(Baonghean) - Những năm qua, huyện Nam Đàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kiện toàn, củng cố hệ thống chính trị vùng đặc thù, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể.

images1861755_4c.jpgLãnh đạo ban tổ chức huyện Nam Đàn và xã Hùng Tiến trao đổi với bí thư chi bộ cơ sở về công tác phát triển đảng. Ảnh: Gia Huy

Nam Lộc là xã miền núi nằm ở phía Nam huyện Nam Đàn với dân số 6.165 người, đồng bào giáo dân chiếm hơn 93%, được phân bố trên 10 xóm và 1 khu vực Tân Lam. Đảng bộ có 13 chi bộ, với 142 đảng viên, trong đó 10 chi bộ nông thôn.

Nhiều năm liền, Đảng bộ xã được công nhận TSVM, năm 2016 đạt TSVM tiêu biểu; chính quyền được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ; MTTQ và các tổ chức thành viên liên tục được xếp loại xuất sắc.

Trong đó, các đảng viên là những nhân tố tích cực, gương mẫu, đầu tàu trong các hoạt động; đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm cao (100% công chức đạt chuẩn theo quy định, trong đó 80% công chức có trình độ đại học). Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, công tác hòa giải được quan tâm thực hiện tốt.  

Từ đó, tạo niềm tin và sự ủng hộ của người dân trong thực hiện các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Trong hơn 5 năm, địa phương đã huy động tổng số kinh phí 219,1 tỷ đồng xây dựng các công trình (điện, đường, trường, trạm) phục vụ nông thôn mới. Trong đó, nhân dân đóng góp 175,6 tỷ đồng, chiếm trên 80%, có trên 400 hộ dân tự nguyện bàn giao lại đất, hiến đất, tháo dỡ công trình và đóng góp hàng chục ngàn ngày công để làm các công trình giao thông, thủy lợi…

“Nhờ phát huy dân chủ, khơi dậy sức dân, tranh thủ nội lực, phát huy ngoại lực, trong năm 2016, xã đã về đích trong xây dựng nông thôn mới”, ông Hoàng Mạnh Hùng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Lộc phấn khởi cho biết.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nam Đàn rất quan tâm đến công tác kiện toàn hệ thống chính trị vùng đặc thù bằng những việc làm cụ thể. Trước hết là tập trung củng cố các chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở vùng đặc thù thông qua việc tăng cường cán bộ, công chức xã về sinh hoạt tại các chi bộ có ít đảng viên và ban hành các đề án, hướng dẫn để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ như: Đề án số 03 - ĐA/HU về nâng cao chất lượng quản lý, phân công nhiệm vụ đảng viên tại các chi bộ khối, xóm; Hướng dẫn 09 về nội dung sinh hoạt chi bộ vùng đặc thù...

Đến nay 185/187 xóm, khối vùng đặc thù có chi bộ đảng, có 1 chi bộ sinh hoạt ghép (gồm 3 xóm thuộc xã Vân Diên). Chất lượng sinh hoạt các chi bộ vùng đặc thù có nhiều tiến bộ (số lượng chi bộ đạt TSVM ngày càng tăng, không có chi bộ yếu kém), tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt đạt từ 80% trở lên.

Từ năm 2011 - 2015 tại 13 xã, thị trấn vùng đặc thù trên địa bàn huyện Nam Đàn phát triển được 425 đảng viên, trong đó có 3 đảng viên gốc giáo (năm nhiều nhất phát triển được 90 đảng viên, năm ít nhất phát triển được 70 đảng viên).


Bên cạnh đó, trên cơ sở Đề án “Nâng cao chất lượng điều hành, hoạt động của chính quyền cơ sở” do Ban thường vụ Huyện ủy ban hành, các đảng ủy xã, thị trấn vùng đặc thù đã triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp và sát với tình hình địa phương. HĐND 13/13 xã, thị trấn vùng đặc thù duy trì tốt các kỳ họp HĐND xã, thị trấn theo luật định; duy trì và thực hiện có hiệu quả bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế “một cửa”.

MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động, thu hút ngày càng đông đảo hội viên vào tổ chức.

Một số mô hình đã và đang được triển khai thực hiện có hiệu quả như mô hình “xây dựng tổ chức hội vùng đặc thù vững mạnh toàn diện” tại xã Nam Lộc của Hội LHPN huyện, mô hình điểm toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Hồng Long… Tại một số xã như: Nam Hưng, Nam Nghĩa, Vân Diên, Nam Lộc, thị trấn, Xuân Hòa, Hồng Long, Khánh Sơn…, tỷ lệ tập hợp của một số tổ chức đoàn thể đạt trên 90%, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và tạo nguồn phát triển đảng viên mới.

Đồng chí Nguyễn Xuân Dũng - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Ngoài các giải pháp trên, một trong những nội dung trọng tâm được các cấp ủy đảng quan tâm chính là công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ vùng đặc thù. Nhìn chung, những năm qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên vùng đặc thù đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị.

Ông Nguyễn Văn Minh (bên phải) ở xóm 3, xã Nam Lộc (Nam Đàn) là đảng viên vùng giáo tiên phong phát triển kinh tế trang trại. Ảnh: Gia Huy

Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND, Ủy ban MTTQ huyện và cơ sở cũng thường xuyên quan tâm chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đặc thù. 100% số xóm được cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng đường giao thông, phát triển đa dạng các ngành nghề.

21/41 trường mầm non, tiểu học, THCS thuộc 13 xã, thị trấn vùng đặc thù được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia trong đó có 3 trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2; 10/13 xã vùng đặc thù được công nhận xã chuẩn quốc gia về y tế theo chuẩn nông thôn mới.

Đến nay đã có 147/187 xóm được công nhận xóm văn hóa (đạt tỷ lệ 74,5%/ tỷ lệ bình quân của cả huyện là 76,56%); tỷ lệ gia đình văn hóa, xóm khối văn hóa đạt 84,6% (tỷ lệ bình quân toàn huyện là 85,0%).

Tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển đảng viên mới ở các chi bộ vùng đặc thù ở huyện Nam Đàn vẫn còn gặp một số khó khăn. Trên địa bàn còn có 1 chi bộ sinh hoạt ghép (ở xã Vân Diên); 4 chi bộ phải tăng cường thêm đảng viên để đảm bảo sự lãnh đạo, trong đó có 1 chi bộ phải tăng cường đảng viên từ nơi khác đến để đủ số lượng thành lập chi bộ (thuộc địa bàn xã Nam Lộc). Bên cạnh đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số chi bộ đảng còn hạn chế... 

Để tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng đặc thù, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Đề án 01/ĐA-TU ngày 10/8/2016 về “Xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2012 – 2020”, BTV Huyện ủy Nam Đàn đặt mục tiêu phát huy tốt vai trò của đội ngũ đảng viên là cán bộ, công chức cấp xã, thị trấn tham gia sinh hoạt tại các chi bộ xóm dân cư, phấn đấu đến năm 2020 không có chi bộ sinh hoạt ghép, xóa bỏ các xóm, khối có nguy cơ không còn chi bộ.

Đối với công tác tạo nguồn phát triển đảng, đồng chí Nguyễn Xuân Dũng - Phó ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn cho biết: “Trong khó khăn chung, các tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn phải chủ động tìm, phát hiện nhân tố để bồi dưỡng, giáo dục, định hướng đảm bảo sự kế thừa và phát triển của tổ chức Đảng. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, kịp thời kiện toàn các tổ chức đoàn thể tại các địa bàn còn yếu kém để thúc đẩy các phong trào thi đua ở cơ sở nhằm tập hợp, thu hút quần chúng nhất là lực lượng trẻ tham gia, tạo nguồn cán bộ cho các thôn xóm vùng đặc thù”. 

Gia Huy

TIN LIÊN QUAN