(Baonghean.vn) - Do thiếu vắng sự dẫn dắt của Mỹ, siêu cường duy nhất của thế giới trong vấn đề Biển Đông, nên Trung Quốc - cường quốc mới của thế giới và là quốc gia lớn nhất tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, “ngang nhiên” đe dọa hoặc “bắt nạt” các nước láng giềng Đông Nam Á nhỏ hơn.

Từ ngày 13/11 đến 15/11, lãnh đạo các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ gặp nhau tại Manila và Clark (Philippines) để tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị liên quan.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông, vốn là vấn đề gây chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên ASEAN và thậm chí không có chính sách chung nào giữa các nước tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

resize_images2057940_anh_1__1_.jpgKhu vực tranh chấp Biển Đông. Ảnh: AP

Trước đó, phát biểu với báo giới sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX hồi tháng 10, ông Yao Wen, Phó Tổng Giám đốc hoạch định chính sách thuộc Ban châu Á của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm cách quân sự hóa Biển Đông”. Tuy nhiên, quan chức này thừa nhận nước này đã xây dựng một số cấu trúc như hải đăng và bệnh viện tại các đảo và bãi đá ngầm tranh chấp.

Các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông đã và đang gây quan ngại trên khắp thế giới. Tuy nhiên, chuyên gia Donald K.Emmerson từ Đại học Stanford nhận định: “Trung Quốc sẽ tiếp tục thách thức phán quyết của tòa trọng tài quốc tế La Haye, vốn khẳng định nước này đang vi phạm các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) trên Biển Đông. Manila,”bên nguyên đơn”, chọn cách không hối thúc Bắc Kinh thực thi phán quyết này.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hành động mở rộng quân sự của Trung Quốc trên Đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: AP

Thay vào đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại "chuyển thắng thành bại" khi bị lung lay bởi viễn cảnh nhận viện trợ từ Trung Quốc, nỗi lo sợ trước sự giận dữ của Bắc Kinh cũng như sự bấp bênh trong hành động răn đe của Mỹ”. 

Mặc dù Trung Quốc đã nhất trí thỏa thuận khung về Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) với các nước ASEAN, song các cuộc đàm phán COC không nên kéo dài bởi điều này chỉ có lợi cho Bắc Kinh.

Vì thế, các nước như Indonesia, Việt Nam, Singapore, Malaysia và Thái Lan cần nỗ lực thúc đẩy các nước thành viên ASEAN khác duy trì đoàn kết và tuân thủ nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông. Các lãnh đạo ASEAN cần thực thi hiệu quả Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thiện COC, văn kiện mang tính ràng buộc pháp lý và hiệu quả trên Biển Đông.

Để gây sức ép đối với Bắc Kinh và tránh xung đột liên quan tới vấn đề Biển Đông, ASEAN rất cần tới sự ủng hộ toàn cầu, và Hội nghị cấp cao tại Manila, đặc biệt là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), sẽ là diễn đàn thích hợp để tranh thủ sự ủng hộ và duy trí vai trò chủ chốt của ASEAN./.

Lan Hạ

(Theo Eurasia Review)

TIN LIÊN QUAN