Bị bóc lột sức lao động vì không sinh được con
Một ngày đầu tháng 7, cô gái với vóc người nhỏ nhắn lặng lẽ đến TAND tỉnh Nghệ An để tham dự phiên tòa đặc biệt. Chị Lang Thị Vân (SN 1982) chính là bị hại trong vụ mua bán người mà hai bị cáo là Sầm Văn Biên (SN 1984) và Lang Thị Xuân (SN 1983) cùng trú xã Quang Phong, huyện Quế Phong.
Tại vị trí dành cho bị hại, chị Vân ngồi thu mình. Dù chiếc khẩu trang đã bịt kín gần hết khuôn mặt nhưng sự lo âu, sợ hãi vẫn hiện rõ trên đôi mắt. Có lẽ cuộc đời bầm dập, bị lừa bán và những nỗi đau phải chịu đựng suốt thời gian ở xứ người đã ám ảnh chị.
Được động viên, chị mới bình tĩnh kể lại những tháng ngày tủi nhục của mình. Chị kể, bản thân vốn là con thứ 2 trong gia đình có 4 anh chị em. Gia đình thuộc diện hộ nghèo nên chị sớm bỏ học, xuống TP Vinh làm thuê. Khoảng tháng 3/2014, chị tình cờ gặp lại người đồng hương là Sầm Văn Biên. Người này liên tục rủ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao nhưng chị một mực từ chối. Những ngày sau, chị liên tục nhận được điện thoại gọi điện rủ rê của Biên rằng: Chỉ cần sang Trung Quốc làm việc 3 tháng rồi về sẽ được nhận 50 triệu đồng. Lời mời hấp dẫn ấy khiến chị đồng ý.
Ngay sau đó, Biên đã đón và đưa chị đưa ra Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) rồi vượt biên sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Sau khi đi sâu vào nội địa, đến một bến xe, Biên điện thoại cho Xuân ra đón người. Lúc gặp nhau, Xuân mới biết cô gái mà Biên dẫn sang chính là em họ của mình. Tuy vậy, người đàn bà này vẫn quyết tâm thực hiện ý đồ bán người.
Sau đó, Xuân đưa chị Vân về nhà mình rồi nhờ bố chồng bán cho một người đàn ông bản địa với giá 5 vạn nhân dân tệ (tương đương 150 triệu đồng). Số tiền trên, Xuân nhờ người đưa về cho bố của chị Vân 40 triệu đồng, Sầm Văn Biên hưởng lợi 40 triệu đồng. Số tiền còn lại sau khi trừ chi phí thì bố chồng của Xuân lấy hết.
Từ khi bị bán như món hàng, cuộc đời của chị Vân là những chuỗi ngày đau khổ. Chị kể trong nghẹn ngào: “Lúc mới mua tôi về, chồng cũng yêu thương, quan tâm. Nhưng vài tháng sau, khi thấy tôi chưa mang thai nên gia đình họ đưa đi khám. Lúc này, bác sỹ bảo tôi bị bệnh, không thể có thai được và buộc phải cắt bỏ buồng trứng. Để giữ tính mạng, tôi buộc phải đồng ý cắt bỏ buồng trứng, đồng nghĩa với việc không còn thiên chức làm mẹ”.
Cũng từ đó, chị bị chồng và gia đình chồng đối xử thậm tệ. “Họ bắt tôi làm việc liên tục để bù lại khoản tiền đã bỏ ra để mua tôi trước đó. Sống trong tủi nhục và phải làm việc quần quật, tôi chỉ biết khóc thầm”, đôi mắt của chị rưng rưng khi nhắc lại chuyện này.
Theo lời kể của bị hại, do bị quản lý chặt nên hàng ngày chị được gia đình nhà chồng cắt cử người chở đến một xưởng làm kính. Tiền lương hàng tháng gia đình chồng lấy cả chứ chị không được khoản tiền nào. Họ cũng cấm chị không được giao tiếp với người lạ...
Cha nghèo bán bò lấy lộ phí tìm con gái
Sống trong tủi nhục nên chị Vân luôn nuôi ý định bỏ trốn. Một mặt, chị âm thầm nghe lời gia đình chồng, mặt khác tìm hiểu cách thức về Việt Nam. Khoảng một ngày đầu tháng 3/2017, lợi dụng lúc gia đình chồng đi vắng, chị trốn ra khỏi nhà. “Tôi cầu cứu một người lái taxi sống gần đó. Ông ấy đã chở ra bến xe để tôi nhảy xe khách đến cửa khẩu. Rất may người đó biết hoàn cảnh của tôi nên đã giúp đỡ, còn hướng dẫn tôi cách xin tiền để về nước. Trên xe khách, tôi đã trình bày hoàn cảnh của mình để xin tiền và được một số người ủng hộ ít tiền”, chị Vân kể.
Khi đã ở trên đất Việt Nam, chị bắt xe khách về Nghệ An. 3 năm xa quê nhưng trong trí nhớ của chị, hình ảnh làng quê, ngôi nhà của gia đình vẫn còn đó. Ngày được đoàn tụ cùng gia đình, chị chỉ biết ôm chầm lấy mọi người trong nước mắt.
Riêng với người bố, được gặp con sau thời gian dài xa cách, ông mừng mừng tủi tủi. Theo chia sẻ của ông, từ khi con gái mất tích, họ đã tổ chức đi tìm nhưng không được. Ông kể: “Vì con đi làm thuê, ít khi liên lạc về nhà, lần đi Trung Quốc nó cũng không nói với ai nên chúng tôi không hề biết chuyện. Một thời gian sau mới nghe tin, đi dò hỏi thì biết có thể con đã bị bán sang Trung Quốc. Thương con, tôi quyết định bán đi con bò lấy 15 triệu đồng làm lộ phí cho hành trình tìm con”.
Cả đời chỉ quanh quẩn trong bản làng nên hành trình tìm con của ông vô cùng vất vả. Ông phải nhờ người chỉ cách thức bắt xe ra Quảng Ninh. Ở nơi xa lạ, người cha khốn khổ ấy dò hỏi tin tức con trong vô vọng. Đến khi tiền mang theo gần hết, ông đành bắt xe khách về nhà.
Suốt thời gian đó, gia đình ông sống trong u buồn. Bản thân ông vì lo lắng cho con đã mất ăn, mất ngủ đến sụt cân. Người vợ cũng u sầu mà sinh bệnh. Thi thoảng trong làng hễ thấy ai đi Trung Quốc về là ông bà lại đến dò hỏi tin tức con gái mình nhưng không có cho đến ngày chị Vân tự bỏ trốn về nhà.
Bản án cho những kẻ bán đồng hương
Trước bục khai báo, hai bị cáo thừa nhận hành vi mua bán ngườinhư cáo trạng truy tố. Bị cáo Biên khai vì tiền nên đã cấu kết với Xuân, tìm các cô gái để đưa sang Trung Quốc bán. Số tiền có được do bán người, Biên khai đã tiêu xài hết.
Đối diện với người em trong họ, bị cáo Xuân cũng thừa nhận sai trái của mình.
Theo lời khai của bị cáo này, lúc đầu Xuân không biết nạn nhân chính là em họ của mình, vì khi báo tin, Biên chỉ nói “có một cô gái” chứ không nói tên. Nhưng khi biết cô gái bị bán là Vân, bị cáo vẫn bán vì “muốn em có ít tiền để về nước”.
Xét thấy hành vi của hai bị cáo là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm nên HĐXX tuyên phạt bị cáo Sầm Văn Biên 6 năm tù, bị cáo Lang Thị Xuân 5 năm tù về tội Mua bán người. Về dân sự, tòa buộc hai bị cáo phải liên đới bồi thường cho bị hại 60 triệu đồng.
Dù các bị cáo đã phải nhận bản án của pháp luật, thế nhưng, nỗi ám ảnh về những ngày tháng tủi nhục đối với chị Vân thì không thể nguôi ngoai.
Theo chia sẻ của bị hại, sau khi về quê một thời gian, vì cuộc sống mưu sinh, chị xuống TP Vinh thuê trọ, làm thuê bằng việc giao hàng. Công việc bấp bênh, dịp này lại dịch COVID-19 nên cuộc sống càng vất vả. Nhưng điều khiến chị đau lòng hơn cả là không còn khả năng làm mẹ. Đó cũng là lý do khiến chị mặc cảm, không dám đi tìm cho mình một tình yêu mới sau những tủi hổ vì bị lừa bán...