(Baonghean) - Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của ngành mía đường, Nhà máy đường Sông Con (Công ty CP Mía đường Sông Con) duy trì phát triển và khẳng định được tinh thần hội nhập, đó là nhờ đơn vị luôn chăm lo vùng nguyên liệu, không ngừng đầu tư đổi mới, ứng dụng công nghệ, thiết bị nhà xưởng để ép mía kịp thời vụ, có chính sách đầu tư tốt.

Xây dựng vùng nguyên liệu sạch

Điều kiện quan trọng để phát triển bền vững đối với doanh nghiệp mía đường đó là thị trường và nguyên liệu. Để tạo điều kiện cho đơn vị phát triển bền vững, thấy rõ được chính người nông dân mới là người làm ra hạt đường, những năm qua, lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sông Con không ngừng chăm lo, đầu tư cho vùng nguyên liệu để đảm bảo phát huy công suất nhà máy và việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nông dân với việc vận động nông dân trồng mía, cho vay tiền mua gạo, hỗ trợ dân lúc khó khăn, đầu tư, ứng trước...

Từ chỗ chỉ có hơn 2.000 ha mía vào thập niên trước, hiện nay diện tích nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Con đã lên đến 7.000 ha và đang phấn đấu đạt trên 10.000 ha vào năm 2020. Nhà máy hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt nâng công suất lên 5.000 tấn mía/ngày. 

images1787849_bna_5865dc7b7dafc.jpgGiống mía Thái Lan đạt năng suất 100 tấn/ha ở xã Tân Xuân (Tân Kỳ).

Dịch bệnh chồi cỏ mía một thời làm điêu đứng vùng mía nguyên liệu ở các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Trong bối cảnh đó, vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Sông Con nhờ mạnh dạn thực hiện nhiều biện pháp một cách kịp thời, nên diện tích bị chồi cỏ ở huyện Tân Kỳ đã được khống chế. Nhà máy đã thay thế mía lưu gốc bằng những giống mía mới năng suất cao như mía Thái Lan, các giống mía sạch bệnh khác, tạo nên vùng nguyên liệu 7.000 ha mía khỏe mạnh. Vùng mía nguyên liệu của công ty từ chỉ có ở Tân Kỳ, nay đã đầu tư phát triển sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương và huyện Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh. 

Tại Tân Kỳ, mía nguyên liệu được người dân chăm sóc cẩn thận, tích cực phun thuốc chống rầy, làm đất kỹ. Có những xã diện tích mía đạt 80% như Nghĩa Đồng, Giai Xuân, Tân Xuân, Đồng Văn... Trong đó tại một số xã, đặc biệt là đồng bào Thổ đã đầu tư trồng giống mía Thái Lan đạt năng suất 100 tấn/ha.

Có thể khẳng định, kết quả ổn định về nguyên liệu của nhà máy ngoài nỗ lực của đơn vị, còn là sự quan tâm sát sao, chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã giao nhiệm vụ cho huyện Tân Kỳ cùng chăm lo đầu tư nguyên liệu cho nhà máy. Lãnh đạo Công ty CP Mía đường Sông Con cũng như đội ngũ nông vụ, khuyến nông các cấp ở địa phương đã dành thời gian chăm lo, tập huấn quy trình chăm sóc, trồng mới các giống mía, ứng dụng công nghệ thâm canh tăng năng suất cho mía...

Hỗ trợ cho vay hàng trăm triệu đồng/hộ trồng mía

Năm nay, người trồng mía ở Tân Kỳ có được niềm vui đó là phía nhà máy có cơ chế đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có lợi cho người trồng mía. Giá thu mua tối thiểu đối với mía nguyên liệu có độ đường từ 100 CCS trở lên (tại ruộng) là 860.000 đồng/tấn, cao hơn năm trước 60.000 đồng/tấn. Công ty cam kết mua hết sản lượng mía của các hộ đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản. 

Vận chuyển mía về nhà máy.

Chính sách hỗ trợ đầu tư cho người trồng mía cũng cao hơn. Nông dân được vay vốn mua máy canh tác mía hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian 24 tháng cho những hộ đủ điều kiện vay vốn để mua máy làm đất và trồng mía. Mức cho vay tối đa 100 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 5 ha; 50 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; thời hạn trả nợ tối đa 24 tháng kể từ ngày chuyển tiền.

Công ty cũng cho vay vốn mua máy chăm sóc và máy phun thuốc sâu cho mía; mức cho vay tối đa 10 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; 5 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 1 ha; 1 triệu đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 2.500m2.

Về hỗ trợ trồng mía trên diện tích đất tập trung, liền thửa từ 50 ha trở lên, ngoài việc hưởng đầy đủ các cơ chế trồng mới nêu trên, hộ trồng mía còn được một khoản hỗ trợ bằng tiền mặt 4 triệu đồng/ha; hỗ trợ 6 tấn bùn mía đã qua xử lý và bổ sung vi sinh vật cho mỗi ha trồng mới...

Để tăng năng suất mía, công ty thực hiện thí điểm áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía để tăng năng suất lao động, giảm nhẹ sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía; đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây mía đạt 40 ha và tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Đưa mía vào ép ở nhà máy đường Sông Con

Công ty còn xây dựng trại giống mía để nhân giống mía cung cấp cho vùng nguyên liệu thay thế bộ giống cũ đã thoái hoá; hiện đang nhân ở trại giống 14 loại giống và tiến hành đánh giá lựa chọn các loại giống thích hợp để nhân rộng trên địa bàn.

Vụ ép năm 2015 - 2016, Nhà máy đường Sông Con đưa mía vào ép đạt 349.791 tấn, 35.535,25 tấn đường.

Ông Lê Đình Hoan - Giám đốc Công ty CP Mía đường Sông Con cho biết: “Xác định những khó khăn phía trước đối với ngành mía đường, công ty đã chủ động ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động của nhà máy, đầu tư giống mía mới, “3 cùng” với nông dân; xây dựng trung tâm sản xuất giống để du nhập các loại giống mía mới có năng suất chất lượng cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, dần thay thế các bộ giống cũ kém hiệu quả; tiếp tục đầu tư cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía, đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt công nghệ Israel...”.

Công ty ngày càng quan tâm đúng mức tới đời sống và tinh thần người lao động: Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng lao động, đảm bảo thu nhập người lao động bình quân hơn 64 triệu đồng/người/năm. Công ty trích một phần lợi nhuận với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ một phần cho cuộc sống của người lao động trong nhà máy, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Cùng với đó là đảm bảo chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; tổ chức học tập nâng cao nghiệp vụ, thi nâng bậc đúng thời hạn; tổ chức hoạt động thể thao, văn nghệ…

Trân Châu

TIN LIÊN QUAN