(Baonghean) - Một trong những con số ấn tượng của ngành Công thương trong 2 tháng đầu năm 2014, là sản lượng chế biến sữa các loại đạt hơn 16 triệu lít (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái). Tạo nên bước “nhảy vọt” này là nhờ Nhà máy Sữa Nghệ An - VINAMILK và Nhà máy Sữa tươi sạch TH sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Điều này thể hiện  sự nỗ lực của các doanh nghiệp chế biến sữa  tuy “đi sau nhưng về trước”.

Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ có lợi thế về vùng nguyên liệu rộng lớn phục vụ cho phát triển ngành Công nghiệp sữa, vì vậy nơi đây luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực này và bắt đầu đặt nền móng cho sự phát triển của ngành Công nghiệp chế biến sữa tại Nghệ An là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VINAMILK). Từ năm 2005, doanh nghiệp này đã đầu tư Nhà máy Sữa Nghệ An tại Thị xã Cửa Lò và mục tiêu phát triển bền vững của nhà máy là khai thác nguồn sữa tươi từ việc đầu tư trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung tại Nghĩa Đàn.

Đầu tư xây dựng Nhà máy Sữa Nghệ An theo công nghệ chế biến sữa tiên tiến nên cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, VNAMILK đặc biệt quan tâm đến việc phát triển nguồn nguyên liệu ổn định thông qua trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung. Tại trang trại chăn nuôi bò sữa của Chi nhánh được áp dụng theo quy trình công nghiệp hiện đại của châu Âu, mỗi con bò được đeo 2 chíp (chíp nhận dạng và chíp hoạt động) để quản lý gia phả,  sức khỏe,  năng suất sữa… Tại trang trại có hệ thống chuồng nuôi thông thoáng, có mái được lợp thêm tấm bạc cách nhiệt. Mùa hè có hệ thống quạt và phun sương tự động, bò được cho ăn bằng khẩu phần trộn tổng hợp TMR với nguồn thức ăn tinh, thức ăn bổ sung, khoáng… Mỗi trang trại được trang bị hệ thống vắt sữa của Tập đoàn Delaval Thủy Điển, mỗi ngày vắt sữa 2 lần (mỗi lượt  vắt  sữa 60 con bò) và nguyên liệu sữa được xe bồn chuyên dụng chở về nhà máy, chất lượng sữa được kiểm soát nghiêm ngặt. Hiện tại ở trang trại bò sữa của VINAMILK có trên 3.000 con bò, trong đó có 1.500 con bò vắt sữa  và mỗi tháng  cung cấp cho nhà máy  1.200 tấn sữa. Để có đủ thực phẩm phục vụ cho đàn bò sữa, trang trại đã trồng 30 ha ngô, cỏ, đồng thời hợp đồng với  người dân xung quanh vùng trồng 500 ha ngô, cỏ. Với nguồn nguyên liệu ổn định như vậy, đã giúp Nhà máy sữa hoạt động  hiệu quả.

Ông Tạ Minh Phượng – Giám đốc kỹ thuật Nhà máy sữa Nghệ An cho hay: “Do đầu tư công nghệ, thiết bị sản xuất hiện đại, nên nhà máy hoạt động  ổn định và sản phẩm đạt chất lượng cao như: sữa tươi 100%, sữa tiệt trùng, sữa chua uống, sữa chua ăn các loại”. Năm 2013, Nhà máy sữa Nghệ An đạt sản lượng 27 triệu lít sữa các loại và trong 2 tháng đầu năm 2014 đạt sản lượng 5,2 triệu lít; nộp ngân sách nhà nước 117 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 là 120 tỷ đồng) . Ông Nguyễn Kim Hậu – Trưởng ban Quản lý hành chính nhân sự Nhà máy Sữa Nghệ An cho biết: “Sản lượng của nhà máy hàng năm đều tăng và luôn hoạt động rất hiệu quả, qua đó giải quyết việc làm ổn định cho 170 cán bộ CNV chủ yếu là người địa phương. Cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động đã làm chủ được thiết bị, công nghệ sản xuất… Với những thuận lợi đó, năm 2014, Nhà máy Sữa Nghệ An quyết tâm đạt 30 triệu lít sữa các loại”. 

Dây chuyền sản xuất sữa tại Nhà máy Sữa tươi sạch TH ở Nghĩa Đàn.
Dây chuyền sản xuất sữa tại Nhà máy Sữa tươi sạch TH ở Nghĩa Đàn.

Cũng là mục tiêu đầu tư lợi thế của vùng đất Phủ Quỳ vào việc phát triển ngành sữa, nhưng Tập đoàn TH đã lựa chọn hướng đi riêng, đó là áp dụng công nghệ cao trong việc chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung. Với quyết tâm tạo ra bước “nhảy vọt” về công nghệ cao cũng như chất lượng sản phẩm sữa, Tập đoàn TH đã mua bí quyết công nghệ cùng kỹ thuật chăn nuôi bò sữa của Israel và quy trình chế biến hàng đầu trên thế giới từ các nước tiên tiến. Khi đặt mua quy trình của Israel, để đảm bảo sự tuân thủ đúng quy trình, TH đã thuê cả nông dân và chuyên gia của Israel vận hành máy móc và hướng dẫn, đào tạo người Việt Nam. Hiện nay, TH có một hệ thống tổ chức bộ máy làm việc hết sức chuyên nghiệp trong tất cả các khâu nhờ được quản lý trực tiếp bởi hai công ty đa quốc gia là Công ty Afikim của Israel về quản trị đàn bò và Công ty Totally Vets của New Zealand quản trị về mặt thú y. Hiện tại, ở trang trại chăn nuôi bò sữa của TH có đến 35.000 con bò và trong đó có gần 17.000 con vắt sữa (có thời điểm mỗi con bò sữa cho gần 40 lít sữa tươi/ngày). 

Ông Arghya Mandal - Tổng Giám đốc Nhà máy Sữa tươi sạch TH cho biết: “Nhà máy Sữa tươi sạch TH tại huyện Nghĩa Đàn giai đoạn I với công suất 200 nghìn tấn/năm và tổng công suất thiết kế của nhà máy lên đến 500 nghìn tấn/năm vào năm 2017. Đây là nhà máy có công nghệ hiện đại và quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được trang bị các thiết bị hiện đại nhập khẩu từ các nước G7 và châu Âu. Toàn bộ hệ thống vận hành được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001.  Đặc biệt, dây chuyền sản xuất sữa chua của nhà máy áp dụng công nghệ robot, là công nghệ lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam, nhằm tự động hóa tất cả khâu cho phép đảm bảo được sự vẹn toàn của sản phẩm trong suốt quy trình. Tổng thể các dây chuyền sản xuất được kiểm soát bởi các phần mềm mới nhất trên thế giới trong ngành chế biến sữa là TPM, TQM…”. Nhà máy Sữa tươi sạch TH  bắt đầu hoạt động từ tháng 7/2013 và hiện nay đang hoạt động hết công suất. Các loại sản phẩm làm ra nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường. Kết quả này không những là động lực tạo nên bước “nhảy vọt” về sản lượng chế biến sữa ở Nghệ An, mà còn chứng minh cho chính sách thu hút đầu tư hiệu quả của tỉnh. Chỉ trong thời gian ngắn đi vào hoạt động, TH đã là nhà cung cấp sữa tươi sạch hàng đầu Việt Nam. Theo kế hoạch, đến quý 2/2014, TH sẽ tiếp tục nhập về 10.000 con bò sữa Canada và  dự kiến đến năm 2015, TH sẽ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sữa tươi sạch trên thị trường nhờ tự chủ về nguồn nguyên liệu. Được biết, năm 2013 doanh thu của TH đạt gần 3.000 tỷ đồng và năm 2014 sẽ khoảng 4.000 tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ có dự án đã giải quyết được việc làm cho 2.900 lao động địa phương.

Với những thành công trong sản xuất sữa của hai công ty lớn trên địa bàn, đã mở ra một triển vọng mới trong công nghiệp chế biến sữa tại Nghệ An. Không lâu nữa, Nghệ An sẽ trở thành một trong những địa phương có ngành công nghiệp sản xuất, chế biến sữa lớn trong cả nước.

Hoàng Vĩnh