Được Bác Hồ tặng áo
Bước qua cái tuổi 102, sức khỏe cụ Tô Sĩ Giơu (SN 1918, trú xã Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã yếu đi rất nhiều. Cụ nằm trên giường, đắp chăn bông, đầu đội mũ lông kín mít. Ấy vậy nhưng khi hai người đồng nghiệp ít tuổi hơn là thầy Lô Kam Y Hiệp và Trần Hữu Hy tới thăm, cụ vẫn gượng dậy.
Câu chuyện những năm tháng gian khổ đi gieo chữ ở những vùng khó khăn nhất tỉnh Nghệ An ùa về trong câu chuyện của những người thầy giáo đã ở tuổi xưa nay hiếm.
Thuở nhỏ, thầy Giơu học chữ Nho với bố mình, vốn là một ông đồ yêu nước. Lớn lên, được bố mẹ gửi xuống thành phố Vinh học chữ Quốc ngữ, tiếng Pháp. Nhờ có chữ nghĩa, cụ được tổ chức phân công công tác trong ngành Giáo dục ở huyện Yên Thành. Trong khí thế cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thầy giáo Tô Sĩ Giơu là thủ lĩnh thanh niên tổng Văn Tụ tham gia cướp chính quyền ở huyện nhà.
Từ năm 1945-1957, cụ là Hiệu trưởng Trường cấp 1 Minh Thành và đạt nhiều thành tích trong công tác xóa mù chữ, diệt giặc dốt, nâng cao dân trí. Nhờ những đóng góp to lớn cho ngành Giáo dục, năm 1958, thầy giáo Tô Sĩ Giơu vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động tặng Bằng khen Chiến sĩ thi đua ngành Giáo dục năm 1957.
Cũng trong năm này, thầy Giơu là đại diện duy nhất của ngành Giáo dục Nghệ An được ra Hà Nội tham dự Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua công – nông – binh toàn quốc lần thứ 2.
“Ra Hà Nội thì nhiều rồi nhưng lần này là chuyến đi đặc biệt. Chúng tôi được gặp Bác Hồ, được Bác khen và tặng quà, mỗi người là một tấm áo kaki, được Chính phủ tặng mấy mét vải. Bác dặn chúng tôi luôn luôn phấn đấu trong nhiệm vụ để giữ vững danh hiệu đã đạt được”, nhà giáo 102 tuổi nhớ lại.
Lời căn dặn của Bác Hồ đã trở thành kim chỉ nam trong suốt cuộc đời công tác của thầy giáo Tô Sĩ Giơu. Tấm áo kaki được thầy Giơu giữ gìn như báu vật còn mấy mét vải được tặng, thầy quyết định bán lấy tiền để đóng bàn ghế cho học sinh.
Sau này, chiếc áo kaki Bác Hồ tặng được cụ tặng lại cho Trung tâm văn hóa thể thao huyện Yên Thành để trưng bày, phục vụ công tác tuyên truyền.
Thầy là người có trí, có tâm, có tầm, luôn được đồng nghiệp quý trọng và nể phục, từ chuyên môn đến cốt cách… Nhớ ngày ở Trường Sư phạm Miền núi đóng ở huyện Con Cuông, đào tạo giáo sinh chủ yếu là người miền núi, người dân tộc thiểu số, để tạo nguồn giáo viên bản địa đầu tiên đưa về các bản, làng dạy học.
Thời ấy gian khổ, thiếu thốn lắm. Mọi điều kiện đều ưu tiên cho giáo sinh, các thầy cô phải tự làm nhà, tự trồng trọt, chăn nuôi để công tác. Lúc đó là Hiệu phó nhưng thầy Giơu không nề hà bất kỳ một công việc gì, luôn là “kiện tướng” sản xuất, chăn nuôi của trường.
Thời đó khổ quá, thiếu thốn trăm bề, nhất là đói ăn. Nhiều em không chịu được, muốn bỏ học về đi làm rẫy, thầy Giơu động viên, khuyên nhủ, giữ các em ở lại trường. Rất nhiều em sau này là đồng nghiệp của thầy Giơu, đảm nhận công việc gieo chữ, xóa mù ở những bản làng khó khăn nhất của các huyện miền Tây Nghệ An”, thầy Lô Kam Y Hiệp (80 tuổi) luôn dành những lời trân quý đối với người đồng nghiệp, người thầy của mình.
Trọn đời với sự nghiệp giáo dục
Trong suốt cuộc đời làm nghề giáo, cụ Tô Sĩ Giơu được phân công nhiệm vụ lãnh đạo ở nhiều ngôi trường vùng khó trong và ngoài tỉnh. Ở địa bàn nào, khó khăn đến đâu, bằng cái tầm, cái tâm, cái trí của người thầy, người cha, cụ đều hết lòng vì nhiệm vụ chung, vì sự nghiệp giáo dục và vì học trò thân yêu của mình.
Năm 1976, thầy giáo Giơu nghỉ hưu. Tài sản lớn nhất cuộc đời cụ là những tấm Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An cho những cống hiến của mình. Những tấm Bằng khen đã ố màu nhưng nét chữ vẫn còn rõ ràng, là minh chứng sinh động nhất về sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục đối với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của cụ.
Nghỉ hưu, ông giáo già về vui thú ruộng vườn ở lưng chừng quả đồi trông ra đồng lúa 4 mùa cày xới. Hai bên cổng là đôi câu đối “Sách là ruộng, không ai hỏi thuế - Bút thành cây dễ trổ ra hoa”.
“Đây là lời ông răn dạy, khắc lên để mỗi lần ra vào cổng, con cháu đều đọc thấy mà ghi nhớ trong lòng. Ông muốn con cháu phải giữ được truyền thống gia đình, quý trọng chữ nghĩa, cố gắng vượt qua gian khổ để học thành người, thành tài”, ông Tô Sĩ Lưu – con trai của cụ Giơu cho hay.
Những triết lý về sự học, về đạo làm người được tích lũy suốt một đời cầm bút, cầm phấn của cụ một phần cũng được ảnh hưởng bởi lời răn dạy của ông nội là chí sĩ yêu nước Tô Bá Ngọc - người góp công lớn trong phong trào Cần Vương vào thế kỷ 19. Trước lúc bị địch đưa ra pháp trường xử bắn, cụ Ngọc đã dặn lại con cháu đời sau: “Đời cha chẳng có gì đáng hận, các con hãy coi tiền tài như phấn thô, đạo ngãi tựa ngàn vàng. Hãy ăn ở làm sao cho trong sạch, đừng làm những điều điểm nhục tổ tiên. Lúc này việc nước trọng, việc nhà nhỏ…”.
Một điều đặc biệt là có đến 4-5 người con và rất nhiều người cháu tiếp nối sự nghiệp trồng người của cụ và đạt nhiều thành tích trong công tác. Là người nối nghiệp ông nội, anh Tô Viết Vinh – giáo viên Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành, Nghệ An) xúc động: “Tôi tự hào là cháu của ông, theo nghề ông. Ông là người mẫu mực, nhân ái, luôn đặt việc học lên hàng đầu, yêu lao động, làm gương cho con cháu".
Chính cuộc đời của ông đã có ảnh hưởng tốt đến con cháu, để chúng tôi không ngừng cố gắng giữ và làm đẹp thêm truyền thống gia đình. Chỉ tiếc một điều, ông tôi một đời tận hiến cho ngành Giáo dục nhưng cho đến nay, vẫn chưa được công nhận là Nhà giáo ưu tú bởi có những vướng mắc về mặt thời gian”.
Ở tuổi 102 tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, nhà giáo Tô Sĩ Giơu hài lòng với những gì mình đang có, dẫu hết sức thanh bạch. Tài sản lớn nhất của ông khi về già chính là sự trân quý, kính trọng của các đồng nghiệp, của các con cháu, là tình cảm của học trò, bạn bè… Cuộc đời vắt qua hai thế kỷ, cụ vẫn tận trung, tận hiến và xứng đáng với sự thiêng liêng hai tiếng “người thầy”.