(Baonghean) - Nhiều công trình ở cơ sở, khi lập đề án, được các cấp, ngành vào cuộc rất ráo riết. Thế nhưng, một số công trình, quá trình xây dựng và cả khi xây dựng xong lại bỏ hoang, lãng phí hàng tỷ đồng. 

Cơ sở giết mổ thành nơi... chăn bò

Khu giết mổ ở khối 8, phường Nghi Thủy - thị xã Cửa Lò bị bỏ hoang.
Khu giết mổ ở khối 8, phường Nghi Thủy - thị xã Cửa Lò bị bỏ hoang.

Cơ sở giết mổ gia súc tại địa bàn khối 8, phường Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) được xây dựng cách đây hơn chục năm với tổng diện tích 971m2, kinh phí lên đến gần 2 tỷ đồng. Trong đó, riêng các hạng mục phụ như bờ rào, sân bãi, cổng ra vào... khoảng 700 triệu đồng.

Cơ sở này được UBND thị xã Cửa Lò đầu tư nhằm phục vụ hoạt động giết mổ gia súc cho bà con trong vùng như phường Nghi Thủy, phường Nghi Tân và Thu Thủy. Tuy nhiên, cơ sở này chỉ hoạt động được hơn một năm rồi “bỗng nhiên”... dừng hẳn.

 

Thông tin từ người dân quanh vùng cho biết, cơ sở giết mổ này đã bị bỏ hoang hơn 10 năm. Hiện hạ tầng và các khu vực đã hư hại và xuống cấp khá nghiêm trọng. Xung quanh cỏ dại mọc um tùm, cổng ra vào đã rỉ sét. Đi dần vào bên trong, nhiều chỗ mái lợp fibro xi măng đã bị thủng lỗ chỗ, có chỗ bị vỡ vụn thành từng mảng lớn và sập đổ hẳn. Một số khoang trong cơ sở giết mổ này được người dân lạm dụng biến thành “kho” chứa đựng các rác thải vật liệu xây dựng. 

Nghiêm trọng hơn, nơi đây còn trở thành tụ điểm tiêm chích ma túy của nhiều con nghiện. Tại cơ sở này, hiện có nhiều kim tiêm rơi vãi. Bà Nguyễn Thị Trị, một người dân thuộc khối 8, phường Nghi Thủy cho biết: “Kể từ ngày bị bỏ hoang, cơ sở giết mổ này trở thành nơi phóng uế bừa bãi của nhiều người. Nhà tôi ở ngay cạnh cơ sở này, nên suốt ngày phải đóng cửa kín mít vì không thể chịu được mùi hôi bốc ra từ đây…”. Cùng với bà Trị, nhiều người dân sống quanh đây cũng đã phản ánh lên các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết.  

Cỏ mọc trong các ki-ốt của Chợ Thành Sơn (Anh Sơn).

Ông Hoàng Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho hay, do các hộ dân trong vùng không tập trung mổ vật nuôi tại cơ sở giết mổ mà chỉ mổ tại nhà riêng, nên nơi đây đã bị bỏ hoang trong nhiều năm nay. Thời gian qua, UBND thị xã Cửa Lò đang khảo sát để cho các doanh nghiệp đấu thầu thuê hàng năm, nhưng đến hiện tại vẫn chưa thực hiện được. 

Chợ thành sân bóng chuyền

Chợ Thành Sơn (Anh Sơn) nằm ngay sát UBND xã nhưng là bãi đất hoang gần 1 năm nay. Theo đại diện UBND xã cho biết, khu chợ này được khởi công từ tháng 12/2013 với số vốn đầu tư 3,1 tỷ đồng, tuy nhiên từ tháng 8/2015 do hết vốn nên phải ngừng thi công. Số tiền đã rót vào để xây dựng lên tới 1,8 tỷ đồng. 

Dân chăng lưới bóng chuyền trong chợ Cô Ba ở xã Châu Bình (huyện Qùy Châu).

Khu vực chợ nằm “bơ vơ” với những cột bê tông được dựng lên dang dở và những dãy ốt  xây dở, cỏ đã mọc che gần hết. Nguyên nhân là nguồn vốn giải ngân chậm, nhà thầu thì làm đối phó, rồi “bỏ chạy” luôn. Trước thực trạng trên, xã đã trình lên huyện để có cơ chế huy động vốn tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác khu chợ, tránh để lãng phí. Tuy vậy, thời hạn cho công việc này chưa được xác định.

Còn chợ Cô Ba ở xã Châu Bình (huyện Qùy Châu) được phê duyệt năm 2012. Công trình có tổng diện tích 5000m2, với tổng dự toán là gần 3.3 tỷ đồng. Đầu năm 2014, chủ đầu tư đã tiến hành khởi công xây dựng chợ.

Chợ Cô Ba ở xã Châu Bình (huyện Qùy Châu) sau 3 năm xây dựng giờ vẫn để không.

Đến tháng 6/2014, thi công được bờ bao, khung đình chợ và tạm dừng thi công. Cuối tháng 12/2015, UBND xã Châu Bình tiếp tục triển khai một số hạng mục như: lợp mái, đổ đất... tuy vậy việc thi công lại phải dừng lại cho đến nay. Hiện, chợ vẫn chỉ vỏn vẹn bờ bao và khu đình chính. Để "tránh lãng phí", người dân quanh vùng đã tận dụng khuôn viên chợ dựng lên một sân bóng chuyền. Có ý kiến cho rằng sự chậm trễ của các chợ giống như trái bóng chuyền, các cấp cứ chuyền qua, chuyền lại về trách nhiệm, còn tiền tỷ thuế của dân bỏ ra đang “đắp chiếu”.

Thiên Thiên - Vương Vân - Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN