Cuộc mặc cả bất thành
Đàm phán Mỹ - Hàn về việc chia sẻ chi phí quốc phòng đã rục rịch từ rất lâu. Mỹ muốn Hàn Quốc trở thành hình mẫu để tiếp tục đi đàm phán về việc chia sẻ chi phí với các đồng minh khác, chẳng hạn như ở châu Âu. Tuy nhiên, cuộc đàm phán được Washington trông chờ đã không có kết quả mỹ mãn như kỳ vọng. Cuộc họp ban đầu được bố trí trong vòng 1 ngày để các bên thương lượng và tìm giải pháp thống nhất nhưng chỉ sau hơn một giờ trao đổi, phái Mỹ đã “bỏ về” trước vì “phía Hàn Quốc không đáp ứng yêu cầu chia sẻ công bằng gánh nặng chi phí an ninh”.
Cụ thể, Washington muốn Seoul đóng góp 5 tỷ USD mỗi năm cho việc duy trì hơn 28.000 quân nhân Mỹ trên đất Hàn Quốc. Số tiền này gấp 5 lần khoản ngân sách mà chính phủ Hàn Quốc hiện đang đóng góp cho nước Mỹ. Không rõ những “hạng mục mới” mà phía Mỹ đòi hỏi phải tăng chi phí là gì. Nhưng theo Yonhap, hạng mục này sẽ bao gồm chi phí nhân sự cho lính Mỹ tại Hàn Quốc, chi phí hỗ trợ quân nhân và gia đình của họ, chi phí cho việc triển khai luân phiên lính Mỹ tại bán đảo Triều Tiên và chi phí đào tạo nước ngoài…
Thực tế, khó có thể ước lượng chính xác con số 5 tỷ USD có phải là mức phí “cân bằng” hay chưa. Phía Hàn Quốc nói rằng, họ sẵn sàng chi thêm tiền để Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự và đảm bảo an ninh cho họ, nhưng trong “mức có thể chấp nhận được” và 5 tỷ USD là con số quá cao. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thì có quan điểm, “Hàn Quốc là một nước giàu, có thể và nên trả thêm tiền” cho việc duy trì quân nhân Mỹ tại nước này.
Dù không nói công khai nhưng có vẻ cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang tìm “cái lý” cho những đòi hỏi và yêu cầu của riêng mình. Mỹ cho rằng, sự hiện diện quân đội của nước này tại Hàn Quốc sẽ giúp Seoul đối phó với “mối đe dọa” từ láng giềng Triều Tiên. Nếu không tăng thêm ngân sách, Mỹ sẽ rút quân và điều đó cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến an ninh nước Mỹ nhưng với Hàn Quốc đó là “một tình huống sinh tử” bởi về mặt lý thuyết Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, Hàn Quốc lại có niềm tin rằng, quan hệ liên Triều đang ấm lên, các mối đe dọa trực tiếp từ láng giềng miền Bắc phần nào đã lắng dịu. Ngoài ra, đa số người dân trong nước đều phản đối việc tăng chi phí quân sự cho Mỹ, điều này buộc chính quyền Seoul phải cân nhắc nặng nhẹ.
Giá trị đồng minh ở đâu?
Xét từ cả hai phía, cuộc đàm phán về chi phí quốc phòng đổ vỡ khiến cả Hàn Quốc và Mỹ đều tỏ ra thất vọng. Với Mỹ, quan điểm của Tổng thống Donald Trump lâu nay nhất quán rằng “Mỹ không phải là cảnh sát toàn cầu”, bất cứ quốc gia nào muốn được Washington bảo vệ thì phải “trả tiền”. Mỹ được cho là sẽ bắt đầu quá trình đàm phán nhằm chia sẻ lại chi phí quốc phòng lần lượt với Nhật Bản, Đức và NATO trong năm 2020. Hàn Quốc là đối tác “thử nghiệm” đầu tiên của chính quyền Tổng thống Trump cho vấn đề này. Chính vì thế, thất bại lần này sẽ tác động lớn đến các kế hoạch của Washington bởi “đầu không xuôi thì đuôi khó mà lọt”.
Các đối tác còn lại của Mỹ chắc chắn sẽ theo dõi cách “hành xử” của Tổng thống Trump với Hàn Quốc để có những chuẩn bị thích hợp.
Trước đó, ông Trump đã bóng gió rằng, có thể sẽ rút lính Mỹ về nước nếu Hàn Quốc không chấp nhận chia sẻ gánh nặng đảm bảo an ninh. Nếu Mỹ hiện thực hóa lời đe dọa, sẽ tạo ra sự rạn nứt lớn trong quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại và an ninh của Washington tại Đông Bắc Á. Trong khi đó, nếu tiếp tục đàm phán với Seoul mà vẫn không mang lại kết quả, Mỹ sẽ khó có “cái uy” để bước vào cuộc đàm phán về chủ đề tương tự với các đồng minh khác.
Còn với Hàn Quốc, yêu cầu có phần “thái quá” của chính quyền Mỹ hiện nay đối với việc chia sẻ chi phí quốc phòng sẽ khiến quốc gia này đặt ra những hoài nghi vào mối quan hệ đồng minh gần 7 thập kỷ qua với Washington. Những tranh cãi về chi phí đóng góp cho quân đội Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc đã gây tranh luận nóng tại quốc hội nước này. Một nhóm các nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc cho rằng đòi hỏi của Mỹ là “vô lý” đồng thời kêu gọi cắt giảm nhiều hoặc thậm chí rút bớt lính Mỹ.
Nhóm này cho rằng, lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc cũng vì lợi ích của họ nhằm kiềm chế Nga và Trung Quốc, chứ không chỉ đảm bảo an ninh cho Seoul. Một quan chức Hàn Quốc không ngần ngại đặt câu hỏi “Phải chăng Mỹ đã trở thành lính đánh thuê? Đây là thỏa thuận kinh doanh?”. Dù mỗi bên đều đang có những lý lẽ riêng cho quan điểm của mình, nhưng cuộc đàm phán Mỹ - Hàn thất bại vừa qua chắc chắn sẽ tác động không tốt cho mối quan hệ đồng minh này trong bối cảnh, Mỹ và Hàn Quốc đều cần đến nhau trong việc giải quyết hồ sơ chung, là vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Có thể nói, nguyên tắc “có đi có lại” là điều hoàn toàn bình thường trong quan hệ quốc tế nhưng việc Mỹ yêu cầu đồng minh trả thêm chi phí để được đảm bảo an ninh xem ra sẽ ảnh hưởng đến uy tín và vai trò toàn cầu của quốc gia này. Và thực tế, từ động thái này, các đồng minh của Washington đang đặt câu hỏi phải chăng Mỹ đo lường “giá trị đồng minh” bằng tiền?!