(Baonghean)- Báo Nghệ An nhận được đơn của ông Trần Xuân Quang (khối Vinh Phúc, phường Hưng Phúc, TP Vinh) tố cáo Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An lợi dụng độc quyền, ép khách hàng ký hợp đồng trái pháp luật để thu lợi bất chính,... Qua xác minh, sự việc ông Quang phản ánh là có cơ sở; các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ sự việc và có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Trong đơn, ông Quang trình bày: Năm 2007, ông và nhiều hộ dân khác ở tổ dân cư Cửa hàng thực phẩm kênh Bắc có hợp đồng sử dụng nước với Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An (gọi tắt là công ty). Đến năm 2014, công ty liên tục gửi giấy mời yêu cầu các hộ dân nộp tiền mua đồng hồ mới thay cho đồng hồ cũ đã quá niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, gia đình ông nhiều lần phản đối và không thực hiện theo yêu cầu của công ty.
Đêm 11/10/2015, đồng hồ nước của gia đình ông tự dưng bốc cháy. Mấy ngày sau, cán bộ của công ty đến lập biên bản sự việc và tiếp tục yêu cầu gia đình ông phải nộp tiền mua đồng hồ nhưng gia đình ông vẫn phản đối. Ngày 19/10, gia đình ông Quang nhận được thông báo của công ty sẽ ngừng cấp nước và đến ngày 21/10 công ty cắt nước của gia đình. Vì không có nước sinh hoạt nên gia đình ông Quang chấp nhận đóng tiền mua đồng hồ mới theo yêu cầu của công ty.
Điều ông Quang bức xúc là đồng hồ nước của gia đình vẫn hoạt động bình thường, phía công ty nói đồng hồ hết hạn sử dụng nhưng không đưa đồng hồ đi kiểm định chất lượng mà liên tiếp yêu cầu gia đình mua đồng hồ mới. Ông Quang cho rằng, theo quy định trong giá nước đã được tính đầy đủ các yếu tố sản xuất, chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất và phân phối nước sạch, bao gồm cả chi phí duy trì đấu nối. Vì vậy, việc công ty cấp nước bắt gia đình phải trả tiền để thay đồng hồ mới là không đúng quy định. “Công ty lợi dụng độc quyền trong kinh doanh nước để ép người dân. Gia đình phản đối thì công ty liên tiếp dùng sức ép mà đỉnh điểm là cắt nước của gia đình. Hơn nữa, trong hợp đồng mua bán nước, công ty yêu cầu khách hàng quản lý bảo vệ đồng hồ được lắp đặt ngoài phạm vi quản lý của gia đình là không đúng”, ông Quang bức xúc.
Việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ và Nghị định 124/NĐ-CP ngày 28/2/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 117. Theo đó, tại Khoản 3, Điều 42, Nghị định 117 quy định: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với khách hàng sử dụng nước, bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ do khách hàng sử dụng chi trả sau khi đã có thỏa thuận với đơn vị cấp nước. Cũng tại Khoản 1, Điều 49, Nghị định 117 quy định: Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư và lắp đặt toàn bộ các thiết bị đo đếm và thiết bị phụ trợ khác, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. |
Từ nội dung ông Quang cung cấp, tìm hiểu được biết, trên địa bàn khối có nhiều hộ khác phải đóng tiền để được mua đấu nối đường ống mua nước của công ty.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, tổ trưởng tổ dân cư số 2 (khối Vinh Phúc, phường Hưng Phúc), việc các hộ dân đóng tiền để được công ty bắt nước vào năm 2004 chứ không phải năm 2007 vì ông là một trong 10 gia đình đó. Về số tiền đóng bao nhiêu và có hợp đồng với nhà máy nước hay không thì vì đã lâu nên ông không nhớ. Qua trao đổi, gia đình ông Minh cũng vừa được công ty thay đồng hồ nước và ông phải đóng gần 500.000 đồng nhưng không có phiếu thu.
Điều ông Minh bức xúc là nhiều lần, các xe tải chạy ngoài đường làm hư hỏng các đồng hồ. Khi người dân báo cho công ty thì công ty yêu cầu người dân phải bỏ tiền ra để mua vật tư, thuê nhân công về khắc phục. “Không ai đồng tình nhưng cuối cùng vẫn phải bỏ tiền ra. Bởi nếu không sửa thì không có nước dùng, dân không chịu được”, ông Minh nói.
Không chỉ gia đình ông Quang, ông Minh mà nhiều gia đình khác trong khu vực khi công ty thay đồng hồ nước đều phải đóng tiền. Số tiền đóng không giống nhau, hộ thì có phiếu thu, hộ thì không. Ông Nguyễn Hồng Minh, số nhà 161, đường Hercman cho biết, công ty gửi giấy mời gia đình lên làm thủ tục để thay mới đồng hồ thì gia đình không đi. “Bản thân tôi cùng với ông Quang đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng họ vẫn một mực thu bằng được. Khoảng đầu tháng 10/2015, họ kiểm tra đồng hồ gia đình tôi và thông báo đã bị mất kẹp chì nên phải thay mới đồng hồ, nếu không sẽ ngưng cấp nước. Gia đình phải chấp nhận nộp tiền 470.000 đồng để thay đồng hồ mới. Khi nộp tiền, tôi yêu cầu được lấy phiếu thu nhưng bên bộ phận kế toán công ty không đưa cho tôi”, ông Minh cho biết.
Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Quang Duyên - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước Nghệ An thừa nhận có sự việc thu tiền thay đồng hồ của ông Quang cũng như nhiều gia đình khác. Điều đó không đúng theo quy định của Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về việc sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Hiện trong giá nước mới chỉ đưa vào được một số chi phí rất nhỏ trong duy trì, đấu nối nên rất khó thực hiện theo Nghị định 117. Công ty mong muốn khách hàng chia sẻ khó khăn với công ty để 2 bên cùng thực hiện tốt hơn vấn đề sản xuất, cung cấp nước sạch”.
Liên quan đến phản ánh của ông Quang, trong hợp đồng dịch vụ cấp nước giữa công ty và khách hàng có một điều khoản bất hợp lý. Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 11, hợp đồng có viết: Bên B (khách hàng - PV) có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đồng hồ đo nước đã được lắp đặt. Khi đồng hồ bị hư hỏng, mất mát thì bên B phải chịu chi phí sửa chữa hoặc mua đồng hồ mới thay thế (trừ trường hợp hư hỏng mà nguyên nhân là do lỗi nhà sản xuất và đang trong thời gian bảo hành 6 tháng kể từ ngày lắp đặt, đưa vào sử dụng).
Theo ông Quang, hiện vị trí lắp đặt đã được công ty dời ra phía ngoài hàng rào của gia đình, nên gia đình không thể quản lý 24/24 giờ được. Chiếu theo Khoản 4, Điều 49 của Nghị định 117 quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch của Chính phủ, khách hàng chỉ có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước trong khu vực quản lý của mình; ngoài khu vực quản lý của khách hàng thì đơn vị cấp nước phải có trách nhiệm quản lý. Khi phóng viên chất vấn nội dung này, thì ông Nguyễn Quang Duyên không giải thích được và trả lời vòng vo, tiếp tục đổ lỗi cho khách hàng.
Về nội dung ông Quang tố cáo công ty lợi dụng độc quyền để ép khách hàng, nghi ngờ việc công ty cố tình phá hoại đồng hồ của khách hàng thì chưa có cơ sở để khẳng định. Tuy nhiên, qua nắm bắt thông tin thấy rằng, việc công ty liên tiếp gửi các giấy mời người dân đến công ty làm thủ tục mua đồng hồ mới để thay thế, nếu không công ty sẽ tạm ngừng cấp nước là thể hiện sự thiếu tôn trọng khách hàng. Vì việc thay đồng hồ là trách nhiệm của công ty và cũng không thể vì khách hàng không đến mà “dọa” sẽ ngừng cấp nước cho khách hàng.
Về vấn đề này, ông Duyên cho biết sẽ cho kiểm tra lại những phản ánh của khách hàng về thái độ của cán bộ, đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm. Trong thời gian tới, công ty sẽ nhắc nhở cán bộ khi đi tiếp xúc với khách hàng phải nâng cao trách nhiệm phục vụ, giải thích rõ để khách hàng hiểu và đồng thuận với công ty để đảm bảo hoạt động cung cấp nước có hiệu quả, người dân được sử dụng nguồn nước sạch, đảm bảo văn minh đô thị, đồng thời, công ty cũng có doanh thu để tái đầu tư, kinh doanh.
Như vậy, những nội dung phản ánh của ông Quang đa phần là đúng. Việc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An trả lời như trên là thiếu thuyết phục. Vì theo tìm hiểu, không chỉ ông Quang mà còn rất nhiều hộ gia đình trong 100.000 khách hàng của công ty phải bỏ tiền mua đồng hồ, điều này trái với Nghị định 117, Nghị định 124 của Chính phủ. Vì vậy, các cấp, ngành cần vào cuộc làm rõ sự việc để sớm có biện pháp giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng và chính cả của công ty.
* Ông Nguyễn Quang Duyên, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An cho biết.“Hiện công ty đang trình UBND tỉnh biểu giá nước sạch mới. Công ty đề xuất tính tất cả chi phí duy trì đấu nối vào giá nước. Nếu tỉnh đồng ý thì khi đó, giá nước sạch sẽ tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty hoạt động, đảm bảo hoạt động cấp nước cho khách hàng. Còn nếu tỉnh không đồng ý thì công ty sẽ không thể thực hiện được nội dung trên theo Nghị định 117”. * Sau khi nhận được đơn tố cáo của ông Trần Xuân Quang, Sở Công thương đã có phiếu chuyển đơn cho Sở Xây dựng. Liên quan đến nội dung ông Quang phản ánh, khoản 3, điều 11 hợp đồng dịch vụ cấp nước trái quy định, Sở Công thương trả lời sẽ xem xét và yêu cầu Công ty TNHH MTV cấp nước Nghệ An sửa đổi và làm thủ tục đăng ký lại hợp đồng mẫu theo quy định. |
Phạm Bằng