Đại biểu Quốc hội chỉ ra nghịch lý, nguồn nhân lực hiện tại đang dư thừa, hàng trăm nghìn cử nhân ra trường không có việc, phải chạy xe ôm, chán nản đốt bằng.

Trong khi đó, một bộ phận cán bộ công chức năng lực hạn chế, không đáp ứng nhu cầu công việc mà vẫn “yên vị” suốt đời, làm việc từ từ, đến tháng lĩnh lương…

Phiên thảo luận về kết quả phát triển kinh tế - xã hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) đề cập vấn đề thất nghiệp của lao động đã qua đào tạo. Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm có 1,24 triệu lao động được tạo việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn các năm trước chỉ còn 2,21%.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) thì đến thời điểm quý II năm 2017 trong cả nước còn có 180.000 cử nhân chưa có việc làm. Ông Hận cho rằng, vấn đề này đã được các ngành chức năng mổ xẻ nhiều rồi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp nào thực sự hữu hiệu. Đây là vấn đề cần quan tâm giải quyết sớm.

 

image_582704.jpgĐại biểu Nguyễn Quốc Hận phát biểu trước Quốc hội.

Đại biểu cho rằng, để có một tấm bằng cử nhân chứ chưa nói đến bằng thạc sỹ là cả một quá trình phấn đấu của một con người. Không phải ai cũng đủ bản lĩnh, khả năng để đi đến cùng của con đường học vấn chưa nói đến sự tôn vinh, kỳ vọng của gia đình, dòng tộc. Nhiều gia đình đầu tư cả gia sản, bán cả ruộng vườn mà cả đời mình lao động cực nhọc, tích góp được để vun vén cho con ăn học. Đó là chưa kể đến sự đầu tư của xã hội cho mỗi người đi học như vậy.

Vậy nên, việc cử nhân ra trường rồi thất nghiệp, theo ông Hận, là một sự hẫng hụt lớn. Đại biểu đề cập, trên một số trang mạng có những sinh viên do phẫn uất đã tự tay đốt tấm bằng đại học mà sau bao ngày phấn đấu cật lực của mình để đi làm việc khác, công việc mà không cần phải học hành nhiều cũng làm được, đó là chạy xe ôm.

Ngược lại, đại biểu chỉ ra, trong nhiều báo cáo đều có chung đánh giá, một bộ phận cán bộ, công chức năng lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc trong khi nguồn nhân lực thậm chí là đang dư thừa. “Vậy tại sao công chức thì phải là công chức suốt đời, dẫn đến tình trạng chạy đua bằng mọi cách để vào công chức, thế là đã được bao bọc suốt đời, cứ làm việc từ từ, cứ đến tháng thì lĩnh lương, đến năm thì lên lương, đến tuổi về hưu thì có bảo hiểm xã hội?” – đại biểu đặt câu hỏi.

Theo ông, đã đến lúc cần tính lại tính cạnh tranh trong công chức, bằng cách cứ sau vài năm đánh giá lại công chức một cách thực chất để từ đó loại ra khỏi công chức một số người không còn đủ điều kiện, không đáp ứng được yêu cầu công việc và song song đó chúng ta tổ chức tuyển dụng đội ngũ công chức mới vào, đây cũng có thể cho là một giải pháp tạo đầu ra cho nạn thất nghiệp đã qua đào tạo.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động, việc làm những đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đề cập vấn nạn người lao động bị chấm dứt hợp đồng sau một vài năm làm việc cật lực vì kiểu sử dụng “vắt chanh bỏ vỏ”.

Bà Như Ý cho rằng, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi có phân tích việc này ở khía cạnh nguyên nhân từ phía người lao động không hẳn đúng. Thực tế, nhiều chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động lớn tuổi làm việc nhiều năm vì họ phải trả lương cao, đóng bảo hiểm nhiều, có thể do mắt mờ, tay yếu nên năng suất lao động cũng kém hơn người trẻ.

Theo đại biểu, việc chấm dứt hợp đồng lao động có thâm niên công tác từ 10-15 năm cho dù không trái với quy định của pháp luật lao động hay chưa đúng với quy định cũng đều rất đáng lo ngại.

Tranh luận lại, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định dù thực tế có nhiều DN có tư tưởng đẩy lao động cao tuổi ra khỏi dây chuyền nhưng ông không kết luận mọi đơn vị, địa phương đều như vậy.

Theo Dân Trí

TIN LIÊN QUAN