp sống xưa. Hình ảnh phụ nữ Đan Lai địu con trước nhà vẫn rất quen thuộc khi đến bản Kẻ Tắt, xã Thạch Ngàn. Ảnh: Hữu Vi
Nhiều cụ bà khi đã có tuổi về bản mới không còn sức lao động và không nguôi nhớ về chốn cũ. Ảnh: Hữu Vi.
Cũng có cụ bà dần quen với nơi ở mới và cảm thấy thoải mái hơn khi từ bỏ được cuộc sống hái lượm bấp bênh nơi vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát. Ảnh: Hữu Vi
Về nơi ở mới, bà con Đan Lai được chia đất sản xuất. Phụ nữ vẫn là lao động chính trong gia đình. Nhưng chị em đã ở một tâm thế chủ động hơn khi có trong tay ruộng rẫy của mình. Ảnh: Hữu Vi