Trên thực tế, tăng trưởng của Trung Quốc đã mất “đà” sau các nỗ lực của chính phủ nhằm ngăn chặn nạn cho vay rủi ro cao. Bên cạnh đó, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện cũng đã bắt đầu cảm nhận những tác động do cuộc chiến thương mại với Mỹ đem lại, đặc biệt là những khoản thuế mới đánh vào 250 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Dù căng thẳng thương mại đang có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước khẳng định 2 bên “rất gần” với một bản thỏa thuận và ông dự kiến sẽ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình để dự “lễ ký kết thượng đỉnh”, song điều này cũng không được trông chờ giúp “tái khởi động” cỗ máy tăng trưởng của Bắc Kinh.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo chững lại trong năm nay, và Trung Quốc - nhà xuất khẩu lớn nhất - chắc chắn cũng bị ảnh hưởng từ lượng cầu sụt giảm.
Neil Shearing - chuyên gia kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu Capital Economics hôm 4/3 cho biết: “Điểm yếu trong nền kinh tế toàn cầu mà chúng tôi dự đoán trong giai đoạn 2019-2020 chủ yếu do các yếu tố cụ thể của quốc gia mà chúng tôi cho rằng sẽ khiến mỗi khu vực kinh tế lớn của thế giới chững lại. Vì vậy dù thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại ắt hẳn là tin vui, chúng tôi cũng sẽ không vội vã thay đổi dự báo”.
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh đã công bố loạt biện pháp trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ, hạ thuế nhập khẩu, tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Song nhiều thứ trong số này cần thời gian dài để đem lại tác động thực sự rõ rệt.