Duy trì nguồn hàng, giải quyết việc làm ổn định
Dệt may tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty may Minh Anh - Kim Liên. Ảnh: Thu Huyền Sản phẩm tôn Hoa Sen được đóng gói chuẩn bị xuất khẩu. Ảnh: Thu Huyền
Những ngày này, công nhân Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên đang gấp rút vào ca sản xuất kịp đơn hàng cuối năm. Đây cũng là đơn vị có kim ngạch xuất khẩu dẫn đầu của lĩnh vực dệt may.
Ông Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty may Minh Anh - Kim Liên cho biết: Năm 2018, sản lượng của Tập đoàn Minh Anh đạt 15.000.000 sản phẩm, tăng 123% so với năm 2017; doanh thu 470 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 78 triệu USD, nộp ngân sách 6 tỷ đồng. Sản phẩm của công ty rất đa dạng, tùy khách hàng đặt.
Chúng tôi gia công tất cả các mặt hàng Mỹ, Canada, các nước châu Âu, Hàn Quốc. Hiện doanh nghiệp có 4.000 lao động, trong đó: Minh Anh - Kim Liên 1,8 nghìn lao động, Minh Anh - Đô Lương: 2,2 nghìn lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.
Còn ở thị xã Hoàng Mai, những ngày cuối năm, không khí làm việc tại Nhà máy tôn Hoa Sen (KCN Đông Hồi- TX. Hoàng Mai) rất khẩn trương, các dây chuyền máy móc cùng đội ngũ kỹ sư, công nhân liên tục vận hành. Nhà máy tôn Hoa Sen là dự án được kêu gọi thu hút đầu tư trong năm 2015. Chỉ trong thời gian ngắn lắp đặt, nhà máy đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Riêng năm 2018, sản xuất 637.284 tấn sản phẩm, nộp ngân sách 62.500 triệu đồng, tạo việc làm cho gần 1.000 lao động với thu nhập bình quân gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Dẫn chúng tôi tham quan nhà máy, anh Phạm Tiến Phương - Phó Giám đốc nhà máy cho hay, để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, mạnh và bền vững trong giai đoạn thị trường cạnh tranh khốc liệt, Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An đã nhanh chóng triển khai xây giai đoạn 3, đưa vào hoạt động thêm 1 dây chuyền Nof 3 công suất 250.000 tấn/năm. Với hệ thống công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất nhằm mang đến những sản phẩm chất lượng tốt nhất.
Ngoài ra, các dự án do Tập đoàn TH, Tập đoàn Xi măng The Vissai đầu tư cũng là điểm sáng về phát triển công nghiệp trên địa bàn. Các khu cụm công nghiệp cũng đã thu hút được nhiều dự án đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả. Tại KKT Đông Nam, các KCN Nghệ An đã có 92 dự án đi vào hoạt động với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.759 tỷ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng tốc phát triển
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong số 36 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 30 sản phẩm đạt và vượt kế hoạch, một số sản phẩm tăng cao so với năm 2017 và vượt mức kế hoạch gồm: Sữa chế biến các loại 210 triệu lít, tăng 26,42%, vượt 5%/KH; xi măng 4,45 triệu tấn, tăng 70,84%, vượt 250 tấn so với kế hoạch; sản phẩm tôn - thép Hoa Sen các loại 735 nghìn tấn, tăng 127%, vượt 4,28%; điện sản xuất ước đạt 3.350 triệu KWh, tăng 35%, vượt 19,64% kế hoạch giao; Quần áo may sẵn đạt ước đạt 27-28 triệu sản phẩm, tăng 22,72%,…
Đồng hành cùng doanh nghiệp, tăng tốc phát triển
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong số 36 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 30 sản phẩm đạt và vượt kế hoạch, một số sản phẩm tăng cao so với năm 2017 và vượt mức kế hoạch gồm: Sữa chế biến các loại 210 triệu lít, tăng 26,42%, vượt 5%/KH; xi măng 4,45 triệu tấn, tăng 70,84%, vượt 250 tấn so với kế hoạch; sản phẩm tôn - thép Hoa Sen các loại 735 nghìn tấn, tăng 127%, vượt 4,28%; điện sản xuất ước đạt 3.350 triệu KWh, tăng 35%, vượt 19,64% kế hoạch giao; Quần áo may sẵn đạt ước đạt 27-28 triệu sản phẩm, tăng 22,72%,…
Giá trị sản xuất công nghiệp của Nghệ An trong năm 2018 ước đạt 56.700 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 19% so với năm 2017. Thực hiện nhiệm vụ, năm qua, Sở Công Thương đã tham gia thẩm định các dự án sản xuất công nghiệp đảm bảo quy hoạch đã duyệt, một số dự án có quy mô khá như: Bia Massan, Dự án điều chỉnh Nhà máy sữa Vinamilk, Nhà máy gỗ MDF Anh Sơn, Công ty bánh kẹo Hải Châu II; Dự án Nhà máy may Nghi Lộc (xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc);...
Ngành cũng tham mưu xây dựng đề án phát triển một số sản phẩm hàng hóa lưu niệm phục vụ khách du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2025 trình UBND tỉnh; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2025.
Đặc biệt, trong năm, tổ công tác lĩnh vực công nghiệp đã tổ chức 2 đợt làm việc trực tiếp với 30 doanh nghiệp trên các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, cơ khí, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, sản xuất VLXD để kịp thời đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.
Để đạt mục tiêu đó, ngành đang xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch UBND tỉnh giao năm 2019 để chỉ đạo thực hiện, đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo nguồn thu ngân sách chủ yếu cho tỉnh. Thực hiện các nội dung theo phân công nhiệm vụ trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất.
Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tập trung hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên nguồn vốn tín dụng, công tác khuyến công có hiệu quả. Tháo gỡ nút thắt về đầu tư hạ tầng, nhất là ưu tiên xây dựng cảng biển nước sâu, hệ thống logistic, hạ tầng KCN, CCN để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư mới.
Ngoài ra, ngành cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu. Thường xuyên cung cấp thông tin về thị trường, ngành hàng, các quy định, rào cản của các thị trường xuất khẩu mục tiêu kịp thời cho doanh nghiệp. Thúc đẩy phát triển các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, bất động sản,… để kích cầu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh.