(Baonghean.vn) - Bản Mông Mường Lống, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong là 1 trong những địa phương khó khăn nhất Nghệ An, được biết đến là nơi 35 năm nay không cử giáo viên tiểu học là nữ đến công tác.
Bản Mường Lống xã Tri Lễ nằm trên hệ thống núi bắc Trường Sơn hiểm trở. Là một trong vài khu dân cư xa xôi nhất ở huyện Quế Phong, bản nằm cách thành phố Vinh 210km về phía Tây Bắc trong đó có 32km đường núi với những con dốc 60 độ. Bản có khoảng 400 cư dân và đều là người Mông. Ảnh Hữu Vi Truyền thông ví von gọi nơi đây là bản “3 không”. Bản không có đường ô tô, không điện lưới và cũng không có sóng điện thoại di động. Do địa hình núi cao nên cũng rất khan hiếm nước sạch. Đây được cho là một trong những nơi khó khăn nhất ở Nghệ An. Trong ảnh là cảnh mở một con đường vào cách bản chừng 7km nhưng đây là con đường dẫn đến một công trình thủy điện dự kiến sẽ xây dựng trên địa bàn. Người dân sẽ phải trông chờ vào việc đầu tư một con đường để tránh cho họ thế cô lập nhất là vào mùa mưa bão. Ảnh: Hùng Cường Bản Mường Lống có một cánh đồng bằng phẳng dùng cấy lúa nước. Phần lớn nhà cửa đều dựng trên triền núi. Phần lớn những ngôi nhà đều lợp mái bằng ván sa mu. Thứ ván gỗ có độ bền hàng trăm năm, không mối mọt lại còn giúp ngôi nhà tránh được muỗi, gián, kiến… Ảnh: Hồ Phương Những mái nhà sa mu cổ kính là điều dễ bắt gặp trong kiến trúc nhà người Mông ở Nghệ An. Ở bản Mường Lống, ván gỗ còn có mặt ở các chòi kho cất lúa và hàng rào. Ảnh: Hồ Phương Bàn thờ của một hộ gia đình trong bản. Người Mông thường dùng giấy tự chế biến từ tre nứa non để trang trí bàn thờ. Ảnh: Hùng Cường Phụ nữ cũng là lực lượng phải lao động nặng nhọc ở vùng núi cao trên 1.500m so với mực nước biển này. Gùi củi là công việc thường ngày của đàn bà, con gái nơi đây. Ảnh: Hồ Phương Trẻ em nhiều khi cũng phải lao động sớm. Từ tấm bé, chiếc gùi đã đè nặng những tấm lưng bé nhỏ. Ảnh: Hồ Phương Cha mẹ suốt ngày trên rừng, nhiều học sinh phải dẫn theo em nhỏ đến lớp. Vừa học chữ vừa trông em là điều bình thường của trẻ em bản Mường Lống. Tất cả giáo viên tiểu học ở vùng núi cao này đều là nam giới. “Từ 35 năm nay, trường tôi chưa có giáo viên nữ” - một thầy giáo ở bản Mường Lống cho biết. Ảnh: Hữu Vi Phút giây hồn nhiên dưới lòng suối của bầy trẻ sau giờ học. Nước suối chỉ ngập ngang ngực bọn trẻ nên khá an toàn cho chúng “học bơi”. Ảnh Hữu Vi Đàn ông người Mông khi rỗi việc đi rừng là họ sẵn sàng chia sẻ việc nhà với phụ nữ. Trong ảnh là một ông bố trẻ đang nạo sắn cho lợn gà. Ảnh: Hồ Phương Một người đàn ông trở về từ rừng sau một ngày làm lụng. Ảnh: Hữu Vi NPV