(Baonghean) - Lên Tân Kỳ mùa này, mía non vẫn phát triển khá tốt dù thời tiết đại hạn. Năm qua, giá mía tăng cao, chính sách đầu tư trồng mía cho nông dân được quan tâm nên người dân phấn khởi.
Luôn “3 cùng” với nông dân, những năm qua, Công ty CP Mía đường Sông Con không ngừng chăm lo, đầu tư cho vùng nguyên liệu để đảm bảo công suất nhà máy, đảm bảo việc làm cho người lao động và tăng thu nhập cho nông dân. Cán bộ nông vụ bám dân, trực 24/24h vận động, hướng dẫn nông dân trồng mía đúng kỹ thuật, bám thời vụ, hỗ trợ nông dân lúc khó khăn, tạo điều kiện cho người dân ứng trước tiền... Bởi vậy, từ chỗ chỉ có hơn 2.000 ha mía ban đầu, đến nay Công ty CP Mía đường Sông Con đã có 7.000 ha mía và là nhà máy đường có vùng nguyên liệu lớn thứ 2 của Nghệ An, sau Nhà máy đường Nghệ An.
Nhà máy hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt nâng công suất 5.000 tấn mía/ngày. Vụ ép năm 2016 - 2017, nhờ ép nhanh, nghỉ sớm trước 1 tháng nên đã tạo điều kiện cho mía lên xanh sớm, thuận lợi cho nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Anh Nguyễn Trọng Trường - cán bộ nông vụ Nhà máy đường Sông Con cho biết: Chúng tôi bám đồng, bám dân, ngày nào cán bộ nông vụ cũng cùng nông dân kiểm tra mía, bổ cứu, phát hiện mầm bệnh khi vừa xuất hiện để kịp thời phòng trừ.
Hiện nhà máy có 3 cánh đồng mẫu mía ứng dụng công nghệ kỹ thuật thâm canh ở các xã: Giai Xuân, Tân Xuân, Nghĩa Đồng. Xác định cây mía là thu nhập chính, có những xã diện tích mía đạt 80% nên người dân đầu tư công sức, kinh phí, áp dụng KHKT vào chăm sóc mía đạt năng suất cao. Mía được thay bằng các giống mới như mía Thái Lan và các giống mía sạch bệnh khác, tạo nên một vùng nguyên liệu rộng lớn với 7000 ha mía khỏe mạnh. Vùng mía nguyên liệu của công ty được mở rộng sang các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương và Hương Sơn (Hà Tĩnh).
Năm nay, giá thu mua tối thiểu đối với mía nguyên liệu có độ đường từ 100 CCS trở lên (tại ruộng) là 860.000 đồng/tấn, cao hơn năm 2016 là 60.000 đồng/tấn. Cuối vụ năm 2016, Công ty đã mua mía giá cam kết hết sản lượng mía của các hộ đã ký hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Mặt khác, chính sách hỗ trợ đầu tư cho người trồng mía cao hơn: Hỗ trợ 100% lãi suất trong thời gian 24 tháng cho những hộ trồng mía đủ điều kiện vay vốn để mua máy làm đất và trồng mía. Mức cho vay tối đa 100.000.000 đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 5 ha; 50.000.000 đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha. Thời hạn trả nợ: Tối đa 24 tháng kể từ ngày chuyển tiền. Nhà máy cũng cho vay vốn mua máy chăm sóc và máy phun thuốc sâu. Mức cho vay tối đa 10.000.000 đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 3 ha; 5.000.000 đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 1 ha; 1.000.000 đồng/hộ đối với những hộ có diện tích mía trên 2.500m2. Hỗ trợ trồng mía trên diện tích đất tập trung, liền thửa từ 50 ha trở lên, ngoài việc hưởng đầy đủ các cơ chế trồng mới nêu trên, hộ trồng mía còn được một khoản hỗ trợ bằng tiền mặt 4.000.000 đồng/ha. Hỗ trợ 6 tấn bùn mía đã qua xử lý và bổ sung vi sinh vật cho mỗi ha trồng mới...
Để tăng năng suất mía, công ty thực hiện thí điểm áp dụng cơ giới hóa trong các khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch mía để tăng năng suất lao động, giảm nhẹ sức lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng mía. Đầu tư mô hình tưới nước nhỏ giọt cho cây mía đạt 40 ha và tiếp tục nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Công ty còn xây dựng trại giống mía để nhân giống mía cung cấp cho vùng nguyên liệu. Hiện đang nhân ở trại giống 14 loại giống và tiến hành đánh giá lựa chọn các loại giống thích hợp để nhân rộng trên địa bàn.
Bên cạnh việc đầu tư thiết bị, mở rộng sản xuất, Công ty ngày càng quan tâm đúng mức tới đời sống và tinh thần người lao động: Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng lao động, thu nhập người lao động bình quân 64.627.660 đồng/người/năm.
Công ty trích một phần lợi nhuận để cho người lao động Nhà máy đường với số tiền 2.601.043.000 đồng nhằm đào tạo, hỗ trợ lao động có tay nghề cao, khám sức khỏe định kỳ; khen thưởng sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh phong trào thi đua lao động trong đơn vị.
Trân Châu