(Baonghean.vn) - Ngày 5/12, sau 6 ngày thảo luận, các nhà đàm phán đã đạt được thành công bước đầu khi cùng nhau thông qua một bản dự thảo đầu tiên về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu.

1
Đại diện 195 quốc gia tiến hành đàm phán xây dựng một thỏa thuận chống biến đổi khí hậu tại Bourget, Paris. Ảnh Le Monde

Sau 1 tuần đàm phán khó khăn, các Bộ trưởng đại biểu cho 195 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thống nhất với nhau về một văn bản mà nó sẽ được xem như là cơ sở để thông qua một thỏa thuận cuối cùng về sự nóng lên toàn cầu dự kiến sẽ được ký kết vào ngày 11/12 tới tại Paris. Các nhà chuyên môn đánh giá, đây là thành công bước đầu của Hội nghị COP21 đang diễn ra tại Bourget, Paris.

Văn bản dự thảo dài 48 trang được chia làm 2 phần trong đó phần thứ 2 là phần quan trọng nhất bắt đầu từ trang 43 với tên gọi “đề xuất thỏa hiệp”. 5 trang văn bản này phản ánh các cuộc thảo luận của đại diện các nước và tập hợp nhiều đề xuất của họ cho mỗi chủ đề chính như giảm thiểu, thích nghi, tài chính… 

Tuy nhiên, văn bản dự thảo vẫn để mở nhiều lựa chọn chẳng hạn như mục tiêu dài hạn của thỏa thuận là giữ mức nhiệt độ không tăng quá 1,5 hoặc 2˚C… Ngoài ra, các nhà khoa học cho biết có những tác động không thể đảo ngược của quá trình biến đổi khí hậu như hạn hán, lũ lụt gia tăng, giảm sản lượng nông nghiệp, xói mòn bờ biển…

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cầm trên tay bản dự thảo đầu tiên về khí hậu được 195 các nước thành viên thông qua hôm 5/12. Ảnh Le Monde 

Và vào ngày 7/12 tới đây, các Bộ trưởng 195 quốc gia thành viên sẽ phải tiếp tục các vòng đàm phán do văn bản dự thảo vẫn chưa được hoàn tất cũng như các vấn đề chính trị lớn vẫn chưa được giải quyết.

Các tổ chức phi chính phủ đánh giá, quyết định thành công hay thất bại cho thỏa thuận Paris về khí hậu lúc này gói gọn trong 3 vấn đề then chốt: thứ nhất là kinh phí cho tinh thần đoàn kết vì môi trường, thứ hai là những thách thức cho việc bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất trước tác động của sự nóng lên toàn cầu và cuối cùng là ra soát các cam kết của các quốc gia trước năm 2020 - thời hạn thỏa thuận có hiệu lực nếu như hội nghị COP21 thành công.

Chu Thanh

 (Theo Le Monde, Le Parisien) 

TIN LIÊN QUAN