(Baonghean) Đó là công trình nước sinh hoạt cộng đồng tại 2 bản Vĩnh Kim và Yên Hòa của xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn. Công trình được xây dựng bằng nguồn vốn của Chương trình 134/CP, hoàn thành từ năm 2007, nhưng đến nay người dân nơi đây vẫn không được hưởng lợi, chỉ vì hư hỏng một đoạn đường ống dẫn nước.

Gặp Trưởng bản Lương Văn Thái của bản Vĩnh Kim, chúng tôi đề cập đến công trình nước sinh hoạt, được ông trả lời nhanh gọn: "Chỉ vì một đoạn ống dẫn nước mà bỏ không cả công trình. Người dân chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến với đại biểu HĐND trong các lần về tiếp xúc cử tri, nhưng mãi đến nay dân bản chúng tôi vẫn đau đáu chờ nước...". Theo chân ông Thái, chúng tôi đến khu vực đầu nguồn của công trình nước sinh hoạt, tại một con khe trên địa bàn bản Gia Hóp, xã Tường Sơn. Tại đây, chúng tôi thấy nguồn nước rất dồi dào, các hạng mục xây dựng để lấy nước đầu nguồn, như: bể, đường ống bằng kẽm... vẫn nguyên vẹn. Vậy thì không có nguồn nước vào các bể tại khu dân cư là do đâu? Trưởng bản Lương Văn Thái khẳng định là do bên thi công lắp đặt một đoạn đường ống chất liệu bằng cao su, lại quá nhỏ, dài khoảng 2 km, nối liền với đoạn đường ống chất liệu bằng kẽm to bằng thân cây cau ngay sau bể đầu nguồn nên đoạn đường ống bằng cao su bị vỡ, do áp lực nước quá lớn. Vì đoạn ống cao su được phía thi công đặt sâu dưới mặt đất gần 1m lấp đất nên không thể nhìn thấy.Công trình nước sinh hoạt xây xong bỏ không ảnh 1

    Trưởng bản Lương Văn Thái bên công trình nước sinh hoạt bịbỏ hoang.

Nước đầu nguồn dồi dào, nhưng vì đường ống hỏng nên công trình không phát huy hiệu quả

Ông Thái cho biết thêm, ngay sau khi bàn giao công trình cho bản sử dụng vừa được 3 ngày thì đoạn đường ống bằng cao su đó bị vỡ nhiều nơi, khiến không có giọt nước nào vào 7 cái bể để bà con sử dụng. Theo quan sát của chúng tôi, 7 cái bể nước tại bản Vĩnh Kim vẫn còn nguyên, chưa có hiện tượng hư hỏng, mỗi tội không có nước, nên bà con lợi dụng làm nơi để củi, để đồ.

Ngay sau khi công trình bị hỏng, bản đã có ý kiến với huyện, xã và bên thi công đã vào sửa chữa một lần, nhưng sau đó lại hỏng. Kể từ đó đến nay đã gần 5 năm không có đơn vị nào sửa chữa, trong khi vào mùa hạn hán bà con thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Bản Vĩnh Kim có 134 hộ, 610 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Từ trước đến nay, bà con nơi đây sử dụng nước sinh hoạt bằng giếng khơi và nước khe suối, nhưng mấy năm nay nguồn nước khe bị ô nhiễm nên nhà nào cũng đào giếng khơi. Mùa hạn, 80% số giếng trong bản khô nước, do vậy bà con rất vất vả tìm nguồn nước sinh hoạt. Nhiều năm nay, mỗi lần đại biểu HĐND đến tiếp xúc cử tri tại bản, bà con có ý kiến đề nghị các đại biểu cần quan tâm đến công trình này. Thế nhưng, không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa có cấp nào quan tâm?Bà Nguyễn Thị Thúy An - Trưởng phòng Dân tộc huyện, cho biết: Công trình này được Sở Tài chính phê duyệt quyết toán 798.664.000 đồng. Việc công trình bị hư hỏng nhiều năm nay, huyện đã biết thông qua các đợt tiếp xúc cử tri tại cơ sở. Nhưng do xã chưa có tờ trình gửi lên huyện nên huyện không có cơ sở để xin kinh phí cấp trên sửa chữa.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND xã cho biết: Qua các đợt tiếp xúc cử tri của HĐND huyện, tỉnh, bà con đã có ý kiến rất cụ thể. Năm 2010, UBND xã đã có tờ trình gửi lên huyện đề nghị sửa chữa 2 công trình nước sinh hoạt cộng đồng trong xã, một công trình tại xóm 8, 9 và một công trình tại xóm 11, 12. Ngay sau đó, huyện đã sửa chữa công trình tại xóm 8, 9, với kinh phí gần 600 triệu đồng. Còn công trình tại xóm 11, 12 (tức là bản Vĩnh Kim và Yên Hòa) vẫn chưa được sửa chữa.

Thiết nghĩ, đây là công trình được sử dụng nguồn vốn của Chính phủ, mục đích là tạo điều kiện cho bà con vùng đồng bào dân tộc khó khăn hưởng lợi. Nhưng không hiểu vì sao từ ngày công trình hoàn thành đến nay đã gần 5 năm, người dân chưa được hưởng trọn vẹn ngày nào đã hư hỏng mà các cấp ngành chưa khắc phục.

Xuân Hoàng