Đây là chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào sáng 23/5 và bế mạc vào ngày 17/6/2022.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật và 4 dự thảo nghị quyết. Đáng quan tâm là Luật Thi đua, khen thương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); nghị quyết về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam…
Kỳ họp cho ý kiến 6 dự án luật; trong đó có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Ngoài ra, Quốc hội giám sát, quyết định nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước…
Tiếp đó, trên tinh thần dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, các cử tri đã bày tò nhiều tâm tư, nguyên vọng cũng như đề xuất nhiều vấn đề đang đặt ra trong thực tiễn.
Cử tri Phạm Văn Nam (xã Diễn Trung) bày tỏ sự phấn khởi trước những đổi mới trong hoạt động và nhiều quyết định thuộc tầm vĩ mô Quốc hội đã thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước cũng như giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc từ thực tiễn.
Bên cạnh đó, cử tri Phạm Văn Nam cũng băn khoăn một số vấn đề vướng mắc, bức xúc từ cơ sở chưa được giải quyết tốt. Bởi vậy, đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới hoạt động, có chế tài theo dõi, chỉ đạo giải quyết các kiến nghị, phản ánh của cử tri tại các kỳ tiếp xúc thật thỏa đáng, kịp thời hơn. Đồng thời cần có cơ chế giám sát chương trình hành động của đại biểu đã được xây dựng trong kỳ bầu cử vừa qua, góp phần nâng cao chất lượng, tinh thần trách nhiệm của đại biểu thực sự là đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của cử tri, Nhân dân.
Vấn đề được cử tri 4 xã Diễn An, Diễn Trung, Diễn Tân, Diễn Thịnh bức xúc phản ánh nhiều tại hội nghị liên quan việc cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn nhiều vướng mắc; giá đền bù khi thu hồi đất sản xuất của người dân còn thấp; giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân liên quan đến Dự án Quốc lộ 1A còn chậm, đề nghị Quốc hội nghiên cứu để tháo gỡ, giải quyết cho người dân.
Cử tri Hồ Trung Thông (xã Diễn Trung) nêu tình trạng sau sáp nhập quy mô số hộ và nhân khẩu ở xóm 6, nhà văn hóa xóm hiện không đáp ứng; vì vậy, các cấp cần có cơ chế cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà văn hóa sau sáp nhập.
Cử tri Hoàng Thị Hường (xã Diễn Tân) phản ánh, chủ tịch các hội đặc thù cấp xã hiện nay không có phụ cấp và hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn nào liên quan để có cơ sở thực hiên; đề nghị Quốc hội nghiên cứu tháo gỡ.
Nhiều vấn đề liên quan đến chế độ bảo hiểm y tế; chế độ thờ cúng liệt sỹ; chế độ cho thanh niên xung phong; quan tâm đến chất lượng xét xử của tòa án nhân dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…, cũng được cử tri đề cập, phản ánh, đề xuất Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, có giải pháp giải quyết.
Tăng cường đối thoại với dân
Kết thúc hội nghị, thay mặt các đại biểu Quốc hội, bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã cảm ơn tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các bậc cử tri đã phản ánh nhiều vấn đề từ thực tiễn.
Khẳng định tiếp tục toàn bộ ý kiến, đề xuất của cử tri để nghiên cứu, báo cáo với Quốc hội và các cấp liên quan, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cũng chia sẻ những khó khăn, bức xúc của cử tri liên quan đến các vấn đề đất đai, đồng thời thông tin đây cũng là vấn đề đang được Quốc hội trăn trở, dự kiến đưa vào chương trình kỳ họp tiếp theo để thảo luận, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Liên quan đến nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền địa phương; đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị cấp ủy, chính quyền huyện Diễn Châu và các xã tăng cường tiếp dân gắn với tăng cường đối thoại với Nhân dân nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, chứ không chờ đến các kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử mới phản ánh; đề nghị Ủy ban MTTQ huyện giám sát công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhân dân nhằm tìm hiểu để kiến nghị khắc phục kịp thời các tồn tại trong công tác này tại địa phương.