Trước đây, chỉ riêng tiền công cày và tiền thuê nhân công, tiền thuê tróc hàng để trồng 6 sào mía, gia đình chị Trương Thị Oanh ở xóm Vạn Long, xã Giai Xuân (Tân Kỳ) phải tốn 1,6 triệu đồng thuê 6 - 8 công nhân làm trong 1 ngày. Còn hiện nay gia đình chị sử dụng máy móc vào cày bừa, trồng, bón phân, tổng chi phí khoảng 1 triệu đồng, máy làm trong 2 giờ đồng hồ là xong tất cả các công đoạn trên phần ruộng của gia đình.
Theo chị Trương Thị Oanh, lợi ích từ khi đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây mía giúp đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo cây trồng phát triển tốt. Máy cày với độ sâu để trồng từ 25 - 35cm, tầng canh tác đất được dày hơn, tạo sự thông thoáng giúp cho rễ mía phát triển tốt, hấp thu nhiều dinh dưỡng nuôi cây, đồng thời nước thấm sâu, giảm sự rửa trôi trên bề mặt đất khi mưa lớn. Khi mía được trồng bằng máy sẽ làm giảm giá thành trồng mía so với trồng thủ công hơn 1 triệu đồng/ha..
"Trồng máy mía mọc nhanh, tỷ lệ mọc trên 95%. Ruộng lại thông thoáng, dễ chăm sóc, bón phân, dễ kiểm soát sâu bệnh. Hơn nữa, trồng máy đúng quy trình sau này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng máy móc vào khâu chăm sóc, bón phân cho cây trồng" - chị Oanh chia sẻ.
Trên khắp cánh đồng mía của huyện Tân Kỳ các máy cày 3 chảo, 7 chảo, máy trồng, chăm sóc mía đang thay con người làm tất cả các công đoạn, giúp nông dân giảm được rất nhiều chi phí, công sức; năng suất mía đạt cao từ 90 - 100 tấn/ha... Hiện bà con đang phấn đấu khép kín gần 2.000 ha mía vụ xuân 2019 bằng máy móc.
Ông Nguyễn Sỹ Hải - Trưởng Ban phát triển nguyên liệu Công ty CP mía đường Sông Con cho biết: Hiện tại mía đường đang gặp nhiều khó khăn do giá xuống thấp, ở Tân Kỳ cũng chung cảnh như vậy nên phải tiết giảm chi phí sản suất, đầu tư thâm canh thì mới có lãi. Để người nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, Công ty đã triển khai các chính sách hỗ trợ đồng loạt cho các hộ trồng có nhu cầu đưa cơ giới hóa vào trồng, làm đất với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Công ty còn giúp bà con tuyển chọn giống mía mới, năng suất vào trồng; hỗ trợ máy cày 3 chảo là 2,4 triệu đồng/ha. Mía gốc sau khi thu hoạch cần chăm sóc bằng máy và sử dụng phân bón của công ty được hỗ trợ 1 tấn phân bón, tương đương với 1,8 triệu đồng/ha...
Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ có 57 máy trồng mía đa chức năng công suất lớn được đưa vào để cày bừa ải đất, lên hàng, trồng và chăm sóc cây mía nguyên liệu. Số lượng máy này là do người dân và Công ty CP mía đường Sông Con đầu tư mua. Chiếc máy trồng mía 1 ngày trồng được 1,5 ha, tương đương với 45 - 50 công lao động... Tính ra mỗi vụ cũng giảm 5 - 7 triệu đồng chi phí thuê nhân công cho 1 ha.
Thực tế giá thành làm cỏ, bón phân bằng máy cũng được giảm chi phí trên 50% so với chăm sóc thủ công theo truyền thống. Phân được bón vùi vào rãnh mía, giảm được thất thoát lượng phân bón trên 30% so với bón vãi trên mặt ruộng, nhờ đó mà tiết kiệm trên 30% chi phí phân bón.
Ông Nguyễn Công Trung - Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tân Kỳ khẳng định: Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng khắc nghiệt, hạn hán thường xuyên xảy ra, trong khi hệ thống thủy lợi dành cho cây mía chưa được xây dựng, chính quyền địa phương xác định muốn cây mía có thể chung sống với điều kiện khô hạn mà năng suất được nâng cao, không gì khác hơn là phải đưa cơ giới hóa công suất lớn vào sản xuất mía.
Do vậy niên vụ 2018 - 2019, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương phối hợp với Công ty CP mía đường Sông Con vận động, hỗ trợ bà con nông dân đưa máy móc vào sản xuất, tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người trồng mía, đảm bảo bà con phải có lãi để họ yên tâm sản xuất, gắn bó với cây mía nguyên liệu trên đất Tân Kỳ.
Sự chung sức, đồng lòng từ cả chính quyền, doanh nghiệp cùng người nông dân là lời giải cho sự tồn tại bền vững của Công ty CP Mía đường Sông Con hiện nay.