André Menras - người đàn ông Pháp yêu Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu "Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát". Phim vừa được công chiếu dù đã ra đời cách đây ba năm.

André Menras là người Pháp gốc, tới Đà Nẵng dạy tiếng Pháp năm 1968. Với tinh thần phản đối chiến tranh, André Menras cùng bạn là Jean-Pierre Debris từng leo lên tượng đài Thủy quân Lục chiến ở Sài Gòn treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris bị xử tù. Ra tù, André Menras tiếp tục gắn bó với Việt Nam qua nhiều hoạt động thiết thực. Tháng 11/2009, André Menras trở thành công dân Việt Nam với tên Hồ Cương Quyết.

Bộ phim tài liệu Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát do Andre Menras - Hồ Cương Quyết viết kịch bản và đạo diễn. Phim được hoàn thành năm 2011 với sự cộng tác của một êkíp từ Đài Truyền hình TP HCM như Đào Quang Tuệ (quay phim), Nguyễn Dương Khôi (dựng phim), Thùy Trang (trợ lý đạo diễn)... Phim được trình chiếu hôm 11/7 tại trụ sở Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội.

images1013489_body_1_4346_1405139174.jpgAndré Menras - Hồ Cương Quyết (trái) và giáo sư Chu Hảo trong buổi chiếu phim ngày 11/7 tại Hà Nội.

Trước khi tiến hành quay phim, André Menras đã phải nghiên cứu kỹ những tư liệu về tranh chấp tại Hoàng Sa và tìm hiểu thực tại đời sống ngư dân Quảng Ngãi. Theo thống kê của ông, từ năm 2002 tới năm 2011, ngư dân đánh bắt ở Hoàng Sa có 110 tàu bị đánh chìm, 500 người dân bị bắt giữ, có tới 20 người bị giết hại. Ông cũng tiếp xúc với các ngư dân bị bắt, nghe họ kể về những ngày bị giam cầm, đói khát như những tù binh khổ ải...

André Menras cùng đoàn làm phim tới vùng biển Quảng Ngãi để ghi hình và thực hiện các cuộc phỏng vấn với ngư dân nơi đây. Bộ phim là sự đan xen của những hình ảnh, lời kể, lời bình, tư liệu về nỗi đau mà ngư dân tại Bình Châu, Lý Sơn phải gánh chịu. Những nhân vật được phỏng vấn cùng câu chuyện của họ đã nói lên nỗi đau của người ở lại. Họ không chỉ mất người thân, mà còn mang trên vai gánh nợ lớn. Bà Nguyễn Thị Hào, ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi có chồng và con đi biển không về, kèm theo là món nợ 700 triệu đồng phải trả. Bà Lê Thị Sanh không kìm được nước mắt khi kể về người chồng đi biển mất tích với năm người khác, để lại mình bà với ba đứa con.

Hình ảnh những ngôi mộ gió ở Lý Sơn và nghi lễ tâm linh thờ cúng người đi biển không về ở cuối phim khắc sâu nỗi đau mất mát. Để dựng một ngôi mộ gió theo đúng tập tục, người dân phải thuê thầy cúng, nhào nặn hình nhân thay thế cho người chết, đặt vào những vật tượng trưng cho nội tạng, linh hồn rồi đưa vào mộ gió. Những ngôi mộ không thi thể như vậy xếp hàng dài trong nghĩa trang.

André Menras còn chỉ rõ những hành động ngang ngược mà phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân ở Hoàng Sa. Anh Nguyễn Văn Cần (An Hải, Quảng Ngãi) cho biết cha anh từng bị Trung Quốc bắt khi tới đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa khai thác thủy sản năm 2010. Tới năm 2011, cha anh đi Hoàng Sa và không về nữa. Trong cuộc trò chuyện với những người làm phim, ông Nguyễn Việt cho biết, con trai ông là Nguyễn Thanh Biên đi biển bị Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009, thuyền bè bị tịch thu và gia đình phải đóng tiền chuộc. Các giấy tờ ghi lại số tiền chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng bằng hai ngôn ngữ Việt - Trung cũng được ông Việt đưa ra. 

Bộ phim cũng ghi lại những chứng cứ minh chứng Hoàng Sa là của Việt Nam. André Menras phỏng vấn ông Võ Hiển Đạt - lão ngư 80 tuổi - gia đình nhiều đời sống ở Lý Sơn. Ông Đạt kể về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa như một phong tục lâu đời nơi đây. Những người làm phim còn gặp gỡ với ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ họ Phạm - một trong bảy gia đình đầu tiên tới Lý Sơn lập làng An Vĩnh. Ông Tuyền là truyền nhân của một vị quan quân trong đội hùng binh được vua Gia Long cử đi Hoàng Sa. Trong ngôi nhà của mình, ông Tuyền lưu giữ hơn một nghìn cổ vật trên đảo Lý Sơn như đồ sành sứ, tượng cổ, tiền xu, tượng Chăm, ấn triện chính thức và một số lượng chiếu chỉ bằng chữ Nho và chữ Nôm... Trong số đó có sách chỉ của vua Gia Long ca ngợi những người đi Hoàng Sa. Ông Tuyền cũng đưa ra thư tịch cổ chứng minh tổ tiên ông đã đặt tên cho hai đảo thuộc Hoàng Sa là đảo Hữu Nhật và Quang Ảnh. 

Một số hình ảnh trong phim.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng gửi email cho André Menras chia sẻ: "André, tôi cảm thấy xấu hổ vì đã không làm được một bộ phim như vậy". Còn đạo diễn Trần Văn Thủy thì nói về André Menras: "Con người ông, nội dung phim của ông khiến chúng ta khâm phục".

Khi được hỏi tại sao một người Pháp gốc lại quan tâm tới Việt Nam như vậy, André Menras nói, ông chịu ơn Việt Nam bởi nơi đây đã cho ông trưởng thành. "Tới Việt Nam từ khi còn là một thanh niên vô ưu, tôi đã thành 'người lớn' nơi đây. Đối với tôi, tình cảm với Pháp là tình yêu sinh học bởi nơi đó có quê hương, cha mẹ, họ hàng... Tôi yêu Việt Nam từ trái tim, khối óc, đi xuống chân và đã mọc rễ sâu bền" - ông nói.

André Menras hiện ở Việt Nam. Ngày 13/7, ông lên đường tới Quảng Ngãi để trao số tiền mà khán giả của bộ phim Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát quyên góp tặng cho ngư dân Lý Sơn và Bình Châu. Ông cho biết sắp tới sẽ tiếp tục thực hiện một bộ phim ở Hoàng Sa. Menras tiết lộ: "Kịch bản phim tôi đã viết rồi, điểm bắt đầu chính là giàn khoan Hải Dương 981".

Bộ phim Hoàng Sa - Việt Nam: Nỗi đau mất mát còn tiếp tục được chiếu tại Hà Nội vào 20h ngày 12/7 ở Thư viện cà phê Đông Tây (Nhà N11A ngõ 123 Trần Đăng Ninh, Dịch Vọng, Cầu Giấy) và vào 5/8 tại Viện Trao đổi Văn hóa Pháp ở TP HCM.

Theo VnExpress