Củ kiệu có tên thuốc là giới bạch, là loại cây thảo, thân hành màu trắng. Theo Đông y, củ kiệu, có vị cay, tính ấm; vào 3 kinh phế, vị và đại tràng.
Củ kiệu có tên thuốc là giới bạch, là loại cây thảo, thân hành màu trắng. Theo Đông y, củ kiệu, có vị cay, tính ấm; vào 3 kinh phế, vị và đại tràng, có tác dụng bổ khí, ôn ấm tỳ vị, thông dương tán kết chủ trị đau ngực, bứt rứt khó chịu, ho suyễn nhiều đờm, nôn khan, viêm phế quản mạn tính, viêm dạ dày mạn tính, kiết lỵ mót rặn, mụt nhọt sưng đau. Ăn kiệu chống rét, tốt cho đường tiêu hóa kiện vị, tiêu thực.
Theo các nghiên cứu hiện đại, củ kiệu có tác dụng lợi niệu, hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, chống ngưng tập tiểu cầu, phòng ngừa sự hình thành huyết khối gây nghẽn tắc mạch máu, thiếu máu cơ tim, có tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn và tế bào ung thư.
Chữa viêm mũi mạn tính: củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g. Sắc uống 7-10 ngày là 1 liệu trình. Nghỉ 1 tuần rồi tiếp tục 1 liệu trình mới.
Chữa đau thắt ngực, đau sườn: qua lâu 18g; củ kiệu, đan sâm, khương hoàng, ngũ linh chi, đào nhân, hồng hoa, viễn chí mỗi vị 9g; quế chi 6g, trầm hương 3g (hòa vào sau). Sắc uống.
Chữa kiết lỵ, tiêu chảy:củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Hoặc dùng bài: củ kiệu 20g thái nhỏ, nấu cháo ăn.
Chữa lở ngứa:dùng lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.
Chữa bỏng nhẹ (không trợt da): củ kiệu lột bỏ vỏ ngoài, giã nát, trộn mật ong đắp vào vết thương. Ngày đắp 3 lần.
Phụ nữ có thai bị lạnh đau bụng: củ kiệu 32g, đương quy 8g, đem sắc với 300ml nước còn 100ml, uống ấm, chia hai lần uống trong ngày.
Bổ khí, điều hòa nội tạng tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh: kiệu muối 15-20g ăn với cơm hàng ngày.
Theo Sức khỏe và Đời sống