Việc cúng Rằm tháng Giêng tại nhà được người Việt hết sức được chú trọng. Tuy nhiên, nghi lễ này thực hiện sao cho đúng, cho chuẩn thì không phải ai cũng biết.
 
Ý nghĩa việc cúng Rằm tháng Giêng
 
Ngày Rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch, còn gọi là lễ Thượng Nguyên, Tết Nguyên tiêu), là ngày trăng tròn đầu tiên của năm mới. Vì vậy, người dân các nước châu Á coi việc cúng rằm này là rất quan trọng.
 
 
images1463468_11.jpgNgoài việc tới chùa cầu bình an, may mắn, sức khỏe đầu năm trong dịp rằm tháng Giêng, người Việt cũng rất coi trọng lễ cúng tại nhà (Ảnh minh họa)
Tết Nguyên Tiêu có nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm mới. “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm. Tết Nguyên Tiêu còn gọi là Tết Thượng Nguyên, bởi còn có Tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (rằm tháng mười). Trước đây, lễ rằm tháng Giêng còn thường gọi là Tết muộn bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù...
 
Đêm ngày rằm tháng Giêng âm lịch cũng gọi là Tết Hoa Đăng. Do đó những nơi có người Hoa sinh sống lễ đón rằm tháng Giêng thường treo đèn kết hoa, mọi người ra ngắm cảnh hoa đăng, đố câu đối...
 
Về cội nguồn của Tết Nguyên Tiêu, dân gian có nhiều giải thích. Nhiều tài liệu viết phong tục này bắt nguồn từ thời Tây Hán ở Trung Quốc với lễ hội rước đèn lồng long trọng.
 
Cũng có ý kiến cho rằng, ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên quan, trong dân chúng đây là dịp lên chùa cúng dâng sao giải hạn (hoặc cúng tại nhà), giải trừ tai ách, cầu nguyện an lành. Vào Rằm tháng Giêng, nhiều chùa lập đàn, tụng niệm và hồi hướng công đức đầu năm, mong cầu phát sinh an lành, hạnh phúc.
 
Ngày nay, Rằm tháng Giêng là một trong những ngày lễ rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Vào ngày này, mọi người thường đi lễ chùa, cầu mong an lành cho bản thân và gia đình. Việc cúng rằm tại nhà cũng hết sức được chú trọng. Tuy nhiên, nghi lễ này thực hiện sao cho đúng, cho chuẩn thì không phải ai cũng biết.
 
Chuẩn bị lễ cúng Rằm tháng giêng
 
Thượng tọa Thích Thanh Duệ cho biết Rằm tháng Giêng các gia đình thường sắm 2 lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên.
 
Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết cùng hương hoa đèn nến. Lễ cúng gia tiên có hương hoa, đèn nến, trầu cau, một ít vàng mã, rượu.
 
Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có nhà lễ bái chư Phật, có nhà cúng thổ công, thần tài… nhưng luôn có cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, tạ ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
 
 
Bánh trôi được nhiều gia đình dâng cúng Rằm tháng Giêng để mong mọi việc trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy
Rằm tháng Giêng nhà nào theo đạo Phật cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào… chay, tránh chế biến thức ăn chay hình dạng tôm kho, thịt nướng… vì cho rằng thế là cái tâm vẫn còn hướng về mặn.
 
Gia chủ là Phật tử thì có thể ngồi trước bàn thờ Phật tụng một thời kinh Phổ Môn, hoặc kinh Dược Sư để cầu bình an cho gia đạo. Nếu không tụng kinh được thì có thể dâng hương và tụng đọc bài lễ bái Tam Bảo.
 
Nhà không theo đạo Phật thì Rằm tháng Giêng cúng chè xôi và cúng mặn (không thịnh soạn như Tết Nguyên đán).
 
Ngày nay nhiều người dân cúng Rằm tháng Giêng có món bánh trôi nước, với ý nghĩa cầu mong mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy…
 
Nội dung bài văn khấn cũng không cần quá phức tạp. Gia chủ có thể tham khảo mẫu văn như sau: Kính lạy Thần linh Thổ địa, Gia tiên họ ...., bà cô ông mãnh, chư vị tiên linh. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, năm Ất Mùi. Chúng con là…, ngụ tại… Chúng con thành tâm, bày biện hương hoa, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh. Kính xin phù hộ độ trì, con cháu mạnh khỏe, gia đạo bình an, sở cầu như ý.
 
Theo Giao thông