Tuổi trẻ tranh đấu
Nhận tin cụ Phan Tố Đức (SN 1916) ở xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, vừa được trao tặng Huy hiệu 80 tuổi Đảng, chúng tôi đến thăm nhà cụ ở xóm Kim Tiến để chúc mừng. Cụ ông 103 tuổi giờ đi lại hơi khó khăn, cái tai cũng hơi “nặng” nhưng phong thái nhanh nhẹn.
“Vừa rồi, tôi được đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đến nhà trao tặng Huy hiệu 80 tuổi Đảng. Vui và vinh dự lắm!”, cụ Đức hồ hởi khoe với khách.
Nhấp xong ngụm nước chè, cụ Đức bắt đầu kể về thời trẻ, khi gia đình, làng xóm và quê hương còn bị chính quyền thực dân, phong kiến bóc lột: “Ngày xưa vùng đất này đói khổ lắm, lúa gạo, khoai, sắn làm ra không đủ để nộp thuế cho bọn cường hào, nhà nào cũng rơi vào cảnh thiếu đói, áo quần cũng không nên mà mặc. Nếu ai có ý chống lại, chúng lập tức bắt bớ rồi đánh đập tàn bạo, không ít người phải bỏ mạng”, ông kể.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, có bố làm nghề dạy học nên cụ Phan Tố Đức có cơ hội đọc sách báo, kết giao bạn bè và tiếp nhận những luồng tư tưởng mới. Cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931) nổ ra, Võ Liệt là một trong những điểm đấu tranh quyết liệt và sục sôi, dù chưa đầy 15 tuổi cậu thiếu niên ấy đã nhận thấy sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Sang tuổi thanh niên, cụ Phan Tố Đức cùng những người bạn cùng trang lứa, có tư tưởng tiến bộ tập hợp thành nhóm tổ chức đọc sách báo, tuyên truyền các đường lối mạng cho bà con trong vùng. Hàng đêm, những thanh niên cấp tiến này chia nhau về các xóm, vào từng nhà để đọc sách, báo và trò chuyện với người dân về nỗi nhọc nhằn, đau đớn đang phải chịu đựng vì sưu cao, thuế nặng.
Rồi chỉ ra hướng đi mới là theo Đảng để kiên trì tranh đấu đến cùng. Thực hiện nhiệm vụ này, cụ Phan Tố Đức và những người bạn thường xuyên đối mặt với nguy hiểm, vì bọn lý trưởng, cường hào bố trí tay chân khắp nơi để theo dõi, rình rập, có khả nghi là kéo quân vây ráp, lùng sục để bắt bớ.
Sau cách mạng, cụ Phan Tố Đức trở về quê hương làm cán bộ tuyên truyền cho đến ngày nghỉ hưu. Về với điền viên, cụ hăng hái tham gia Hội Người cao tuổi, cùng các phụ lão trong xã trồng dược liệu gây quỹ, giúp nhau sống khỏe, sống có ích và trở thành điểm tựa tinh thần của gia đình, làng xóm.
Mấy năm nay không còn đủ sức dự các buổi sinh hoạt chi bộ, nhưng mỗi khi có việc quan trọng, ban cán sự xóm và bà con láng giềng vẫn đến tận nhà nhận được sự khuyên bảo, chỉ dẫn của bậc lão thành. Gia đình cụ có 7 người con, con cháu đều thành đạt, nhiều người có học vị tiến sỹ và thạc sỹ.
Cụ Đức phấn khởi: “Cuộc sống bây giờ được sung sướng, nhà cửa khang trang, ăn ngon, mặc đẹp, xe cộ thuận lợi. Mấy năm trước thỉnh thoảng tôi được con cháu đưa đi chơi ở Vinh, Cửa Lò và Hà Nội, mỗi lần đến là thấy một sự khởi sắc, có lúc không thể nhận ra nơi mình từng đến, thời trẻ chúng tôi không ai dám mơ có cuộc sống như hôm nay”.
Mà không nói đâu xa, ngay ở quê hương Võ Liệt của cụ cuộc sống đang đi lên từng ngày, đường làng đã rải nhựa và bê tông, nhà cửa khang trang, thóc lúa đầy sân, con cái học hành đến nơi, đến chốn.
Đặc biệt, ở tuổi 103, hàng ngày cụ Phan Tố Đức vẫn cập nhật thông tin qua báo chí. “Tôi là cán bộ lão thành, được Nhà nước cấp Báo Nghệ An, báo trở thành món ăn tinh thần quan trọng. Không còn đủ sức đi xa, đọc báo tôi nắm bắt được diễn biến đời sống của khắp nơi trong tỉnh, từ miền biển, đồng bằng đến trung du miền núi. Những ngày bận việc hay đau ốm không đọc được báo, tôi thấy như thiếu vắng một người bạn tâm giao, và tôi tự hào mình có lẽ là độc giả lớn tuổi nhất”.
Ông Nguyễn Hữu Thành - Chủ tịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Thanh Chương cho biết, cụ Phan Tố Đức là hội viên tích cực, tuổi cao nhưng vẫn quan tâm đến anh em trong tổ chức hội. Mấy năm nay không thể tham gia sinh hoạt, cụ vẫn có những ý kiến đóng góp quan trọng nhằm thúc đẩy phong trào, trở thành “điểm tựa tinh thần” của gia đình và xóm làng. Bà con thường gọi một cách trìu mến cụ là “Cây đại thụ” bên đình Võ Liệt.