Thiếu nhân lực thu hoạch mía
Trong giai đoạn giá mía đang xuống thấp, cùng đó là mức thuê nhân công thu hoạch mía ngày càng cao, khiến người trồng mía phải tăng chi phí đầu tư, lời lãi từ cây mía vì thế không còn được bao. Thực trạng đó xảy ra từ nhiều năm nay nhưng chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Văn Tuất, nông dân xóm Mai Tân, xã Nghĩa Hoàn (Tân Kỳ) là hộ trồng mía nguyên liệu nhiều nhất huyện, với trên 21 ha. Ông Tuất chia sẻ: Trồng và chăm sóc, thu hoạch mía cần khá nhiều lao động, đặc biệt là vào vụ thu hoạch phải cần hàng chục người chặt, bó, khuân vác mía lên thùng xe ô tô… Nếu không thuê mượn thì gia đình không thể đủ sức làm, vì đặc thù của cây mía là trọng lượng nặng, cần những người có sức khỏe.
Do vậy, cứ vào vụ thu hoạch mía, gia đình phải thuê hàng chục lao động có sức khỏe để thu hoạch kịp tiến độ. Tuy nhiên có thời điểm không tìm ra người để thuê mượn, vì lực lượng lao động phổ thông ở địa phương không nhiều, phần lớn là trung niên trở lên, bởi thanh niên đi làm ăn xa. Vì thế tiền công thuê cũng khá cao, từ 230.000 - 240.000 đồng/tấn, chưa kể nuôi cơm. Chính vì phải thuê mượn nhân công nhiều nên hàng năm gia đình ông Tuất phải trả một khoản tiền khá lớn, khiến tiền lãi sau khi thu hoạch mía không nhiều.
Thực trạng thiếu lực lượng thu hoạch mía không riêng với gia đình ông Nguyễn Văn Tuất, mà phổ biến trên địa bàn huyện Tân Kỳ trong nhiều năm qua, khiến tiến độ thu hoạch mía bị chậm. Anh Lê Văn Quý, cán bộ nông vụ của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con cho hay, có những gia đình nhận được lệnh thu hoạch mía của nhà máy, nhưng do không thuê được nhân công nên phải chờ đến ngày hôm sau.
Người trồng mía ở Tân Kỳ lo lắng, đến thời điểm thu hoạch mía, nhà ai cũng phải thu hoạch mía nên nhu cầu sử dụng lao động phổ thông nhiều, có khi tìm mỏi mắt cũng không thuê được công lao động, mà có thuê được thì giá cũng rất đắt (trên 200.000 đồng/tấn). Nếu không thu hoạch kịp thời sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chữ đường.
Để giải quyết bài toán về nhân công, không có cách nào khác là phải áp dụng cơ giới hóa, nhằm đảm bảo 2 yếu tố quan trọng nhất, đó là giảm chi phí cho người trồng mía và đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía cho bà con. Việc này đã được phía nhà máy nghĩ đến từ lâu, song do chi phí đầu tư máy quá cao nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, vụ ép tới đây Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con sẽ thí điểm đưa cơ giới vào thu hoạch mía, bằng cách hợp đồng máy.
Thí điểm thu hoạch mía bằng cơ giới
Vùng nguyên liệu mía của Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con có gần 7.000 ha, trong đó trên địa bàn huyện Tân Kỳ gần 5.000 ha. Hiện nay cây mía đang giai đoạn phát triển chiều cao, dự kiến còn khoảng 2 tháng nữa là đến vụ ép 2019 - 2020.
Ông Nguyễn Bá Quý - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sông Con cho biết: Trong bối cảnh nguồn lao động thu hoạch mía tại Tân Kỳ đang bị thiếu nghiêm trọng thì việc áp dụng cơ giới hóa đưa máy móc vào thu hoạch mía là lời giải cho bài toán về vấn đề này. Vì vậy, vụ ép tới đây công ty sẽ hợp đồng đưa 1 máy thu hoạch về thí điểm hoạt động trên vùng nguyên liệu của huyện Tân Kỳ. Theo đó, công suất máy đạt 200 - 250 tấn/ngày, năng suất gấp hàng trăm công lao động phổ thông, 1 tấn mía thu hoạch bằng máy cơ giới, người trồng mía chỉ trả 170.000 đồng, giảm nhiều so với thu hoạch thủ công. Thu hoạch máy, con người không phải đổ sức như trước. Cây mía được tự động cuốn vào máy, phay ngắn, thổi sạch lá, mía được tải lên thùng xe ô tô, chở về nhà máy.
Chuẩn bị cho vụ thu hoạch mía tới, Công ty sẽ trích hơn 1 tỷ đồng để sửa chữa một số tuyến đường trong vùng nguyên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho xe cơ giới vận chuyển mía từ ruộng về nhà máy.
Tuy nhiên, thu hoạch bằng cơ giới chỉ áp dụng được đối với những ruộng mía khá phẳng, rộng, được trồng và chăm sóc bằng máy. Do vậy, để cơ giới hóa trong thu hoạch mía, các địa phương cần đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa để tạo ra những cánh đồng mía rộng lớn, áp dụng việc trồng mía theo hàng đôi thì càng tốt.
Trong vài năm gần đây, cùng với sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nhà máy đường đã vận động nông dân trồng mía dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng cánh đồng mía lớn, áp dụng đồng bộ các khâu trồng và chăm sóc mía, áp dụng cơ giới trong các khâu làm đất, trồng mía và tiến tới áp dụng thu hoạch mía bằng máy, nhằm hạ giá thành sản xuất, tăng thu nhập. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã xây dựng được một số cánh đồng mía tập trung ở Giai Xuân, Tân Xuân, Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng… mỗi cánh đồng có diện tích 50 ha trở lên.