Ngày 12-11-2013 theo giờ Niu Y-oóc, Đại hội đồng LHQ khóa 68 đã tiến hành bỏ phiếu bầu 14/47 thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016. Trong cuộc bỏ phiếu này, Việt Nam đã đạt 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, trúng với số phiếu cao nhất để trở thành thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền LHQ.

Đó là cuộc bỏ phiếu cho công bằng và lẽ phải!

Hội đồng Nhân quyền, được thành lập năm 2006 bằng Nghị quyết 60/251 của LHQ, là cơ quan trực thuộc Đại hội đồng LHQ, một diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Hội đồng Nhân quyền có nhiệm vụ thảo luận tình hình, đề cập các vi phạm nhân quyền và đưa ra các nghị quyết, khuyến nghị về các vấn đề nhân quyền, hằng năm có báo cáo trình Đại hội đồng LHQ; ngăn chặn các vi phạm nhân quyền thông qua hợp tác và đối thoại, hợp tác chặt chẽ với các Chính phủ, tổ chức khu vực, cơ quan nhân quyền quốc gia, các tổ chức phi chính phủ; thúc đẩy giáo dục, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các nước, thúc đẩy các nước thực hiện nghĩa vụ và cam kết về nhân quyền; kiểm định định kỳ việc thực hiện các nghĩa vụ, cam kết của tất cả các nước về nhân quyền dựa trên các thông tin khách quan, tin cậy, thông qua một cơ chế kiểm định 4 năm một lần, trên cơ sở hợp tác và đối thoại.  

Ngoại trừ 47 nước thành viên Hội đồng Nhân quyền, tất cả các nước thành viên LHQ còn lại đều là quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền. Điều đó có nghĩa Việt Nam đã là quan sát viên của Hội đồng Nhân quyền kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006.

Để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam đã trải qua một chặng đường dài với những nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng cho tới từng cá nhân, nhằm xây dựng một nước Việt Nam vừa tăng trưởng kinh tế, tiến bộ và công bằng xã hội, vừa bảo đảm quyền con người.

Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế và GDP của Việt Nam được duy trì ở mức khá cao (bình quân khoảng 6%), tạo thêm 8 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%, an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn và mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, nhất là đối với trẻ em, người nghèo, người dân tộc thiểu số, chỉ số phát triển con người không ngừng tăng. Việt Nam đã hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) và có triển vọng đạt được các Mục tiêu còn lại.

Hiến pháp Việt Nam đã ghi nhận đầy đủ và toàn diện tất cả các quyền con người về kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị, dân sự. Nội dung các quyền cơ bản và phổ cập nêu trên của con người không ngừng được cụ thể hóa và hoàn thiện trong các văn bản luật và dưới luật của Việt Nam, phù hợp với tinh thần và các chuẩn mực được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới và các công ước quốc tế của LHQ về nhân quyền.

Các cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Thông tin, báo chí tại Việt Nam phát triển mạnh cả về số lượng và loại hình, việc tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin, internet cũng phát triển nhanh, được các tổ chức chuyên môn của LHQ đánh giá là một trong những nước dẫn đầu về lĩnh vực này. Đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phong phú, sôi động, với sự phát triển của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới và các tôn giáo, tín ngưỡng nội sinh, cả về số lượng tổ chức và tín đồ, cơ sở tôn giáo, thờ tự, đào tạo, xuất bản phẩm…

Việt Nam đặc biệt coi trọng và tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, đánh giá cao Cơ chế kiểm điểm phổ cập định kỳ UPR, coi đây là cơ chế hiệu quả để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, qua đó thúc đẩy và bảo đảm tốt hơn các quyền con người.

Việt Nam đã trình bày Báo cáo UPR lần thứ nhất năm 2009, được các nước và Hội đồng Nhân quyền đánh giá cao về sự chuẩn bị nghiêm túc với nội dung phong phú và cách tiếp cận xây dựng. Việt Nam đã chấp thuận 93/123 khuyến nghị (gần 80%) của Nhóm làm việc về UPR và đang tích cực thực hiện các khuyến nghị này.

Thời gian qua, Việt Nam đã tăng cường đối thoại, hợp tác với các Thủ tục đặc biệt: Bên cạnh việc trả lời đầy đủ, đúng hạn các kháng thư về nhân quyền, từ tháng 7-2010 đến nay, Việt Nam đã đón 4 Thủ tục đặc biệt về các vấn đề thiểu số, đói nghèo cùng cực và nhân quyền, tác động của nợ nước ngoài đối với nhân quyền và quyền được chăm sóc y tế. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đón các Thủ tục đặc biệt về quyền giáo dục và quyền có lương thực như đã cam kết.

Những nỗ lực không biết mệt mỏi đó của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và việc đa số các nước thành viên tại khóa họp 68 Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu nhất trí đồng ý Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là một minh chứng rõ nét cho thấy chính sách bảo vệ, thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam đã có những thành tựu không thể phủ nhận.  

Việc Việt Nam trúng cử, trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền không chỉ cho thấy sự tín nhiệm quốc tế đối với chính sách của Việt Nam, mà còn phản bác mạnh mẽ những vu cáo của các thế lực thù địch chống Việt Nam trong vấn đề nhân quyền.

Trong suốt nhiều năm qua, các thế lực thù địch đã luôn lớn giọng phê phán Việt Nam, đòi hỏi các thiết chế quốc tế phải “trừng phạt” Việt Nam vì các vấn đề nhân quyền.

Chẳng nói đâu xa, chỉ ít ngày trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu bầu thành viên mới Hội đồng Nhân quyền, một số tổ chức và cá nhân, hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì những thiên kiến chính trị thâm căn cố đế, đã viết thư gửi Đại sứ Mỹ tại LHQ, Đại diện cao cấp của EU về chính sách an ninh và đối ngoại, kêu gọi phản đối một số nước, trong đó có Việt Nam, trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền.

Nhưng những nỗ lực vô vọng này đã không cản trở được công bằng và lẽ phải.

Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền không có nghĩa là Việt Nam sẽ dừng lại các nỗ lực của mình trong việc bảo đảm các giá trị nhân quyền tiếp tục được duy trì và phát triển.

Chắc chắn trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tăng cường các biện pháp, chính sách và nguồn lực nhằm bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền cơ bản của con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị theo chuẩn mực quốc tế về nhân quyền, cam kết phấn đấu đạt được các Mục tiêu Thiên niên kỷ về phát triển.

Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện hệ thống luật pháp, tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền và tăng cường các thể chế quốc gia bảo vệ quyền con người, trong đó có việc nghiên cứu khả năng thành lập Cơ quan nhân quyền quốc gia. Tăng cường dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân vào quá trình hoạch định, triển khai các chính sách cũng như sự tham gia của các tổ chức chính trị, xã hội trong lĩnh vực quyền con người.

Với tư cách thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cam kết tham gia tích cực, xây dựng và có trách nhiệm vào công việc chung của Hội đồng theo hướng nâng cao năng lực và hiệu quả, tăng cường tính minh bạch, khách quan, cân bằng, trên tinh thần đối thoại và hợp tác.

Nhân quyền là món quà mà tạo hóa ban tặng cho con người. Trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam có thêm điều kiện, nói như Tổng thư ký LHQ Kofi Annan đã phát biểu khi Hội đồng Nhân quyền được thành lập, nắm lấy “một cơ hội được chờ đợi nhất để tạo ra một sự bắt đầu mới trong hoạt động của mình về nhân quyền”.

Theo QĐND