(Baonghean) - Trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều cách làm sáng tạo, huy động xã hội hóa, tạo ra bước chuyển về xóa đói, giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Những kết quả đạt được cho thấy, bên cạnh sự nỗ lực của hộ nghèo còn có sự vào cuộc tích cực, chung tay của các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cũng như sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp.
Xóa đói, giảm nghèo vừa nhằm thực hiện sự công bằng xã hội, vừa nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo tiền đề và nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, nhiệm kỳ 2010 - 2015, các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm tập trung nhiều giải pháp cho công tác giảm nghèo.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-TU, ngày 22/2/2011 về chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; Kết luận số 05/KL-TU, ngày 3/10/2011 về chương trình mục tiêu giảm nghèo tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, các chỉ tiêu được đưa ra, đó là giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối nhiệm kỳ là 10%, bình quân mỗi năm giảm 2,5 - 3% hộ nghèo.
Trên tinh thần đó, công tác xoá đói, giảm nghèo trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đối với huyện Tương Dương - một trong những huyện “trọng điểm” nghèo của tỉnh, gắn với việc sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư từ các Chương trình 30a, 134, 135, 167 của Chính phủ..., Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 19/CT-HU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế”. Thông qua đó huy động trí tuệ và trách nhiệm từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, trưởng, phó các phòng, ban cấp huyện chỉ đạo từng cơ sở, từng mô hình kinh tế cụ thể. Từ việc chỉ đạo đó, đến nay toàn huyện đã nhân rộng được 249 mô hình kinh tế như mô hình cà chua quả to, mô hình sau sạch, nuôi lợn đen, vịt bầu...
Gia đình ông Vi Đức Tuấn, ở bản Mon, xã Thạch Giám là một trong những hộ nghèo được nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp cách thức làm ăn và hỗ trợ ban đầu 2 con lợn giống. Đến nay, từ 2 con lợn giống đó, ông đã tích lũy vốn, kiến thức để mua và nuôi thêm dê, bồ câu. Ông Tuấn cho biết, hiện tại gia đình ông đã hình thành được trang trại chăn nuôi tổng hợp với 30 con dê, 5 con lợn và hàng chục đôi bồ câu, mỗi năm cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Đáng vui hơn là từ mô hình của gia đình ông, nhiều hộ ở bản Mon đã làm theo.
Đồng chí La Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tương Dương, cho biết: Ngoài chủ trương của cấp ủy, UBND huyện Tương Dương cũng ban hành đề án phân công các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo. Từ đề án của UBND huyện đã có 281 hộ nghèo nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị, trong đó có 180 hộ thoát nghèo.
Cũng là huyện thuộc diện nghèo của tỉnh, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Quế Phong được tập trung vào phát triển kinh tế thông qua các mô hình và phân công các phòng, ban giúp đỡ hộ nghèo. Gắn với đó đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; lựa chọn một số giống cây, con mang tính đặc thù của địa phương, như chanh leo ở Tri Lễ, nuôi ong ở Châu Thôn, lúa cao sản ở Châu Kim, Cắm Muộn và nuôi vịt bầu ở Tiền Phong... Nhờ vậy, từ tỷ lệ đói nghèo toàn huyện chiếm 59% năm 2010, nay giảm xuống còn 36,38%. Xã Quế Sơn là một trong số xã có sự thay đổi nhanh thông qua các chương trình, đề án phát triển kinh tế của huyện.
Đồng chí Lô Thái Huyết, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Những năm trước, đời sống của đồng bào chỉ dựa vào cây lúa, nên đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ Quế Sơn đã tạo cho mình thế mạnh riêng về cây mía với 241 ha bán cho Nhà máy đường Tate&Lyle, đem lại nguồn thu đáng kể cho đồng bào để thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo ở Quế Sơn đã giảm từ 34% (năm 2010) xuống 22,7% (năm 2014).
Một trong số hộ nghèo của xã, gia đình ông Hồ Quang Hiền, xóm Phong Quang nhờ trồng mía đã có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm. Quế Sơn cũng là nơi có mô hình sản xuất rau sạch nhiều nhất huyện Quế Phong với 45 ha, bình quân 4 – 5 vụ/năm và hiện tại xã đang thí điểm chuyển đổi một số diện tích sang trồng gấc và cam.
Đối với huyện Nam Đàn, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 07/NQ-HU về đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, giai đoạn 2011 - 2015. Trên cơ sở đó, các tổ chức, đơn vị, các địa phương đã cụ thể hóa các nội dung, công việc để đưa nghị quyết vào cuộc sống. Trong đó tập trung tuyên truyền các mô hình, cách làm hay trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình để hộ nghèo học tập và làm theo. Tổ chức rà soát, đánh giá, phân loại hộ nghèo một cách nghiêm túc, đúng thực chất, xác định rõ nguyên nhân nghèo. Tăng cường công tác đào tạo nghề, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm và đẩy mạnh công tác xã hội hóa đảm bảo có thêm nhiều nguồn lực dành cho người nghèo, hộ nghèo.
Gắn với đó đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tạo ra nhiều cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân nói chung và người nghèo nói riêng. Thu nhập của hộ nghèo nhìn chung đều tăng, bình quân tăng 1,29 lần, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện từ 18% (năm 2010) xuống 4,77% (cuối năm 2014).
Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng với việc cụ thể hóa và lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách riêng nhằm tạo mọi điều kiện để giảm nghèo nhanh và bền vững. Cụ thể, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đối với 42 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% trở lên ngoài các huyện 30a; chính sách giảm nghèo và nâng cao mức sống cho nhân dân vùng miền Tây và ven biển Nghệ An đến năm 2020; vận động ủng hộ Tết vì người nghèo;... Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 10,28%, dự kiến cuối năm 2015 giảm xuống còn 7,5 - 8% (mục tiêu đại hội giảm xuống còn 10% cuối năm 2015). Bình quân hàng năm giảm trên 3% hộ nghèo, cao hơn mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII đề ra là bình quân giảm 2,5 - 3%/ năm và cao hơn mức giảm bình cả nước chỉ 2%/năm.
Cả xã hội tham gia xóa đói, giảm nghèo
Công tác xóa đói, giảm nghèo, ngoài huy động trách nhiệm chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc thì trong nhiệm kỳ 2010 - 2015 tỉnh đã làm tốt công tác xã hội hóa xóa đói, giảm nghèo.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Văn Huy chia sẻ: Để có nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo, công tác vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và “Tết vì người nghèo” được mở rộng đối tượng. Đối với Quỹ “Vì người nghèo” hàng năm, thay vì chỉ huy động trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức lao động với bình quân tổi thiếu 1 ngày lương và trong nhân dân, bình quân 10.000 đồng/hộ thì Ủy ban MTTQ tỉnh đã đưa công tác vận động xuống tận từng cơ sở, từng cơ quan, từng khu dân cư để có cách vận động phù hợp, trong đó các cơ sở chú trọng vận động từng cá nhân, hộ gia đình có điều kiện, các cơ sở sản xuất, kinh doanh ở từng địa phương. Ở các ngành, cơ quan, tổ chức, ngoài vận động cán bộ, nhân viên, hội viên của mình còn tích cực vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có quan hệ phối hợp công tác với mình để chăm lo cho người nghèo. Cùng với huy động, MTTQ tỉnh cũng đổi mới cách thức hỗ trợ.
Từ tập trung hỗ trợ xây dựng “Nhà đại đoàn kết”, MTTQ các cấp chuyển cách hỗ trợ mua bò, dê, lợn sinh sản, gia cầm cho người nghèo theo hình thức hỗ trợ con giống với giá trị 10 triệu đồng/hộ trong vòng 4 năm thu hồi chuyển giao cho hộ nghèo khác. Tính từ năm 2011 đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” được MTTQ các cấp huy động được trên 125 tỷ đồng. Riêng năm 2014, toàn tỉnh huy động được 31 tỷ đồng, trong đó có 1.608 ngôi nhà của hộ nghèo được sửa chữa, làm mới; 2.298 người nghèo được hỗ trợ khám, chữa bệnh; 9.939 học sinh nghèo được hỗ trợ học tập và 2.956 hộ nghèo được hỗ trợ mua cây, con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Hưởng ứng thư kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, phát động chương trình “Tết vì người nghèo Ất Mùi năm 2015” đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, huy động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho người nghèo. Toàn tỉnh có 264 cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân ủng hộ cho người nghèo trong dịp Tết Ất Mùi với số tổng số tiền lên đến hơn 32 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ chỉ thị của Tỉnh ủy và quyết định của UBND tỉnh về phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo, đến nay đã có 110 cơ quan nhận giúp đỡ 110 xã nghèo bằng những việc làm thiết thực như xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, nâng cao năng lực cũng như tạo điều kiện, môi trường làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã; làm đường giao thông, cải thiện điều kiện học tập của học sinh; bày vẽ cung cách làm ăn và hỗ trợ con, cây giống cho đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Tổng giá trị huy động giúp đỡ 110 xã nghèo từ năm 2012 đến năm 2014 của các cơ quan, đơn vị là 137,36 tỷ đồng, trong đó năm 2014 là 69,156 tỷ đồng.
Một trong những đơn vị làm tốt có Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Cụ thể, đơn vị đã hỗ trợ để Trạm Y tế xã Nậm Giải (huyện Quế Phong) đạt chuẩn quốc gia về y tế; hỗ trợ cho đồng bào được khám và cấp phát thuốc miễn phí. Nhiều hộ nghèo ở Nậm Giải như gia đình cụ Lô Văn Tình, Lữ Văn Hiếu (bản Piêng Lâng), Lô Văn Hùng (bản Pục), Quang Văn Trường (bản Tống), Lô Văn Hoàng (bản Chà Lấu), được đơn vị tặng bò sinh sản để thoát nghèo. “Bộ đội đã cho bò rồi, việc còn lại của gia đình là chăn nuôi để bò sinh sản ra nhiều bê mà thoát nghèo thôi“ - ông Lữ Văn Hiếu chia sẻ.
Ở xã Nậm Giải, nhiều phần việc của cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh được Đảng bộ và nhân dân khen ngợi như vận động và cùng đồng bào làm đường giao thông ở các bản Cáng, bản Pục theo chuẩn nông thôn mới; các việc làm gắn nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Với Báo Nghệ An nhận giúp đỡ xã Xiêng My (huyện Tương Dương), hàng năm, cơ quan luôn cử cán bộ về địa phương động viên bà con phát triển sản xuất, khảo sát những lĩnh vực cần giúp sức và vận động cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên quyên góp giúp xã nghèo... Riêng năm 2014, từ nguồn đóng góp tự nguyện của cán bộ, phóng viên, nhân viên, người thấp nhất 200.000 đồng, cao nhất có người ủng hộ 10.000.000 đồng với tổng thu hơn 120 triệu đồng.
Từ số tiền này, Báo Nghệ An đã trực tiếp mua bàn ghế, quần áo, bảng và một số đồ dùng học tập trao tặng điểm trường lẻ ở bản Đình Tài của xã Xiêng My, trị giá 45 triệu đồng; mua thêm 3 con bò và 6 cặp lợn sinh sản và hỗ trợ tiền làm chuồng cho các hộ nghèo. Báo Nghệ An cũng tiếp tục tách đàn 4 con bê sau 2 năm đầu tư cho hộ nghèo nuôi chuyển cho hộ nghèo khác, trị giá 40 triệu đồng. Ngoài ra trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi vừa qua, Báo đã tặng quà Tết cho các hộ nghèo 10 triệu đồng và vận động các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp tài trợ ủng hộ 150 triệu đồng... Cùng với đó, Báo cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào cách chăn nuôi hiệu quả, không thả rông trâu, bò, biết trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, biết che ấm cho bò trong mùa đông, nên đàn bò phát huy hiệu quả tốt.
Không chỉ các cơ quan Nhà nước, thông qua sự kêu gọi của lãnh đạo tỉnh, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã lồng ghép nhiều chương trình, đề án liên quan đến công tác giảm nghèo. Điển hình như Tập đoàn Viettel chi nhánh Nghệ An đã triển khai Chương trình “Chung tay vì cộng đồng” bằng việc mua bò tặng hộ nghèo với mục tiêu đặt ra là hỗ trợ 1.000 con bò; chương trình triển khai cung cấp internet băng thông rộng đến các trường học miền núi, vùng sâu, vùng xa; Chương trình “Vì trẻ em hiếu học”... Các đơn vị như Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Nghệ An, Ngân hàng TMCP Bắc Á... cũng là những đơn vị có nhiều hoạt động thiết thực như đầu tư xây dựng hạ tầng, tặng bò, tặng học bổng cho học sinh, sổ tiết kiệm cho người nghèo. Tổng số tiền huy động từ các chương trình lồng ghép của các doanh nghiệp từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 323,96 tỷ đồng, riêng năm 2014 là 116,5 tỷ đồng...
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Rõ ràng, công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã ghi dấu nhiều thành tích nổi bật. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 10,28%, cao hơn mức bình quân cả nước (cả nước còn 6%) và số hộ cận nghèo chiếm một tỷ lệ khá lớn với 11,4%. Thêm vào đó kết quả giảm nghèo thời gian qua chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Thực tiễn là như vậy, trong khi đó yêu cầu đang đặt ra đối với tỉnh Nghệ An là phải thực hiện thành công Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ tới, phấn đấu đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá phía Bắc, thì công tác xóa đói, giảm nghèo cũng cần phải quyết liệt hơn với các giải pháp, biện pháp hiệu quả hơn.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, Nguyễn Văn Huy cần đổi mới cách thức hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo theo hướng bền vững như hỗ trợ cho vay không lấy lãi để mua con giống, cây giống để tạo nguồn thu nhập cho hộ nghèo. Bên cạnh xã hội hóa công tác huy động nhằm tạo ra nguồn lực lớn hỗ trợ cho người nghèo bằng cách phát huy vai trò ở cơ sở trong hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo vươn lên.
Còn theo đồng chí Kha Văn Tám, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quế Phong, cho rằng: Vẫn có nhiều gia đình chưa có ý thức và sự chủ động cao trong sản xuất, phát triển kinh tế. Điều này ảnh hưởng đến công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện. Chính vì vậy, điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức cho đồng bào, chống tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và bản thân người nghèo cần phải tự vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó cần tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế, gắn với tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, tạo thu nhập cho người dân để thoát nghèo nhanh, bền vững hơn.
Giải pháp mang tính tổng thể trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp, các ngành, hệ thống chính trị cần tiếp tục quan tâm, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từ đó huy động xã hội hóa cho công tác này; đặc biệt, làm cho bản thân người nghèo tự biết vươn lên thoát nghèo là yếu tố quyết định. Đồng thời thực hiện nghiêm quy trình đánh giá hộ nghèo, cận nghèo một cách chính xác, trên cơ sở đó để phân loại người nghèo, xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó có tác động phù hợp với từng nhóm để tạo hiệu quả thật sự vững chắc.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt lao động vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi nhằm tạo việc làm tại chỗ, cung ứng lao động cho các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu lao động... Bên cạnh các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở những xã nghèo, huyện nghèo đang từng bược được Nhà nước, các cấp lồng ghép bằng các dự án cụ thể thì một yếu tố quan trọng là các địa phương và người dân cần nỗ lực trong sản xuất, chăn nuôi, nắm lấy cơ hội học nghề, tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, xây dựng khát vọng vươn lên khá, giàu...
Mai Hoa - Thanh Lê