(Ý kiến nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVI, do HĐND tỉnh tổng hợp)

Bức xúc vì quy hoạch treo

Quy hoạch chi tiết xã Nghi Đức (TP. Vinh) đã được UBND tỉnh phê duyệt tại QĐ số 3866 ngày 31/8/2010, theo ước tính thì có hơn 90% hộ dân của Nghi Đức ảnh hưởng quy hoạch trên địa bàn, các công trình phúc lợi như khu trung tâm hành chính xã, các trường học, nhà văn hóa xóm, hệ thống đường giao thông... cũng bị ảnh hưởng bởi quy hoạch. Một số nhiệm vụ chính trị của địa phương khó có thể thực hiện, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (các hạng mục đầu tư XDCB, xây dựng các thiết chế văn hóa... không thực hiện được do không thể giải phóng được mặt bằng và khó khăn trong việc khai thác quỹ đất để đầu tư cho phát triển).

Khu đô thị mới của Vicem Hải Phòng, 120 ha hai bên Đại lộ Vinh - Cửa Lò (nay lại chuyển cho xi măng Thanh Hóa), Khu đô thị mới của Tổng công ty Sông Hồng 07 ha; Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: 20 ha; Trường ĐH Y khoa Vinh... nhưng triển khai thực hiện chậm, hoặc thậm chí không triển khai thực hiện, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị tỉnh xem xét năng lực của nhà đầu tư các dự án trên địa bàn xã Nghi Đức, nếu không có khả năng thực hiện được thì thu hồi và chuyển sang sử dụng vào mục đích khác, không nên để tình trạng chiếm dụng đất công gây thất thoát ngân sách nhà nước và ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân.

Một số dự án như: Khu kinh tế Đông Nam, Đại lộ Vinh - Cửa Lò, đường tả ngạn sông Lam 2 thi công đã hơn 4 năm nhưng chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, nhất là trong mùa mưa bão, kè chống sạt lở sông Lam đoạn từ Hưng Khánh đến Hưng Nhân, cầu Phương Tích 2; đường N5 tại xã Nghi Thuận huyện Nghi Lộc ảnh hưởng đến 40 hộ dân phải di dời tại các xóm 7, 8, 9, 10. Từ năm 2010 đến nay, dự án tiến hành thi công quá chậm, việc quy hoạch tái định cư, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa thực hiện được nên đời sống của nhân dân không ổn định; một số hộ ra ở riêng đã xây dựng nhà ở trên đất quy hoạch. Dự án Cống ba ra Nam Đàn 2 khởi công từ năm 2009, một số hộ thuộc diện phải di dời, nhưng vẫn chưa được giải quyết đền bù. Đường Lệ Ninh thuộc phường Quán Bàu, Thành phố Vinh; đập Khe Chuối, đập Quan Đồn tại xã Đại Sơn, huyện Đô Lương; tuyến đường huyết mạch chạy qua 3 huyện Tân Kỳ - Anh Sơn - Con Cuông xuống cấp nặng.

Tỉnh cần kịp thời rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp đảm bảo tính khả thi, nghiên cứu ban hành các chính sách đặc thù đối với các đối tượng trong diện bị ảnh hưởng bởi quy hoạch.

Chất lượng điện không đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt

Cần quan tâm đầu tư thêm nhiều trạm hạ áp, nâng cấp hệ thống truyền tải điện (hiện nay xã Nghi Đức sử dụng điện của Chi nhánh điện Cửa Lò, nhưng nguồn điện rất yếu, không đảm bảo sinh hoạt, đề nghị nâng cấp hệ thống tuyến điện Cửa Lò để đảm bảo sinh hoạt của người dân; Tại phường Hưng Phúc (TP. Vinh), hạ tầng đường điện xuống cấp, tình trạng cắt điện không thông báo cho dân, đề nghị Điện lực có kế hoạch kiểm tra thiết bị, đường dây, trạm biến áp và khắc phục tình trạng mất điện thường xuyên). Hiện nay có một số xã trên địa bàn huyện Diễn Châu đã bàn giao lưới điện cho Điện lực, nhưng tiền khấu hao xây dựng đường điện vẫn còn chưa được nhận tiền; chất lượng sau khi bàn giao không được tu sửa, bảo dưỡng. Ngành Điện lực có hướng giải quyết như thế nào để đảm bảo an toàn cho dân và đảm bảo sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Chất lượng điện năng phục vụ sinh hoạt, sản xuất kinh doanh ở các vùng nông thôn không đảm bảo, điện quá yếu không đủ tải, nhất là giờ cao điểm, đề nghị ngành Điện quan tâm để nâng công suất các trạm biến áp và hệ thống đường dây tải điện. Thái độ sách nhiễu, cửa quyền, gây phiền hà của cán bộ nhân viên ngành Điện lực đối với nhân dân cần được chấn chỉnh.

Để người trồng cây lương thực có lãi

Giá cả vật tư phân bón, giống tăng cao trong lúc đó giá nông sản thấp. Đề nghị tổ chức thu mua lúa cho nông dân, có giải pháp quản lý (hoặc trợ giá và tìm thị trường đầu ra giúp người nông dân tiêu thụ nông sản); quản lý tốt các đơn vị cung ứng giống phục vụ cho sản xuất, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật.

Đề nghị có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh và sử dụng chất kích thích, chất bảo quản không đúng quy định trong chăn nuôi và bảo quản thực phẩm.

Tại các xí nghiệp chế biến chè trên địa bàn tỉnh, cơ chế quản lý không còn phù hợp, hoạt động ngày càng khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp, cần sớm tổ chức kiểm tra, rà soát, có các giải pháp chấn chỉnh phù hợp. Doanh nghiệp thao túng về việc thu mua, định giá, ép giá, do đó nông dân trực tiếp trồng chè thua thiệt rất nhiều.

Cần tiếp tục đầu tư mới các công trình thủy lợi, sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng để đảm bảo cấp nước sinh hoạt và sản xuất, hướng dẫn thực hiện cấp bù thuỷ lợi phí, trong đó có hỗ trợ tiền điện cho các trạm bơm điện và thanh toán theo vụ sản xuất (mỗi năm vào tháng 6 và cuối năm), vì thủ tục thanh toán hiện nay quá rườm rà.

Vấn đề đất ở và đất sản xuất nông nghiệp ở nông thôn còn nhiều mâu thuẫn, chưa phù hợp, con em nông thôn xây dựng gia đình hiện nay không có đất ở và đất sản xuất, bởi vì Nhà nước đang thực hiện giao đất cho các hộ nông thôn quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn dài, cần có giải pháp xử lý.

Trong việc triển khai bảo hiểm cho nông dân, có 2 nội dung cần phải kiểm tra xem xét, đó là: Việc triển khai bảo hiểm cho nông dân chưa rõ ràng, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn cho nông dân. Bảo hiểm cây lúa chưa phù hợp với thực tế nên người nông dân bị thiệt thòi, vì vậy đề nghị phải phân loại để đền bù thiệt hại theo từng vụ, từng vùng.

Nguồn lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới còn yếu, chưa cụ thể, chủ yếu đang dựa vào sức dân, vì vậy, khó hoàn thành kế hoạch. Đề nghị xây dựng kế hoạch cho chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012-2020, trước mắt nên tập trung trích đo xây dựng bản đồ địa chính, cấp đổi bìa đỏ trong khu dân cư, tạm thời giữ nguyên diện tích đất trồng lúa, hỗ trợ xi măng để dân làm đường giao thông nông thôn, giao thông thuỷ lợi nội đồng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Để có nguồn vốn triển khai thực hiện Chương trình NTM và khuyến khích các địa phương tích cực đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn đầu tư phát triển, đề nghị cần điều chỉnh tỷ lệ điều tiết tiền sử dụng đất năm 2013 cho phù hợp, với tỷ lệ: NS tỉnh: 20%, NS huyện: 40%; NS xã: 40% (mức như hiện nay phần điều tiết cho NS xã quá thấp).

Thực hiện chủ trương hỗ trợ xây dựng mô hình phát triển kinh tế trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mỗi mô hình được hỗ trợ 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng), hiệu quả của chương trình này như thế nào? Mô hình có nhân rộng được không?

Về hỗ trợ mua máy cày đa chức năng, không nên khống chế hỗ trợ mua máy đa chức năng loại nhỏ, vì trong thực tế máy cày đa chức năng loại nhỏ không thể phát huy tác dụng trong sản xuất nông nghiệp.  Nên bố trí ngân sách tiếp tục hỗ trợ mua máy hái và các loại máy phục vụ cho canh tác chè như: may đốn, phun thuốc, bơm nước...

Tùy tiện thu tiền của bệnh nhân

Chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện ngoài công lập còn thấp, một số bệnh viện chưa minh bạch, rõ ràng, còn tùy tiện trong thu tiền của bệnh nhân, cần tăng cường quản lý, kiểm tra hoạt động của các bệnh viện ngoài công lập chặt chẽ. Việc khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế  có hiện tượng bác sỹ kê đơn một số loại thuốc theo định mức BH quy định, không theo phác đồ điều trị, dẫn đến hiệu quả khám, chữa bệnh không cao. Cần đẩy mạnh hơn nữa vấn đề chống tiêu cực trong khám chữa bệnh ở các bệnh viện, xử lý nghiêm khắc những trường hợp gây phiền hà cho nhân dân khi thực hiện chế độ bảo hiểm y tế,  cần có cơ chế chính sách đào tạo, bổ sung đội ngũ y tế tuyến xã.

Mô hình tổ chức y tế tuyến huyện hiện nay gồm có 3 đơn vị: Phòng y tế, trung tâm y tế huyện và bệnh viện đa khoa huyện được thành lập theo Nghị định số 171 và 172/2004 của Chính phủ, mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả, chồng chéo trong quản lý, điều hành y tế tuyến huyện và cơ sở, cử tri đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ (Bộ Nội vụ, Bộ Y tế) cần kịp thời sắp xếp, quy định tổ chức y tế cấp huyện cho phù hợp.

Cần nhanh chóng đưa viện mới (700 giường) vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân; tiếp tục ưu tiên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, nâng chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến huyện; các bệnh viện khu vực để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ y, bác sỹ cả về chuyên môn và y đức; thực hiện việc luân chuyển bác sỹ có tay nghề cao ở những bệnh viện tỉnh về địa phương.

Đào tạo và sử dụng còn bất cập

Giữa đào tạo và sử dụng nhân lực qua đào tạo còn nhiều bất cập (học nghề xong không có việc làm), đề nghị  có kế hoạch, quy hoạch đào tạo, sử dụng hợp lý, tránh tình trạng các trường lớp mở tràn lan, chất lượng, hiệu quả không đảm bảo, lãng phí.

Ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường học mầm non (hiện tại các trường mầm non tại Thành phố Vinh quá tải, thiếu phòng học. Thi chuyển cấp từ bậc học THCS lên THPT nên tổ chức sớm hơn vì 24/5 chương trình học đã hết nhưng đến 23 - 24/6 mới tổ chức thi dẫn đến việc dạy thêm học thêm tràn lan và giáo viên không được nghỉ hè tháng 6.

Cần có quy định cụ thể thống nhất về thu tiền hội cha mẹ học sinh, hiện nay nhiều trường căn cứ điều lệ thu theo xã hội hóa, không có sự thống nhất mức cụ thể nên phụ huynh có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Không nên quy hoạch trường trọng điểm mà nên dành kinh phí để đầu tư xây dựng các trường đạt chuẩn.