(Baonghean) - Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với ông Lê Văn Sơn - Chủ tịch công đoàn Nhà máy Haivina Kim Liên.

- Thời gian qua doanh nghiệp Haivina Kim Liên được biết đến là đơn vị có nhiều chính sách chăm lo đến đời sống công nhân. Ông có thể cho biết rõ hơn?

- Đơn vị chúng tôi có hơn 2.000 công nhân nhưng trong suốt thời gian qua, công ty chưa bao giờ trả chậm một ngày lương, vì đối với chúng tôi việc nợ lương công nhân chính là nợ sự tin cậy, nợ niềm tin của người lao động. Bên cạnh đó để tạo sự gắn kết giữa Ban giám đốc công ty và công nhân chúng tôi luôn tạo được những sân chơi văn hoá văn nghệ thể thao để họ có thời gian tái sản xuất, khơi gợi tính sáng tạo trong mỗi người.

images1887749_bna_59021e56e0e60.jpgCông nhân Công ty Haivina Kim Liên nỗ lực hoàn thành khối lượng công việc trong ngày. Ảnh: Thanh Nga

Ngoài ra chúng tôi luôn có chế độ thưởng điểm cho những công nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tháng. Công nhân có điểm cao phải là những công nhân có thành phẩm tốt nhất. Những công nhân được bình chọn sẽ được dán chân dung trên bảng tin để khích lệ. Công nhân xuất sắc trong tháng sẽ được thưởng 500.000 đồng; nếu trong năm công nhân nào được dán ảnh chân dung trên bảng tin nhiều nhất sẽ được thưởng nhiều hiện vật quý như xe máy, tivi,... Điều này đã tạo nên phong trào thi đua rộng khắp và sôi nổi trong toàn công ty. Hầu hết người lao động sau khi tăng ca đều có tổng thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng.

- Có một thực tế hầu hết những công nhân làm trong các công ty nước ngoài đều “than” rằng, họ quá vất vả nhưng lương, thưởng thấp, thời gian tăng ca nhiều nhưng chế độ được hưởng chưa tương xứng với công sức bỏ ra. Vì thế không ít người dù có tay nghề, nhưng nhà ở xa công ty, đã không thể “trụ” được vì phải chịu thêm chi phí thuê nhà trọ. Đó có là tâm tư của một bộ phận công nhân trong  doanh nghiệp các ông?

- Đa phần công nhân hiện nay đều đã bắt nhịp với đòi hỏi của tác phong công nghiệp; nỗ lực để hoàn thành tiến độ, thậm chí có những người rất xuất sắc đã vượt trần mức sản phẩm đề ra. 

Mặt khác khi chúng tôi  quan tâm đến đời sống công nhân, người nào có hoàn cảnh éo le, công ty đều trích phúc lợi để giúp đỡ hỗ trợ, nâng tinh thần tương thân tương ái lên, thì người lao động đã thay đổi và tự chuyên nghiệp hóa thái độ, phong cách làm việc...

- Theo ông, công nhân có tay nghề ở ta cần phải bổ sung điều gì để tự thay đổi và chuyên nghiệp hoá thái độ phong cách của mình?

- Bổ sung ý thức chấp hành giờ giấc, ở thái độ nhận lỗi và cả tinh thần cầu tiến. Ngay như ở sản phẩm, nếu không may bị lỗi, công nhân phải đề xuất được mức phạt và tự giác chấp hành, thì mới lan toả được tinh thần tự giác một cách chuyên nghiệp.

Hay việc thường xuyên học hỏi để đề xuất được những sáng kiến kinh nghiệm hoặc các công trình sáng tạo để vừa tạo được hứng thú trong lao động, đồng thời khẳng định được tài năng và trí tuệ của mình. Điều này sẽ giúp công nhân Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng tự nâng thương hiệu lao động.

- Là thành viên trong tổ chức có chức năng đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho công nhân. Vậy theo ông tổ chức công đoàn cần có những cách làm như thế nào để dung hoà được lợi ích của công nhân và lợi ích của doanh nghiệp?

- Tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài cần tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho công nhân, như tạo điều kiện cho công nhân được thư giãn sau mỗi giờ làm việc, tạo ra những sân chơi tinh thần  cho người lao động. Bên cạnh đó tư vấn cho công nhân về Luật Lao động để người lao động biết mình đã được hưởng mức nào, đúng với quy định chưa.

Và nếu có điều gì còn chưa thoả đáng  trong chế độ chính sách thì tổ chức công đoàn cần tư vấn cho họ để làm đơn kiến nghị. Trong tham gia việc xây dựng và thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động, chủ tịch công đoàn nhất thiết phải đấu tranh để người lao động được hưởng tối ưu nhất quyền lợi theo mức độ cống hiến của họ...

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thanh Nga

(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN