(Baonghean.vn) - Thực tế hơn 50 năm qua ở tỉnh ta cho thấy, nhờ làm tốt công tác dân số, đời sống mọi mặt của người dân được nâng lên rõ rệt. 

Năm 1961, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,78 con, do làm tốt công tác DS - KHHGĐ trong hơn 50 năm qua, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm được 4,23 con (năm 1989: 3,8 con; và năm 2011 là 2,5 con); Tỷ lệ tăng dân số trung bình hàng năm giảm từ 3,54% năm 1961 xuống 2,25% năm 1989. Trong giai đoạn 2000 - 2009, tỷ lệ tăng dân số giảm mạnh từ 1,48% (năm 2000) xuống còn 1,14% (2011). Qui mô dân số tăng chậm đã tạo tiền đề cho kinh tế phát triển, chất lượng dân số được tăng cao. Tuổi thọ trung bình của người Nghệ An đã tăng đáng kể, từ 42,5 tuổi vào năm 1961 lên 72,9 tuổi vào năm 2010.

Phát tờ rơi tuyên truyền DS-KHHGĐ ở Quỳ Châu.              Ảnh: Thu Hương

Trong 10 năm qua, từ các nguồn ngân sách, Nghệ An đã đầu tư cho Chương trình DS - KHHGĐ hơn 140 tỷ đồng và đã tránh sinh được hơn 220.000 người, tổng kinh phí tiết kiệm từ con số đó là 2.420 tỷ đồng. Điều này cho thấy việc đầu tư cho Chương trình DS - KHHGĐ đã mang lại hiệu quả và tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, dân số tỉnh ta đang đứng trước nhiều thách thức: Quy mô dân số lớn, đứng thứ 4 cả nước; với mức sinh như hiện nay (2,5 con) Nghệ An thuộc nhóm 10 tỉnh có mức sinh cao nhất, trong khi đó số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chiếm tỷ lệ cao (cứ 1 người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ thì có 2,5 người bước vào độ tuổi sinh đẻ). Năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên đang cao và có xu hướng tăng nhanh, đáng chú ý là tăng cao ở các huyện vùng biển, vùng giáo và đối tượng cán bộ, đảng viên, giáo viên, thậm chí cán bộ lãnh đạo. Theo dự báo của Viện nghiên cứu các vấn đề xã hội và Tổng cục thống kê, nếu công tác DS/KHHGĐ Nghệ An tiếp tục duy trì mức giảm sinh như 10 năm qua thì sớm nhất phải đến năm 2026, chậm nhất 2029 mới đạt mức sinh thay thế, chậm hơn Chiến lược Dân số và Nghị quyết 20 của BTV Tỉnh ủy đề ra 19 năm. Trong khi đó cả nước đã đạt mức sinh thay thế năm 2005. Bên cạnh đó, vấn đề biến động dân số ngày càng phức tạp; chất lượng dân số được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Đặc biệt một số vấn đề “nóng” hiện nay như tình trạng mất cân bằng giới tính ở mức báo động (119 bé trai /100 bé gái); tỷ lệ dân số già cao hơn cả nước (11,17%); kết quả mô hình xây dựng phường, xã không có người sinh con thứ 3 trở lên ngày càng giảm… Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh là “rào cản” để tỉnh ta trở thành tỉnh khá.
 
Thực hiện Chiến lược Dân số, SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020, ngành Dân số tỉnh tiếp tục có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tập trung giảm sinh và giảm nhanh tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; kiểm soát quy mô dân số ở mức hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản (SKSS), giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số. Tích cực tham mưu cho các cấp uỷ  Đảng, chính quyền để tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác dân số, chăm sóc SKSS; đưa công tác DS/KHHGĐ thành một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm lồng ghép hiệu quả với các hoạt động chuyên môn của ngành và các các chương trình kinh tế - xã hội khác. Phát huy được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, vận động và nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, gắn việc thực hiện chính sách DS/KHHGĐ với việc xây dựng gia đình, làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới. Hoàn thiện và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ các cấp, đảm bảo chuyên môn hoá, phù hợp với tính chất phức tạp, khó khăn và lâu dài của công tác này. Tăng cường cung cấp các dịch vụ CSSKSS, đặc biệ theo hướng gần dân, thuận lợi, kịp thời và an toàn, tiến tới cung cấp đầy đủ các dịch vụ CSSKSS theo nhu cầu của các đối tượng. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện chính sách công tác DS-KHHGĐ, CSSKSS phù hợp với đặc thù của Nghệ An gắn với việc triển khai đồng bộ các đề án để nâng cao chất lượng dân số, từng bước kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhằm tập trung thực hiện tốt mục tiêu ổn định quy mô, cơ cấu dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH - HĐH và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Nguyễn Thị Hồng Hoa