Châu lục không dễ bị tổn thương
Theo DW, cuộc khủng hoảng toàn cầu mang tên virus Corona hiện cũng đang khiến cho các trung tâm thành thị lớn của châu Phi rơi vào trạng thái tê liệt. Đơn cử, tại Johannesburg, thủ đô kinh tế của Nam Phi, lực lượng quân đội đã được triển khai để giám sát việc thực hiện các quy định giới nghiêm. Trong khi đó, tại thủ đô Kampala không kém phần sôi động của Uganda, các khu chợ và cửa hàng hiện vẫn đóng cửa im lìm. Chỉ dăm ba chiếc boda boda (xe lai) thi thoảng chạy qua chạy lại trên các con phố. Những chiếc xe gắn máy này hiện không còn được phép chở khách, nhưng thay vào đó lại được trưng dụng để thực hiện dịch vụ giao hàng và chạy việc vặt trong mùa dịch. Cuộc sống cũng đang diễn ra chậm hơn tại các thành phố khác của lục địa đen. Nếu muốn bất kỳ trạng thái “bình thường” nào quay trở lại hiện hữu, thì nhất thiết đại dịch Covid-19 phải được kiềm chế càng sớm càng tốt.
Theo Ahmed Ogwell Ouma, Phó Giám đốc trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật châu Phi (CDC châu Phi), đây chính xác là điều mà một số quốc gia châu Phi có thể có được lợi thế. Vị chuyên gia trong lĩnh vực y tế không tiếc lời khen ngợi sự hành động nhanh chóng, kịp thời từ phía các chính phủ tại lục địa đen: “Đây là một bài học mà chúng tôi rút ra được trong cuộc khủng hoảng Ebola hồi năm 2014 tại châu Phi. Chúng tôi đã nhanh chóng can thiệp, bằng các phương tiện, kiến thức cùng các đối tác xã hội đã được kiểm chứng trong các cộng đồng…”. Trong một buổi thảo luận trực tuyến về chủ đề “Covid-19 - những bài học đầu tiên từ châu Phi” diễn ra gần đây, ông Ouma đã nhấn mạnh, điều này giúp góp phần giữ cho tỷ lệ nhiễm bệnh tại châu Phi đến nay vẫn ở mức thấp.
Dù rằng có những thành công bước đầu như vậy, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cảnh báo châu Phi có thể bị ảnh hưởng do Covid-19 nhiều hơn các khu vực khác trên thế giới. Song, khách quan nhìn nhận thì châu lục này không phải là một nạn nhân “không tấc sắc trong tay”, dễ bị tổn thương trước đại dịch như nhiều người vẫn lầm tưởng. Có chung quan điểm này là Robert Kappel - giáo sư danh dự tại Viện Nghiên cứu châu phi thuộc Đại học Leipzig: “Chúng tôi rút ra được một bài học. Thêm vào đó, theo nhận thức của chúng tôi về châu Phi, châu lục này không phải là lục địa của những đại dịch, những cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế. Châu Phi là một lục địa tự làm chủ tình hình trong lòng bàn tay, theo các cách rất khác biệt”.
Còn với Gavin Churchyard - Chủ tịch viện Aurum, một viện chuyên về chăm sóc y tế tại Nam Phi, việc giữ khoảng cách cùng với kiểm soát lây nhiễm, điều hết sức có tác dụng trong “thời Covid-19”, không còn là những khái niệm mới mẻ đối với cộng đồng dân cư châu Phi, mà nguyên nhân là xuất phát từ cuộc chiến trường kỳ chống lại căn bệnh lao phổi tại đây. Thậm chí, chỉ với đôi chút sửa đổi, những giáo cụ hiện có về bệnh lao và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đều có thể được trưng dụng trong cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay. Churchyard khẳng định: “Trái ngược với một số quốc gia công nghiệp hóa, các nước châu Phi đã lựa chọn các giải pháp hợp lý mang tính khoa học. Chúng tôi đã chứng kiến vai trò lãnh đạo nổi lên tại các quốc gia châu Phi, không hề giống với bất kỳ nơi nào khác”.
Nhìn ra cơ hội trong thách thức
Bàn về sự cam kết của địa phương với các công ty đổi mới sáng tạo quy mô nhỏ và vừa, giáo sư Kappel dành tặng những lời “có cánh”. Ông cho rằng, các doanh nghiệp này đã trở thành các chủ thể quan trọng trong quá trình sản xuất ra các sản phẩm y dược, chẳng hạn như khẩu trang, dung dịch diệt khuẩn… “Cũng cần phải học hỏi rất nhiều từ cách đặt lòng tin vào trí tuệ địa phương, điều luôn hiển hiện ở các quốc gia châu Phi”, Kappel nói. Và thực tế là, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ phần nào từ phía nhà nước, từ đó thôi thúc họ đóng góp một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thiết bị y tế cho người dân.
Cuộc chiến thắng lợi của châu Phi trước dịch Ebola và các căn bệnh truyền nhiễm khác cho thấy vấn đề không hẳn lúc nào cũng nằm ở chỗ nhận được nhiều viện trợ quốc tế hay những khoản tiền mặt khổng lồ. Dĩ nhiên, cũng không thể phủ nhận đó là những thứ thực sự cần thiết trong trường hợp số ca nhiễm gia tăng và cuộc khủng hoảng vượt khỏi tầm tay. Cho tới nay, có vẻ như trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng Covid-19, các cộng đồng địa phương, các tổ chức xã hội dân sự và người đứng đầu các làng mạc ở lục địa đen đã nỗ lực để hạn chế sự lây lan. Một lợi thế khác nữa, đó là virus “xâm nhập” châu Phi ở thời điểm khá trễ so với những nơi khác, khiến cho châu lục này có thêm thời gian để chuẩn bị ứng phó tốt hơn.
Việc châu Phi không hề là một lục địa vô vọng mới đây đã được nhấn mạnh trong 2 lá thư ngỏ của các học giả đến từ châu lục đen, trong đó có những tên tuổi được nhiều người biết đến như nhà văn, nhà soạn nhạc Senegal Felwine Sarr, nhà khoa học chính trị Cameroon Achille Mbembe và Wole Soyinka, người Nigeria, từng được trao giải Nobel Văn học. Trong những bức thư nói trên, họ yêu cầu châu Phi cần phải đưa ra “một phản ứng mang tính căn bản, mạnh mẽ và bền vững trước một mối đe dọa thực sự, vốn không nên bị khuếch đại hay giảm nhẹ mức độ, mà phải được giải quyết một cách hợp lý”. Họ kêu gọi các chính phủ hãy tận dụng tình thế hiện nay, để trở nên mạnh hơn, bước ra từ khủng hoảng. Để được vậy, có lẽ điều tiên quyết là các hệ thống y tế cần được “thay hình đổi dạng”, cần thúc đẩy công nghiệp chế biến đối với các nguyên liệu thô ngay tại địa phương, và nhất thiết phải đa dạng hóa nền kinh tế./.