"CÁI CỚ" CỦA MỸ VÀ ĐỒNG MINH

Chiêu bài vũ khí hóa học

Bắt đầu từ ngày 7/4, Hiệp hội Y tế Mỹ - Syria và lực lượng nổi dậy tại Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus đồng loạt lên tiếng cáo buộc lực lượng quân đội Syria tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, làm ít nhất 49 người ở khu vực này thiệt mạng.

Ngay sau đó, giới truyền thông và các tổ chức nhân đạo phương Tây ồ ạt thông tin với nội dung quân đội chính phủ Syria đã sử dụng chất cấm là khí Chlorine rất mạnh, khiến cho số người bị thiệt mạng đã tăng lên con số khủng khiếp, từ 50-70 người.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho rằng, những thông tin này, nếu được xác nhận, sẽ là thông tin kinh hoàng và đòi hỏi có phản ứng ngay lập tức của cộng đồng quốc tế. Bà Nauert cho rằng, Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng cho các vụ tấn công này.

Vào ngày 8/4, mặc dù chưa có một bằng chứng xác thực nào đằng sau các cáo buộc, Tổng thống Trump đã lên tiếng đe dọa chính quyền Damascus và hai nước đồng minh thân cận của Syria là Nga và Iran, sẽ phải gánh chịu “một cái giá phải trả rất đắt”.

dohoavu743463499_1642018.jpg

Ngay sau khi Mỹ tuyên bố để ngỏ khả năng tấn công Syria, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định ủng hộ quyết định của Mỹ khi lớn tiếng cảnh báo rằng, Tổng thống Assad và các bên hậu thuẫn (trong đó có Nga), “sẽ phải lãnh hậu quả” nếu đúng là họ đã tấn công bằng khí độc vào thị trấn Douma do phiến quân đối lập kiểm soát.

Bất chấp những lời kêu gọi kiềm chế và phối hợp điều tra chung của Nga, những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ và các đồng minh vẫn tiếp tục “vang lên”. Mặc dù Nga đã nhiều lần yêu cầu, song các bên không hề đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực về vụ tấn công hóa học của quân đội Syria.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova từng lên án: “Nhà Trắng tin vào khả năng Syria sử dụng vũ khí hóa học tại Damascus chỉ dựa trên những thông tin truyền thông như video, hình ảnh báo cáo về các triệu chứng, mà không đưa ra chứng cứ xác đáng, cụ thể. Mỹ và các cơ quan truyền thông phương Tây nên thấy và hiểu rõ trách nhiệm của mình khi đưa ra những tuyên bố cáo buộc này”.

Châm ngòi cuộc chiến

Sự việc đã trở nên nghiêm trọng hơn khi rạng sáng ngày 9/4, hai chiếc máy bay tiêm kích hạng nặng F-151 của Lực lượng Không quân Israel (IAF) đã tiến hành cuộc tấn công bằng 8 tên lửa hành trình vào sân bay quân sự Tiyas, thuộc phía Nam tỉnh Homs của Syria.

Việc không quân Israel không kích vào sâu trong lãnh thổ Syria đã làm dấy lên lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ Mỹ và đồng minh sẽ chuyển từ lời nói sang hành động quân sự đối với chính quyền Damascus, đặt chính quyền Assad vào thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi có nguy cơ phải đối diện cuộc tấn công của những tên lửa hành trình Tomahawk “mới, thông minh” của Mỹ.

Nga và Syria đã quyết liệt bác bỏ cáo buộc tấn công hóa học ở Douma. Điện Kremlin mô tả vụ việc như “một sự khiêu khích rõ ràng”, trong bối cảnh quân đội chính phủ Syria đang chuẩn bị giành quyền kiểm soát hoàn toàn khu vực Đông Ghouta, quét sạch những  “thành trì” cuối cùng ra khỏi cửa ngõ của thủ đô Damascus.

Không chỉ vậy, các chuyên gia vũ khí hóa học Nga phối hợp với Tổ chức trăng lưỡi liềm đỏ đã đến địa điểm cáo buộc xảy ra cuộc tấn công vũ khí hóa học để mở cuộc điều tra. Và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã tuyên bố rằng, các chuyên gia đã không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào về khí độc Chlorine hay một loại vũ khí hóa học nào khác ở Douma.

Giới lãnh đạo Nga tuyên bố, đây là một “âm mưu bẩn thỉu” của phương Tây nhằm vào Nga và chính quyền Assad. Một lần nữa, chính quyền Washington đang ngụy tạo vụ việc để lấy cớ tấn công Damascus như vào tháng 4/2017.

Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã xúc tiến các cuộc điều tra về sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, tuy nhiên cho đến nay, tổ chức này vẫn chưa tìm ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào chứng tỏ sự vi phạm của Chính phủ quốc gia Trung Đông này.

TOÀN CẢNH VỤ TẤN CÔNG SYRIA 

Từ trái qua: Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Internet
Sau những tuyên bố ồn ào, ngày 13/4 theo giờ địa phương, từ Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng ông Trump tuyên bố: “Tôi ra lệnh cho các lực lượng vũ trang của Mỹ bắt đầu các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu có liên hệ với các năng lực vũ khí hóa học của nhà độc tài Syria Bashar al-Assad”.
Trong cuộc họp báo nhanh của Lầu Năm Góc, giới chức Bộ Quốc phòng Mỹ miêu tả vụ tấn công là chiến dịch phối hợp bao gồm các lực lượng Mỹ, Anh và Pháp. Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mỹ cho biết 3 địa điểm trở thành mục tiêu tấn công gồm: 1 trung tâm nghiên cứu tại Damascus, 1 cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học ở phía Tây thành phố Homs, 1 cơ sở lữu trực thiết bị vũ khí hóa học và đồn chỉ huy gần Homs.

Trong nội dung cập nhật hôm 14/4, người phát ngôn Lầu Năm Góc Dana White khẳng định vụ tấn công “đã thành công, đánh trúng mọi mục tiêu” và các đồng minh “đã dùng mọi biện pháp và cẩn trọng” chỉ đánh vào các mục tiêu định trước. Bà này nói: “Chúng tôi đã đạt được các mục tiêu. Chúng tôi đã tấn công các địa điểm, trung tâm chương trình vũ khí hóa học. Vì thế, nhiệm vụ đã hoàn thành”.

Trung tướng Mỹ Kenneth McKenzie khẳng định không có máy bay hay tên lửa nào trong chiến dịch này bị phòng không Syria đánh chặn thành công. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy phòng không Nga đã được triển khai.

Trong khi đó, Syria và bên hậu thuẫn quân sự cho nước này là Nga lại đưa ra một đánh giá khác.

Trung tướng quân đội Nga Sergey Rudskoy nói với báo giới rằng hệ thống phòng không Syria đã đánh chặn 71 trong tổng số 103 tên lửa hành trình mà Nga cho là các đồng minh phương Tây đã bắn ra.

Rudskoy cũng cho biết các nguồn tin ban đầu khẳng định không có thương vong cho dân thường và quân đội Syria. Tuy nhiên, một số căn cứ không quân, các địa điểm công nghiệp và cơ sở nghiên cứu của Syria bị tổn thất trong cuộc tấn công.

Điểm tương đồng duy nhất giữa hai bên sau vụ tấn công là con số thương vong khi truyền hình nhà nước Syria đưa tin 3 dân thường bị thương nhẹ. Lầu Năm Góc khẳng định không ghi nhận bất cứ thương vong nào cho dân thường vào thời điểm sáng 14/4 theo giờ Mỹ.

Những vũ khí, khí tài nào được trưng dụng?

Giới chức quân đội và quốc phòng nói với CNN, ít nhất 1 tàu chiến của Hải quân Mỹ hoạt động trên Biển Đỏ đã tham gia vào đợt tấn công hôm 13/4 theo giờ Mỹ, cùng với các máy bay ném bom B-1 của Mỹ.

Lầu Năm Góc khẳng định 105 tên lửa được phóng đi trong vụ tấn công nhằm vào Syria. Chúng bao gồm 30 tên lửa Tomahawk phóng từ tàu USS Monterey và 7 tên lửa phóng từ tàu USS Laboon trên Biển Đỏ. 23 tên lửa Tomahawk khác được phóng từ tàu USS Higgins ở phía Bắc Vịnh Arập.

Tàu ngầm USS John Warner phóng 6 tên lửa Tomahawk từ phía Đông Địa Trung Hải và một tàu khu trục của Pháp cũng tại khu vực này phóng thêm 3 tên lửa, Lầu Năm Góc cho biết.

Cuộc tấn công trên không bao gồm 2 máy bay ném bom B-1 Lancer của Mỹ, đã bắn ra 19 tên lửa tấn công liên hợp không đối đất. Phía Anh cũng điều động các máy bay Tornado và Typhoon, bắn ra 8 tên lửa Storm Shadow, trong khi máy bay chiến đấu Rafale và Mirage của Pháp phóng 9 tên lửa SCALP.

Trong khi đó, theo Bộ Quốc phòng Anh, 4 chiếc Tornado GR4 của Không quân Hoàng gia đã được sử dụng trong các vụ tấn công, phóng tên lửa Storm Shadow tại một “địa điểm từng là căn cứ tên lửa - cách Homs khoảng 24 km về phía Tây”.

Cộng đồng thế giới đồng loạt lên tiếng

Là tổ chức quân sự nhận tài trợ 55% tổng chi tiêu từ Mỹ, Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, ngay lập tức lên tiếng ủng hộ Mỹ. Thế nhưng, Tổng thư ký Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg lại cho biết, phần lớn các thành viên NATO sẽ không tham gia vào chiến dịch tại Syria.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc tổ chức họp khẩn do Nga yêu cầu. Ảnh Reuters
Trong khi đó, Anh và Pháp không những lên tiếng ủng hộ Mỹ tuyệt đối, mà còn hạ lệnh cho Lực lượng quân sự tập trung phối hợp với đồng minh Mỹ, tấn công vào các mục tiêu, làm suy yếu kế hoạch sử dụng vũ khí hóa học của Syria.

Thủ tướng Anh Theresa May nhấn mạnh rằng, không có phương án nào có thể thay thế bằng động thái quân sự. “Hành động quân sự này không chỉ bảo vệ những dân vô tội ở Syria thoát khỏi những thương vong khủng khiếp do vũ khí hóa học gây ra, mà còn bảo vệ những chuẩn mực quốc tế không bị “ăn mòn”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì bày tỏ lòng biết ơn đối với quân đội vì “hoạt động xuất sắc” ở Syria. Theo ông, tất cả tên lửa được phóng lên trong chiến dịch đã đạt được mục tiêu của mình, và điều này có thể được coi là thành công quân sự. Tổng thống Macron đánh giá, cuộc tấn công này là hợp pháp, cộng đồng quốc tế đã can thiệp vào thời gian thích hợp và “được tiến hành trong dạng đa phương”.

Đối lập với quan điểm ủng hộ của NATO, Anh hay Pháp, Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman tuyên bố, vụ tấn công tên lửa nhằm vào Syria chỉ chứng minh sự ngớ ngẩn của phương Tây.

“Nó là một chuyện ngu ngốc. Đó là từ ngữ nhẹ nhàng nhất tôi có thể dùng để miêu tả việc đó”

Tổng thống Milos Zeman

Theo nhà lãnh đạo Czech, vụ tấn công đột ngột được thực hiện theo cách vi phạm các điều lệ quốc tế, khiến tình hình tại Syria trở nên bất ổn, trong khi quốc gia này vừa mới bắt đầu cho thấy những tín hiệu về một cuộc sống hòa bình.
Nga nghiêm túc lên án, Syria kiên định

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/4 tuyên bố rằng Điện Kremlin “nghiêm túc lên án” vụ tấn công nhằm vào Syria. Đây là một “hành động gây hấn nhằm vào một quốc gia có chủ quyền… tại tiền tuyến của cuộc chiến chống khủng bố”, vi phạm Hiến chương Liên Hợp quốc và các thông lệ, nguyên tắc của luật pháp quốc tế. 

Tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc do Nga kêu gọi tổ chức hôm 14/4, chính quyền Putin đã không đạt đủ số phiếu đối với nghị quyết lên án “sự gây hấn của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Cộng hòa Arập Syria vi phạm luật quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc”.

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Syria Bashar al-Assad.

Sau phiên họp, Đại sứ Nga Vassily Nebenzia đã gọi những diễn biến của ngày hôm đó là “một cú đánh vào giải pháp chính trị” trong cuộc khủng hoảng Syria. “Tôi hy vọng rằng những cái đầu nóng sẽ nguội bớt và chúng ta có thể tái xây dựng những gì đã bị hủy hoại”, ông nói với ký giả. Mỹ, Pháp và Anh đã can dự vào “thuật ngoại giao gây nhầm lẫn, đạo đức giả và sự giả dối”.

Bashar Jaafari, Đại sứ Syria tại Liên Hợp quốc đã cáo buộc 3  nước Mỹ, Anh, Pháp phá hủy hòa bình và an ninh quốc tế, đồng thời yêu cầu gửi các bản sao Hiến chương Liên Hợp quốc cho đại diện các nước này để họ có thể “tự khai sáng và thức tỉnh khỏi sự thiếu hiểu biết và bạo lực của mình”.

Tại phiên họp, Đại sứ Mỹ Liên Hợp quốc Nikki Haley buộc tội Nga bao che cho chính quyền Syria và khẳng định Washington tiếp tục duy trì thế sẵn sàng lên nòng để tấn công lần nữa đáp trả các vụ tấn công hóa học mới.

Tổng thống Syria khẳng định các cuộc không kích sẽ không ngăn được ông “chống khủng bố” trên khắp đất nước, truyền thông nhà nước Syria cho hay.

Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố các cuộc không kích phối hợp của Mỹ, Anh và Pháp là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc”.

Trước đó, văn phòng Tổng thống Syria đăng lên mạng xã hội Twitter một đoạn băng ông Assad đi làm ngày 14/4, với dòng chú thích kèm theo là “một buổi sáng kiên định”.

صباح الصمود..

رئاسة الجمهورية العربية السورية pic.twitter.com/hhIZT6cOTe

— Syrian Presidency (@Presidency_Sy) April 14, 2018

Một quan chức cùng liên minh do Mỹ dẫn đầu đang chiến đấu chống IS tại Syria khẳng định các lực lượng thân chính phủ và lực lượng Nga tại Syria chưa phát tín hiệu nào cho thấy sẽ trả đũa Mỹ và quân đội liên minh tại nước này.

Tướng McKenzie cho biết Lầu Năm Góc chưa nhận thấy có bất kỳ sự đáp trả quân sự nào từ bên trong Syria nhưng Mỹ vẫn luôn sẵn sàng đáp lại bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào đối với các lực lượng đồng minh.

Trong khi đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc cảnh báo Nga đang lan truyền thông tin sai sự thật. “Chiến dịch thông tin sai sự thật của Nga đã bắt đầu. Trong 24 giờ qua số bài đăng của Nga đã tăng 2.000%, vì thế chúng tôi sẽ giúp mọi người luôn cập nhật tình hình thực tế đang diễn ra”, bà này nói hôm 14/4.

CÁN CÂN QUYỀN LỰC KHÔNG THAY ĐỔI 
103 tên lửa gồm tên lửa hành trình Tomahawk và tên lửa không đối đất cho đợt không kích chớp nhoáng 14/4 nhưng dường như Mỹ không thay đổi được cục diện tại Syria trong thế giằng co giữa các nước lớn. Cuộc tấn công chỉ như một yếu tố gây xáo trộn tình hình Syria, song chỉ ở mức hạn chế. 

Bầu trời thành phố Damascus, Syria trong cuộc không kích do Mỹ vừa tiến hành. Ảnh: MSN
Tờ The Washington Post ngày 14/4 bình luận, cuộc tấn công rạng sáng 14/4 cho thấy Mỹ vẫn không có chiến lược rõ ràng cho vấn đề Syria. Hiện Mỹ một lần nữa rơi vào tình thế đáng lo ngại như sau cuộc tấn công Syria tháng 4/2017. Tờ báo này còn cho rằng, hành động trên chỉ là sự hăng hái thái quá của Tổng thống Trump, chứ không hề đạt được mục đích là giảm bớt sự ảnh hưởng của đối thủ Nga tại khu vực Trung Đông.
Báo chí tại khu vực Trung Đông cũng bình luận, nếu Mỹ coi đây là một thời điểm then chốt để thực hiện một hành động quân sự tại Syria, thì sẽ then chốt không kém khi Mỹ phải tránh được việc lặp lại một cuộc tấn công để rồi không đi tới kết quả gì. Vô hình trung Mỹ đã tự làm suy giảm hình ảnh và tầm ảnh hưởng tại chiến trường này. 
Trong khi đó, trước khi cuộc tấn công diễn ra, Nga đã được phương Tây thông báo, thậm chí Nga cũng thông báo cho Syria để nước này chuẩn bị đối phó. Các mục tiêu tấn công đã được sơ tán trước khi các tên lửa được phóng đi. Điều đó lý giải tại sao hơn 100 tên lửa đã được phóng đi, song Syria không phải chịu một tổn thất nặng nề nào. Các tên lửa hành trình của liên quân Mỹ - Anh - Pháp đều tránh đi ngang khu vực có lưới phòng không của Nga tại Syria. Có thể thấy, Mỹ rất ngại đụng chạm với Nga, bởi sẽ dẫn tới một cuộc đấu đầu quân sự trực diện. 
Phía Nga đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ hành động quân sự của Mỹ và đồng minh, đồng thời đề xuất dự thảo Nghị quyết lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, song không có bất cứ hành động “đáp trả” về quân sự, được giới quan sát đánh giá như một tính toán khôn ngoan. Nga triển khai hệ thống phòng không S-400 tại Syria là để bảo vệ các cơ sở quân sự của nước này tại đây, chứ không phải bảo vệ tất cả các cơ sở của đồng minh Syria. Vì lẽ đó, Nga không kích hoạt S-400 khi Mỹ phóng Tomahawk. 
Cán cân quyền lực giữa các bên vẫn không thay đổi sau đợt tấn công này. Mỹ khó có thể mở thêm các cuộc tấn công quy mô gây thiệt hại cho Nga tại Syria, còn Nga sẽ né tránh các động thái quyết liệt làm bùng nổ một cuộc đụng độ quân sự trực diện mất kiểm soát. 
Vấn đề Syria chỉ được giải quyết khi các bên đối thoại và hợp tác với nhau bằng một giải pháp chính trị nếu không quốc gia Hồi giáo này sẽ tiếp tục đối mặt với cuộc nội chiến dai dẳng chưa có hồi kết.  
Xin được kết bằng câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Đánh bom ai đó chỉ để chứng minh rằng mình sẵn sàng đánh bom vào họ là lý do tồi tệ nhất cho một hành động quân sự”.