(Baonghean) - Sau gần 2 năm đi vào hoạt động sản xuất, chế biến tinh bột sắn xuất khẩu, Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn đã tạo điểm nhấn mới trong thu hút đầu tư vùng miền Tây Nghệ An. 

 Hiệu quả cây sắn ở miền Tây

Năm 2016, chị Hà Thị Lam ở bản Bắc Sơn, xã Môn Sơn (Con Cuông) trồng 7 sào sắn trên đất tận dụng trồng keo và cho hiệu quả, nên chị Lam tiếp tục mở rộng diện tích sắn trên các đồi keo còn lại. Chị Lam cho biết: Đến giai đoạn thu hoạch, sắn cho năng suất 1,2 tấn/sào (25 - 30 tấn/ha), vận chuyển qua Khe Lùng là có xe nhà máy thu mua hết sản phẩm; giá sắn được nhà máy mua theo cam kết hợp đồng 130.000 đồng/tạ, nhà tôi thu về 2 triệu đồng/sào, sau khi trừ chi phí lãi ròng 12 triệu đồng/năm trên đất tận dụng trồng keo. Theo tính toán của chị Lam, nếu trồng sắn xen keo trong những năm đầu có thể giúp gia tăng thu nhập lên gấp 2 - 3 lần so với trước.

Vùng nguyên liệu sắn của Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn.
Vùng nguyên liệu sắn của Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn. Ảnh: Lương Mai

Môn Sơn là xã vùng miền núi khó khăn của huyện Con Cuông, dân số đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lương Viết Tùng - Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, cho biết: “Năm 2016, xã phối hợp với Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn phối hợp rà soát quỹ đất kém hiệu quả như hoang hóa, trồng keo năm một và đất lâu nay trồng 1 vụ ngô để chuyển sang trồng sắn nguyên liệu cho công ty. Sắn là cây dễ trồng, đào hố, làm cỏ một lần, chi phí đầu tư thấp, giá mua được cam kết theo hợp đồng. Nhờ vậy, trong năm đầu tiên trồng sắn, bà con đã phát triển trên 30 ha. Đặc biệt, mô hình trồng 4 ha sắn của hộ anh Vi Văn Tuấn - bản Xiềng trồng giống sắn mới KM94, năng suất đạt 30-35 tấn/ha, độ bột có hàm lượng trên 27%, có khả năng thích nghi với nhiều loại đất nên bà con rất phấn khởi”.

Ông Ngân Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Mậu Đức cho biết: “Nhờ có nhà máy thu mua nguyên liệu, hiện nay bà con đã phát triển 170 ha sắn, tập trung chủ yếu ở Nà Đưới, Kẻ Nóc, Kẻ Sùng, năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha. Giá sắn được công ty thu mua cho bà con theo giá thị trường, từ 80.000 - 100.000 đồng/tạ (chưa kể tăng bo và tạp chất). Đa phần sản phẩm thu hoạch đều được công ty thu mua hết và vận chuyển về nhà máy, không có tình trạng sắn tồn ế hoặc bị ép giá”.

Tại huyện Anh Sơn, cây sắn nguyên liệu được trồng trên 720 ha, chủ yếu trên các chân đất hoang hóa, trồng 1 vụ mía, ngô không có năng suất hoặc đất tận dụng trồng keo trên địa bàn các xã Thành Sơn, Bình Sơn, Thọ Sơn, Hoa Sơn, Hội Sơn và Phúc Sơn. Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết: “Cây sắn được công ty phối hợp bài bản với các xã để trồng đúng quy hoạch. Những địa phương ký hợp đồng với công ty được đảm bảo giá thu mua ổn định. Còn lại thì mức giá thu mua được điều chỉnh và biến động theo từng vùng đất, từng khu vực trồng gắn liền điều kiện sống của người dân vùng nguyên liệu”. 

Mô hình trồng sắn giống KM94 tại bản Xiềng, xã Môn Sơn (Con Cuông) cho thu nhập 30-35 tấn/ha. Ảnh: Lương Mai

Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn đã quy hoạch vùng sắn nguyên liệu đạt trên 2.750 ha/3.350 ha theo quy hoạch, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Anh Sơn, Con Cuông (Tương Dương và Kỳ Sơn đang trên đà quy hoạch). Nhờ phát triển tốt vùng nguyên liệu, đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại, năm 2016, công ty tiêu thụ đạt trên 110.000 tấn sắn củ tươi, công suất đạt 570 tấn củ/ngày (tương đương 150 tấn tinh bột/ngày), sản xuất đạt 30.000 tấn tinh bột xuất khẩu, đạt doanh thu trên 200 tỷ đồng, nộp ngân sách 15 tỷ đồng. Nhà máy tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn với mức lương bình quân 5,5 triệu đồng/người/năm. 

Khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu

Với hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn đang nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu 35.000 tấn tinh bột sắn xuất khẩu mỗi năm sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. 

Chính sách và hình thức đầu tư vùng nguyên liệu sắn của Công ty bắt đầu từ vụ sản xuất 2016 - 2017 có nhiều điểm mới và rõ nét. Ông Nguyễn Văn Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn, cho biết: “Các đối tượng được đầu tư trong vùng quy hoạch là gia đình có diện tích từ 1 ha trở lên, liền khoảnh; tập thể thôn, xóm có diện tích từ 5 ha trở lên. Ngoài vùng quy hoạch là những gia đình có diện tích từ 2ha trở lên; tập thể thôn, xóm có diện tích từ 7 ha trở lên. Công ty đầu tư theo yêu cầu của hộ gia đình hoặc tập thể nhóm bao gồm: Phân N-P-K: 6-4-8, cây giống, hợp tác đầu tư 20 ha trở lên liền khoảnh đầu tư toàn bộ, sau khi thu hoạch trừ các chi phí đầu tư, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ 6:4. Định mức đầu tư phân là 800kg/ha, giống sắn KM94 là 100 bó/ha. Tập thể, gia đình vi phạm buộc phải bồi hoàn kinh phí đầu tư cộng thêm lãi suất 1.5%/tháng theo thời gian nhận đầu tư. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ chi phí thu mua 50.000 đồng/tấn, chi phí bốc sắn lên xe 50.000 đồng/tấn. Đối với các hợp đồng nhận đầu tư của nhà máy, chi phí tổ chức thu mua 100.000 đồng/tấn, chi phí bốc sắn lên xe 50.000 đồng/tấn. Công ty nghiêm cấm các đại lý tự ý giảm giá thu mua sắn tại ruộng khi chưa có ý kiến của Tổng Giám đốc. Đối với các đối tượng bán trực tiếp và có ký hợp đồng bao tiêu với công ty sẽ được thanh toán trực tiếp sau khi giao hàng theo giá ban hành tại nhà máy”. Tháng 2/2017, Công ty đã ban hành Quyết định số 06/TB-TBS cam kết giá sắn thu mua cho bà con theo hợp đồng tại ruộng. 

Ông Nguyễn Đình Đăng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Anh Sơn, nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính bền vững cho cây sắn, nhà máy, huyện và các xã cần phối hợp tính toán để đi đến quy hoạch rõ ràng các vùng đất luân canh theo hướng có lợi (sắn, mía), không nên duy trì quy hoạch theo phương thức quảng canh. Làm được như thế vừa giải quyết được vấn đề thâm canh, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn, vừa đảm bảo diện tích, chăm bón của người dân và không ảnh hưởng đến chất đất”.

Mai Sơn

TIN LIÊN QUAN