(Baonghean) - Dọc đường thiên lý, qua bất cứ tỉnh, thành phố nào, chúng ta đều có thể bắt gặp những tấm biển to trên ghi dòng chữ “Nộp thuế là yêu nước”. Dĩ nhiên, đi kèm với thuế là các loại phí, lệ phí. Nhìn ở góc độ này thì có lẽ dân ta yêu nước nhiều nhất thế giới. Bằng chứng là ngoài các khoản thuế, hằng năm, người dân còn phải nộp hàng trăm khoản phí cho tất cả những gì sinh ra trên cõi đời này. Từ nhỏ như trứng ong, trứng cút cho đến to như ô tô, máy bay… Từ loại chạy vù vù trên đường như xe máy hay bò lổm ngổm tại chỗ như con tằm đều phải nộp phí thì mới được coi là tồn tại hợp pháp.

Thế nên, mới có người đặt vấn đề ngược lại rằng, người dân nộp đủ thuế, đóng đủ các loại phí là yêu nước thì  nhà nước phải thu thuế, phí, lệ phí ở mức độ như thế nào để thể hiện rõ sự… yêu dân. Nếu yêu dân thì có nên để tồn tại và phát triển nhiều loại phí, lệ phí thế không? Có để tình trạng phí chồng lên phí như bao người vẫn phàn nàn, kêu ca bao lâu nay không? Người ta đã từng cất công kiểm đếm và liệt kê ra được một chiếc ô tô để được lăn bánh trên đường phải chịu ít nhất ba sắc thuế và 11 loại lệ phí. Một con gà từ khi chui ra khỏi vỏ trứng cho tới khi “khỏa thân” trên bàn ăn phải gánh 14 loại phí. Có những loại phí rất vô lý như ngư dân chạy tàu trên biển đâu có ảnh hưởng gì tới môi trường mà vẫn phải đóng phí môi trường qua xăng. Tàu thuyền muốn cập bến thì phải đóng phí luồng lạch, phí cập cảng, phí neo đậu, phí lưu trú. Đã nộp phí cập cảng rồi sao còn phải đóng phí neo đậu. Không lẽ vào cảng vẫn không được đứng yên, vẫn phải nổ máy dập dềnh theo sóng hay sao? Đã nộp phí neo đậu rồi sao lại còn phải đóng tiền lưu trú nữa. Chả lẽ cấp phép cho neo đậu rồi vẫn không được ở lại trông coi tàu? Một chuyên gia kinh tế cho rằng, việc “lạm phát” thuế , phí thể hiện nguồn thu ngân sách đang khó khăn. Điều này đúng, nhưng không hẳn  đã chính xác là thuế, phí giúp gỡ khó cho nguồn thu vào ngân sách. Mà có khi là do lợi ích cục bộ của một địa phương, một cơ quan, đơn vị nào đó.

Sở dĩ nói như vậy là vì, khi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính muốn bãi bỏ 31 loại phí, lệ phí liên quan đến thú y đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và người chăn nuôi. Thì ngay sau đó có 17 tỉnh, thành như TP.HCM, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương… đã tổ chức họp khẩn cấp và đồng loạt đề nghị 2 bộ trên duy trì các loại phí, lệ phí đó. Mà lý do duy trì, như ông Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thành phố Hồ Chí Minh nói là do tự chủ tài chính hoàn toàn vì ngân sách nhà nước không cấp nên tiền lương chi trả cho toàn bộ nhân sự chi cục và kinh phí hoạt động đều dựa vào nguồn thu từ phí, lệ phí thú y. Nếu dừng thu phí, lệ phí thì chi cục sẽ phải ngưng ký hợp đồng với 620 nhân viên thú y. Mà nếu như thế thì “chẳng may dịch bệnh xảy ra sẽ không có người hỗ trợ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi chẩn đoán bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, chích ngừa. Cuối cùng trang trại và doanh nghiệp chịu nhiều thiệt thòi. Chưa hết, hoạt động giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật sẽ không có người kiểm soát”.  Lập luận này hoàn toàn không xác đáng. Vì rằng mỗi khi dịch bệnh xảy ra muốn nhân viên thú y đến xử lý, người dân phải trả tiền công theo từng lần đến thăm khám vật nuôi. Vừa thu phí lại vừa lấy tiền công thì rõ là phí chồng lên phí rồi còn gì. Cho nên bỏ thu phí, nhân viên thú y vẫn có thể sống được bằng nghề của mình. Và người dân giảm được gánh nặng chi phí vì chỉ khi cần tới nhân viên thú y người dân mới phải trả tiền. Mọi việc bình yên vô sự thì không phải tốn thêm khoản nào cả. Còn nộp phí thì phải đều đều, lúc nào cũng phải nộp. Khi có chuyện lại còn phải chi trả thêm tiền công. Hoạt động giết mổ cũng vậy thôi, nên trả công theo đầu việc thay cho việc duy trì phí. Dĩ nhiên, nếu trả công theo việc thì chỉ khi làm việc mới có thu nhập còn nếu thu phí thì có việc hay không vẫn bảo đảm nguồn thu ổn định. Thế nên, không ai muốn bớt đi nguồn kinh phí ổn định này cả. Từ sự việc cụ thể này mới hiểu là tại sao bao nhiêu lâu nay, người dân cầu cứu, kiến nghị bãi bỏ bớt các khoản phí, lệ phí, các Đại biểu Quốc hội cũng đã lên tiếng nhiều rồi mà cuối cùng phí, lệ phí không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng thêm. Tất cả chỉ vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan, đơn vị, một vài nhóm người muốn duy trì mãi nguồn thu nhập ổn định cho riêng họ.  

Cho dù, việc lạm thu phí, lệ phí kiểu đó làm cho thu nhập của người dân giảm xuống, cuộc sống khó khăn hơn; hàng hóa, sản phẩm của ta làm ra có giá cao hơn trong khi chất lượng không hơn khiến cho khả năng cạnh tranh của hàng hóa xứ ta kém xa so với hàng hóa các nước láng giềng.  Vì lẽ,  thuế và phí hiện của ta hiện nay ở mức rất cao. Mỗi người dân gánh chịu tỷ lệ thuế - phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực. Dẫn tới, năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng yếu kém theo. Cái mất đó của quốc gia, dân tộc là rất to lớn so với cái được của nhóm nhỏ nào đó. Hệ lụy đó, người ta biết cả, nhưng vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm nên không ai muốn buông mà chỉ muốn giữ lấy, ôm vào mình.

Cũng dễ hiểu thôi vì bây giờ, không mấy ai sống với tâm thế “thương người như thể thương thân” mà chỉ chăm chắm lo cho mình theo đúng kiểu “cuốc giật vào lòng”. Việc bộ đề nghị bỏ phí, các địa phương vẫn kiên quyết giữ là một biểu hiện rõ nét và sinh động cho một lối hành xử vô cùng ích kỷ.

Bụt Sơn