Tàu ngầm Nga quay lại đột ngột, khiến tàu ngầm Mỹ đang bám theo bị bất ngờ và có rất ít thời gian để tránh một thảm họa khủng khiếp dưới lòng biển.

 » Linh mục Nguyễn Đình Thục kích động giáo dân

 

Ngày 20/3/1993, tàu ngầm USS Grayling của Mỹ suýt gây ra thảm họa dưới lòng biển với tàu ngầm K-407 Novomoskovsk của Nga ở ngoài khơi bán đảo Kola trong khi thực hiện nhiệm vụ bám theo để theo dõi đối phương, theo National Interest.

Được biên chế năm 1969, tàu ngầm tấn công lớp Sturgeon chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Grayling được hải quân Mỹ giao nhiệm vụ ẩn nấp gần căn cứ hải quân Nga để bám đuôi khi đối phương vừa rời cảng.

USS Grayling nằm tại cảng sau một nhiệm vụ. Ảnh: Navsource.org

Tàu ngầm K-407 Novomoskovsk của Nga được biên chế vào năm 1990, cũng là chiếc cuối cùng trong lớp tàu ngầm Đề án 667BDRM có độ ồn thấp. Tàu dài 166 m, có lượng giãn nước gấp 4 lần tàu USS Grayling.

K-407 Novomoskovsk chứa 16 tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) RSM-54, mỗi quả mang 4 đầu đạn hạt nhân độc lập. Đây là tàu ngầm đầu tiên từng khai hỏa đồng loạt 16 tên lửa đạn đạo trong một lần thử nghiệm vào năm 1991.

Tàu ngầm K-407 hôm đó rời căn cứ ở Severomorsk để huấn luyện trên biển Barents, cách thành phố Murmansk 193 km về phía bắc. Thời điểm đó, khoảng 60% số tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Nga đang đồn trú ở khu vực Bắc Cực, quanh bán đảo Kola nằm ở phía đông biên giới giữa Nga với Bắc Âu.

Kíp tàu ngầm K-407 không hề biết sự hiện diện của tàu ngầm Mỹ đang bám đuôi khoảng 11 km phía sau. Khoảng 0h15 phút, thuyền trưởng Andrei Bulgakov cho tàu quay đầu trở về cảng khi đang ở độ sâu 66 m.

Tàu USS Grayling đột ngột mất dấu vết tàu ngầm Nga, khiến thuyền trưởng Richard Self phải tăng tốc để thu hẹp khoảng cách và sử dụng hệ thống định vị thủy âm (sonar) để xác định vị trí đối phương. Họ chỉ phát hiện K-407 khi ở khoảng cách 965 m, trong lúc tàu ngầm Nga đang lao thẳng về phía USS Grayling.

Một cú đâm trực diện thảm họa giữa hai tàu ngầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tình huống đầy gay cấn đó. USS Grayling khi đó đã tăng tốc lên khoảng 14-27 km/h, trong khi tàu K-407 đang hành trình với vận tốc khoảng 32 km/h. Tàu ngầm Mỹ chỉ có tối đa 75 giây để tránh xảy ra va chạm. Thuyền trưởng Self tìm mọi cách để quay đầu và nổi lên mặt nước, nhưng tàu ngầm Mỹ đang tăng tốc, quán tính quá lớn trong khi có quá ít thời gian để cơ động.

Tàu ngầm Nga cũng không hề nhận ra chiếc USS Grayling đang lao tới. Lúc 0h46, kíp tàu K-407 sững sờ khi nghe thấy âm thanh va chạm lớn kéo dài khi tàu ngầm Mỹ sượt qua phía trên mạn phải tàu. Hệ thống định vị thủy âm của tàu Nga lúc này mới phát hiện ra USS Grayling.

Sau cú va chạm, tàu ngầm Mỹ lượn vòng xung quanh để biết chắc rằng K-407 không bị hư hỏng nghiêm trọng, sau đó hai tàu cùng quay trở về cảng của mình.

Rất may không có ai bị thương hay thiệt mạng trong sự cố này. Lớp vỏ ngoài của K-407 bị một vết lõm nhỏ nhưng thân tàu không bị thủng, trong khi USS Grayling chỉ bị hư hỏng nhẹ.

Tàu ngầm K-407 bị lõm sau khi va chạm với USS Grayling. Ảnh: Alexey Tuzov

Mọi thứ có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Nếu tàu Mỹ va chạm chậm hơn 5 giây, nó sẽ đâm trúng khoang chứa tên lửa của K-407, khiến thân tàu bị vỡ và làm các quả tên lửa chứa đầu đạn hạt nhân rơi xuống biển.

Sự cố này gây ra tình huống rất khó xử bởi nó diễn ra ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Mỹ mới đắc cử Bill Clinton. Ông Yeltsin đã nhắc lại sự việc này, khiến Tổng thống Clinton phải xin lỗi và cam kết tiến hành điều tra.

Sau cuộc điều tra, hải quân Mỹ đã cải cách quy trình hoạt động, huấn luyện và cắt giảm quy mô hoạt động của tàu ngầm. Tuy nhiên, chính sách bám đuôi tàu ngầm đạn đạo của các đối thủ tiềm tàng vẫn được duy trì.

Về việc tàu USS Grayling mất dấu vết K-407 Novomoskovsk, chuyên gia quân sự Sébastien Roblin cho rằng tàu ngầm Mỹ đang cố ẩn mình khi theo dõi đối phương, nên nó chỉ có thể dùng sonar thụ động để nghe ngóng tiếng động xung quanh và phát hiện tàu ngầm Nga. Hệ thống sonar chủ động có thể dễ dàng định vị tàu Nga, nhưng đồng thời cũng đánh động cho đối phương về sự hiện diện của USS Grayling.

Tuy nhiên, nhiễu tạp âm ở vùng biển nông gần bán đảo Kola lại rất lớn, trong khi K-407 lại là một trong số các tàu ngầm chạy êm nhất của Nga. Ngoài ra, tín hiệu phản xạ thủy âm phía trước tàu ngầm thường yếu hơn ở bên sườn, khiến hai tàu đối đầu khó phát hiện nhau hơn.

Sự kết hợp của các yếu tố này khiến USS Grayling không thể phát hiện tàu K-407 cho đến khi quá muộn. May mắn là vẫn còn đủ thời gian để tàu Mỹ cơ động, tránh gây ra thảm họa nghiêm trọng hơn nhiều.

Sau sự cố này, K-407 tiếp tục phục vụ trong hải quân Nga, còn USS Grayling hoạt động thêm vài năm trước khi bị loại biên vào năm 1997.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN