(Baonghean) Đã thành thông lệ, vào những ngày hạ tuần tháng Giêng âm lịch hàng năm (từ ngày 20- 22), dòng người từ nhiều vùng đổ về khu vực đền Vạn - Cửa Rào (xã Xá Lượng, Tương Dương) để bắt đầu một ngày lễ hội.

.Đầu Xuân, tiết trời hãy còn se lạnh. Dòng nước Nậm Nơn, Nậm Mộ trong xanh in bóng mây trời. Với người dân Tương Dương, vào những ngày đầu năm chưa đến đền Vạn- Cửa Rào dâng hương thì trong lòng, chưa thanh thản. Bởi lẽ, trong tâm thức mọi người, ngôi đền nơi ngã ba sông này rất đỗi linh thiêng, những vị thần được thờ trong đền (Đốc tướng Đoàn Nhữ Hài, Tam tòa Thánh Mẫu) luôn luôn chở che, nâng đỡ cho cuộc sống thường ngày của họ.

Cửa Rào ngày hội ảnh 1Lễ rước linh vị Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu.

Trên đường lên với ngã ba Cửa Rào, từ khá xa đã nghe tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã hòa âm với dòng chảy rì rào nơi thượng nguồn dòng Lam như mời gọi, như níu giữ. Và rồi, khi đặt chân lên dải đất thiêng nơi ngôi đền tọa lạc, tất thảy đều thành kính, trang nghiêm. Vẻ trầm mặc, cổ kính của ngôi đền có niên đại gần 700 năm và những cây cổ thụ rợp bóng, khói hương nghi ngút, lan tỏa càng tôn thêm không khí linh thiêng.

Hoạt động mở màn của chương trình Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào năm nay là hội trại. Thanh niên các xã trên địa bàn nô nức về sân hội cắm trại. Các trại được trang hoàng lộng lẫy, mang đậm bản sắc và đặc trưng từng vùng miền và dân tộc cư trú trên mảnh đất Tương Dương. Cũng nằm trong khuôn khổ lễ hội, đêm giao lưu văn nghệ đã thu hút hàng ngàn người dân. Các đơn vị đều đem đến những tiết mục đặc sắc. Dịp này, những làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú có thêm cơ hội được trình diễn để du khách gần xa hiểu hơn về những giá trị văn hóa phong phú của vùng đất rẻo cao biên giới này.

Sau tiếng trống khai hội vang lên, lễ rước linh vị Đoàn Nhữ Hài và Tam tòa Thánh Mẫu bắt đầu. Đám rước xuất phát từ sân hội, rồi vòng lên con đường bê tông dẫn lên sân đền. Vị chủ tế xướng lên công đức của các vị thần được thờ tại đền Vạn- Cửa Rào và cầu cho quốc thái dân an. Mọi người có mặt lần lượt dâng hương và nguyện cầu những điều may mắn!

Lúc này, ngoài sân hội các môn thể thao và trò chơi dân gian cũng diễn ra sôi nổi. Cây đu được dựng ở góc sân. Các chàng trai, cô gái miền sơn cước lần lượt thay nhau chơi trò đánh đu. Phía dưới, hàng trăm người đang dõi theo và cổ vũ náo nhiệt. Bên cạnh là khu vực dành cho môn thi đẩy gậy. Vây quanh các vận động viên đang thi đấu là hàng chục vòng khán giả reo hò, cổ vũ. Góc bên kia là bộ môn bắn nỏ cũng thu hút khá đông khán giả. Giữa sân hội là khu vực dành cho trò chơi ném còn. Nam , nữ thanh niên các dân tộc Thái, Mông, Khơ mú, Kinh thi tài về sức mạnh, sự khéo léo, uyển chuyển và chính xác để tung chiếc còn lọt vào vòng. Có lẽ đòi hỏi sự hợp nhiều yếu tố nên trò chơi ném Còn đã thu hút được đa số khản giả.

Về với Lễ hội đền Vạn - Cửa Rào là về với cội nguồn lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; là về với một vùng quê sơn thủy hữu tình, con người thân tình và mến khách; nơi ta gửi gắm tâm linh để sống tốt hơn trong cuộc đời thực và chỗ để ta có được những phút giây thanh thản, sôi nổi và hào hứng để bắt đầu bước vào một năm lao động sản xuất. Đến từ xã Tam Quang (Tương Dương), chị Vi Thị Xuân chia sẻ: "Năm nào tôi cũng về đây tham dự lễ hội. Về đây được hòa vào nhịp cồng chiêng, được vui bên chum rượu cần và được làm quen với nhiều người bạn mới". Còn anh Lô Văn Tuấn đến từ xã Chi Khê (Con Cuông), cách Cửa Rào chừng 60 km bộc bạch: "Tôi sắp xếp thời gian lên trẩy hội vì được biết ngôi đền này rất thiêng nên nguyện cầu bình an, may mắn. Và lên đây còn để được chứng kiến niềm vui, sự háo hức của dòng người về dự hội".

Mấy năm gần đây về trẩy hội ở ngã ba sông, chúng tôi nhận thấy Lễ hội đền Vạn- Cửa Rào được tổ chức ngày càng quy mô và bài bản, mang đậm bản sắc dân tộc, vùng miền. Việc tuyên truyền, quảng bá luôn được chú trọng. Có lẽ vì thế mà số lượng người tham dự ngày một đông hơn. Đặc biệt, về công tác tổ chức, có thể nói Lễ hội đền Vạn- Cửa Rào là điển hình về việc giữ gìn an ninh trật tự, không có hiện tượng thương mại hóa, trò mê tín dị đoan và cờ bạc trá hình. Điều này không ít lễ hội ở các địa phương khác đang mắc phải.

Tường Anh