Cả 2 hãng xe Nhật đều hướng tới niềm vui khi lái xe với những sản phẩm mang ngoại hình cá tính hơn.
Trong khi các hãng xe Mỹ đang vực dậy một cách chắc chắn sau những ngày tháng nghiệt ngã của thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2008, thì các thương hiệu xe hơi nhập khẩu cũng tìm cách thoát khỏi sự tụt dốc. Nhưng làm cách nào để ôtô nhập khẩu lấy lòng khách hàng Mỹ, đặc biệt sau hàng loạt vụ triệu hồi kỷ lục?
Hai hãng xe châu Á và đều đến từ Nhật, một lớn một nhỏ, được tờ Detroit News lấy làm ví dụ. Trước tiên là Mazda, với doanh số có thể không có trong danh sách các hãng đứng đầu, nhưng tạo được danh tiếng đáng ngưỡng mộ về thiết kế có cảm xúc và trải nghiệm lái.
Derek Jenkins, Giám đốc Thiết kế Mazda Bắc Mỹ, có ảnh hưởng lớn tới ngôn ngữ thiết kế hiện tại của hãng, Kodo, với mẫu CX-5 crossover cách đây 3 năm. Kodo sau đó xuất hiện trên các mẫu Mazda khác, trong đó có CX-3 hay MX-5.
"Xe của chúng tôi rất thú vị khi lái, và khi thiết kế đều nhắm tới mục tiêu, là ngoại hình phải thể hiện tinh thần, là đam mê lái. Bắt đầu từ mặt trước, lưới tản nhiệt thẳng hơn và tinh vi hơn, những con mắt cũng hội tụ hơn", Jenkins cho biết.
Sự kết hợp của vẻ đẹp và cảm xúc mãnh liệt trong thiết kế đặc biệt rõ rệt trên mẫu sedan Mazda6 và mẫu thể thao MX-5 mới, là cảm giác riêng của Jenkins. Với biểu tượng MX-5, mục tiêu của nhà thiết kế là chiếc xe có sự biểu đạt ở ngoại hình, vì thế phong cách thân xe cũng lộ rõ vẻ quyết đoán.
Mẫu crossover CX-3 là một dự án hứng thú, Jenkins kể, bởi phân khúc này khá mới và còn khá mơ hồ. Xe có ngoại hình năng động, hơi giống xe đua đường trường, nhưng tạo cảm xúc. Crossover được đánh giá là khu vực vàng đối với Mazda.
Trong khi Mazda phát triển vai trò như một thương hiệu Nhật Bản với những mẫu xe mang tới niềm vui khi lái xe (fun-to-drive), thì gã khổng lồ đồng hương là Toyota lại trở nên quen thuộc với những thách thức liên quan tới chất lượng và bắt tay vào chương trình nâng cao hình ảnh.
"Chúng tôi học được nhiều thứ từ những gì đã trải qua. Điều đó buộc chúng tôi phải tới gần hơn với khách hàng cũng như nhận thức của họ về sản phẩm của chúng tôi, thứ họ thích và thứ chúng tôi cần để tiếp tục làm việc và mang tới trong các sản phẩm tương lai", Bill Fay, Phó chủ tịch Toyota cho biết.
Mục tiêu của hãng xe Nhật là phát triển các mẫu xe với ngoại hình "cá tính hơn và thể thao hơn, đồng thời mang tới niềm vui khi lái", một động thái đưa tới những phiên bản đặc biệt mới đây của các mẫu như Camry và Corolla 2016 cũng như Avalon thiết kế lại.
"Từ quan điểm thị trường, chúng tôi đang bỏ lại hình ảnh thương hiệu rất chừng mực vốn có và thêm vào chút cảm xúc", vị phó chủ tịch kết luận.
Camry, mẫu xe bán chạy nhất của Toyota, vốn đóng đinh với hình ảnh trung tính, nhưng đã thay đổi đáng kể với những phiên bản gần đây để hướng tới hình ảnh trẻ trung, thể thao hơn. Nỗ lực này sẽ tiếp tục và mở rộng với những sản phẩm khác của Toyota.
Vì thế trong khi vài người nghĩ rằng sự bảo thủ vẫn ngự trị ở các thương hiệu châu Á, do kinh tế hay các áp lực khác thì dường như xu hướng thực tế lại là mang tới cho khách hàng những chiếc xe nhiều cảm xúc hơn.
Theo VnExpress