Vừa tới đầu ngõ đã nghe tiếng "hây, hây" uy lực, chắc nịch. Cụ ông Phùng Văn Lự (Đồng Thái, Ba Vì), dáng người nhỏ nhắn đang đi quyền trong khoảng sân mát rượi, có bưởi, mít, trà xanh... thơm lừng. Sáng nào cũng vậy, ông dậy lúc 4h30', dành khoảng 50 phút để quét sân sạch bong. Sau đó ông tập luyện khí công, dưỡng sinh thêm 20 phút rồi xuống bếp bới cơm ăn.

Thấy mâm cơm có thịt luộc, cá kho, mắt ông cụ sáng lên vui vẻ. Tuổi 80, ông đã ăn ít lại, chỉ còn 4-5 bát cơm mỗi bữa. Thức ăn có gì ăn nấy, thậm chí chỉ có độc cơm trắng, đa phần là nuốt chửng. Ông gọi đó là phong cách "tác chiến", lối sống gắn liền với ông trong 10 năm làm lính đặc công.

Ở tuổi 80, ông Lự tự tin hạ gục bất cứ thanh niên nào hạng cân lớn hơn tham gia đấu vật với mình. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Ở tuổi 80, ông Lự tự tin hạ gục bất cứ thanh niên nào hạng cân lớn hơn tham gia đấu vật với mìnhẢnh: Trọng Nghĩa

Những năm 1960, khi mới vào quân đội, vốn bản tính ăn nhiều, ông Lự luôn là người đứng dậy sau cùng khi đồng đội đã bỏ đũa xuống 15-20 phút trước. "Ăn cũng phải tự tin, không có ngại ngùng gì cả, mình không ăn thì cơm cũng đổ", ông thủng thẳng nói. 

Ông Lự năm 28 tuổi rời quân ngũ và về lập gia đình. Ảnh: Trọng Nghĩa.

 Qua thời lửa đạn, ông về sâu trong vùng đồi núi Ba Vì sinh sống, cũng là nhà ở hiện tại. Ông đào ao thả cá, trồng cây ăn quả, rau màu và mấy sào lúa dựa lưng núi... Một chút ám ảnh chiến tranh đã khiến ông ít nói và thu mình hơn.

"Càng buồn, càng đói khổ, chồng tôi lại càng ăn nhiều. Ông ấy tin rằng việc ăn nhiều sẽ giúp suy nghĩ được minh mẫn hơn, làm việc cũng hiệu quả hơn. Lúc 30 tuổi, ông ấy có thể ăn đến 12 bát mỗi bữa", bà Phạm Thị Lỳ (75 tuổi), vợ ông Lự, kể.

Thấy chồng ăn nhiều, bà Lỳ vừa vui vừa lo. Nhà người ta cũng 5 người nhưng chỉ ăn hết 4-5 lon gạo mỗi ngày. Còn nhà bà Lỳ lúc đó 4 người phải ăn gấp 2-3 lần số đó.

Một ngày từ 3h sáng đến 7h tối, hết gánh lúa, gieo mạ thuê, ông Lự lại đi chăn bò, dạy chữ, viết bằng khen, câu đối thuê để kiếm thêm thu nhập... Con cái trong nhà thấy cha ăn nhiều thì mừng, mỗi người giảm ăn một ít để cha có cái bụng no. Qua những cơn đói, ông Lự và vợ cũng nuôi được 2 người con ăn học đầy đủ, yên bề gia thất.

Dù bị một mảnh bom găm ở đùi, cơ thể ông Lự vẫn dẻo dai, linh hoạt. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Biết tính ông Lự, mỗi đám xá của người thân, riêng mâm ông ngồi phải chuẩn bị gấp đôi mâm khác. Có lần người lạ thấy ông chỉ uống mà không ăn nên tò mò. Ông Lự bảo, "mình tôi ăn một đĩa xôi chưa đủ dính răng". Nghe vậy, người chung mâm thách ông ăn hết đĩa xôi. Ông bèn đứng dậy xin phép lấy 8 đĩa xôi từ 8 mâm cỗ ăn sạch.

"Dù ăn nhiều, nhưng ông ấy luôn có nguyên tắc. Đã nói ăn 6 bát cơm là đúng 6 bát. Cách đây 2-3 năm, ngày nào ông ấy cũng gánh đúng 500 kg thóc qua quãng đường 600 mét đi bán", ông Đoàn Văn Thế (80 tuổi), thông gia của ông Lự, nói.

Ông Lự khẳng định, "để có được sức khỏe như vậy, phải ăn, ngủ, làm việc đúng giờ. Đặc biệt tinh thần lúc nào cũng phải vô tư, tư tưởng luôn tốt và không bao giờ ngừng nghỉ trong lao động".

Ông Phùng Xuân Dũng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Đồng Thái, cho biết "ông Lự ăn được, làm được, vốn nổi tiếng không chỉ trong xã mà cả huyện Ba Vì. Nơi ông góp phần khai hoang bây giờ bà con trong vùng sống đông đúc, luôn nhìn theo tấm gương ông ấy để học tập".