(Baonghean.vn) - Giải vô địch quốc gia V.league 2017 đã đi đến những vòng đấu cuối cùng, hiện Thanh Hóa vẫn đang ngự trị trên ngôi đầu nhưng chắc họ đã cảm nhận được sức nóng ghê gớm phả sau gáy bởi 2 đội bóng của bầu Hiển.
Bầu Hiển "sở hữu" 5 đội bóng?
Không phải đến thời điểm hiện tại mà ngay từ nhiều năm trước đây, cụ thể là bắt đầu từ năm 2011, chuyện bầu Hiển sở hữu hơn 1 đội bóng đã tạo ra một làn sóng phản đối dữ dội. Dù rằng khi đó, ông bầu này mới chỉ "sở hữu" 2 cái tên, là Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.
Sự phản đối sau đó càng trở nên gay gắt hơn vào năm sau khi cuộc đua vô địch không còn là chuyện của 1 đội bóng. Ở mùa giải 2012, khi V.League chỉ còn lại 1 vòng đấu cuối cùng, Sài Gòn Xuân Thành là đội sáng cửa vô địch nhưng cuối cùng lại là đội thất thế nhất trong Top 3; còn SHB Đà Nẵng mới là những người vinh dự nâng cao Cup.
Còn nhớ, ở vòng đấu cuối cùng, Hà Nội T&T nếu muốn vô địch sẽ phải dồn lực đá với chính đội đầu bảng Sài Gòn Xuân Thành ngay trên sân Thống Nhất, trong khi SHB Đà Nẵng phải làm khách tại Ninh Bình. Thế nhưng điều làm người hâm mộ khó hiểu là lẽ ra đội bóng đến từ Thủ đô phải có một trận chiến "một mất một còn" với đối thủ để lên ngôi vô địch thì họ làm mọi cách giữ chân đối thủ và họ đã thành công.
Cách đó hơn 1.500 Km, người anh em SHB Đà Nẵng của họ đánh bại Ninh Bình để lên ngôi vô địch. Lần đó, vì quá bức xúc nên bầu Thụy đã đăng đàn rằng: “Làm bóng đá, đầu tư bóng đá tốn kém rất nhiều mà bị chèn ép. Ai cũng thấy đội Sài Gòn Xuân Thành của tôi bị một đội ôm chân, còn một đội thì được bơm điểm. Đánh kiểu đấy thì ai đánh lại. Tôi sẽ nghỉ và bỏ bóng đá vì sân chơi này bất công quá mà các anh ở VFF biết nhưng cứ để nó hủy hoại!”.
Sở dĩ muốn nhắc lại câu chuyện cũ là bởi cuộc đua vô dịch năm đó "mới chỉ” có 2 đội bóng thuộc sở hữu của ông “bầu” họ Đỗ mà đã rắc rối, để lại lắm "lời ong tiếng ve" ở sân chơi V-league. Còn thời điểm hiện tại thì sao?
Dù rằng bầu Hiển đã nhiều lần khẳng định không có chuyện ông sở hữu nhiều đội bóng, mà đó chỉ đơn thuần là kênh “đầu tư”. Thế nhưng ai cũng ngầm hiểu ở thời điểm hiện tại, một trong những người giàu nhất Việt Nam này có tới 5 đội bóng cùng thi đấu ở sân V.League. Ngoài 2 đội bóng kể trên thì còn có các CLB QNK Quảng Nam, Sài Gòn (trước đây là CLB Hà Nội) và Than Quảng Ninh. Một ví dụ để thấy được “sự đồn thổi” của người hâm mộ không phải không có cơ sở. Đấy là trận đấu diễn ra ở vòng 29, V.League 2017 diễn ra trên sân Hàng Đẫy vào tối ngày 24/9, ông Đỗ Quang Hiển, đã xuống sân để động viên và trò chuyện với BHL cũng như cầu thủ của cả 2 đội. Dù rằng khi 2 đội níu chân nhau chắc chắn sẽ làm ông không vui. Câu hỏi đặt ra là liệu kịch bản của năm 2012 có lặp lại?
Thanh Hóa không được phép sảy chân
Vẫn còn quá sớm để nói về chuyện này, bởi nếu nhìn vào bảng xếp hạng hiện nay (đội đầu bảng FLC Thanh Hóa (38 điểm) cũng chỉ tạo ra khoảng cách 8 điểm với SHB Đà Nẵng. Trong khi đó, V.League còn tới 5 vòng đấu nữa mới kết thúc thế nên trên lý thuyết ngay cả đội thứ 8 vẫn có thể tạo ra một cuộc lật đổ. Nhưng khi nhìn vào bối cảnh của V.League năm 2012 với năm V.League 2017 có quá nhiều sự tương đồng ở top 3. Có khác chăng chỉ ở tên gọi, vì vậy người hâm mộ hoàn toàn có quyền nghi ngờ về điều đó.
Ở thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đang là đội bóng dẫn đầu bảng xếp hạng, thế nhưng khoảng cách họ tạo ra so với 2 đội bóng của bầu Hiển là tương đối sít sao, có cùng điểm số với QNK Quảng Nam và hơn Hà Nội 2 điểm. Đội bóng xứ Thanh lúc này xếp hơn đội bóng xứ Quảng do hơn về chỉ số phụ (+11 so với +10). Công bằng mà nói, sự vươn lên của QNK Quảng Nam là một bất ngờ thú vị ở sân chơi V.League, nhưng xét cho cùng nếu không được sự đầu tư tài chính từ bầu Hiển thì chắc chắn không nhiều người nghĩ rằng Quảng Nam có thể là đội bóng cạnh tranh chức vô địch đến thời điểm hiện tại.
Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa là QNK Quảng Nam không xứng đáng với vị trí thứ 2 mà họ đang sở hữu, họ hoàn toàn xứng đáng. Nếu có trách thì nên trách chính bản thân Thanh Hóa đã để vuột mất cơ hội gia tăng khoảng cách khi đối đầu trực tiếp với QNK Quảng Nam ngay trên thánh địa của mình. Và trong chặng đường đi đến vị trí thứ 2 của Quảng Nam, họ cũng tận dụng rất tốt trước các đối thủ yếu, thậm chí đánh bại cả SLNA ngay tại sân Vinh với tỷ số 4-2; chiến thắng trước Than Quảng Ninh ở vòng 4 với tỷ số 3 -1 ngay tại “chảo lửa” Cẩm Phả...
Trở lại với chặng nước rút còn lại, hiện trên các diễn đàn, đã xuất hiện luồng thông tin cho rằng Thanh Hóa sẽ thất thế trong cuộc đua đến ngôi vương. Điều này hoàn toàn có cơ sở nếu xảy ra trường hợp “anh em nhà bầu Hiển” nhường nhau. Từ nay đến cuối giải đấu, trong khi QNK Quảng Nam “được” thi đấu với 2 người anh em của mình là Đà Nẵng (vòng 23) và Than Quảng Ninh (vòng 25) thì Thanh Hóa lại phải chiến đấu với Than Quảng Ninh - đội được tập đoàn SHB tài trợ ở vòng 22. Trong bối cảnh đó, đội bóng xứ Thanh chỉ sảy chân một vài trận, chắc chắn họ sẽ phải ôm hận giống như cảm giác mà Sài Gòn Xuân Thành trước đây đã gặp phải cách đây 5 năm.
Tất nhiên, những nhận định trên đều mang yếu tố chủ quan, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc một ông chủ sở hữu nhiều đội bóng chắc chắn sẽ không tạo ra một cuộc đua sòng phẳng, đấy là chưa kể đến việc diễn kịch, hỗ trợ nhau... Điều đó càng làm người hâm mộ quay lưng lại với bóng đá nội. Nên chăng VFF cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong câu chuyện sở hữu này để kéo người hâm mộ đến sân, nhất là trong bối cảnh V.League đang ảm đạm hiện nay?
Cảnh Nam